Từ "đánh vợ không lí do" đến thay đổi để gia đình hạnh phúc
VHO- Chúng tôi hòa mình vào buổi sinh hoạt của các anh chị thuộc CLB Sức sống mới và Người đàn ông trách nhiệm, trong đó có nhiều cặp vợ chồng. Nếu không được giới thiệu trước, ít ai biết rằng, các chị từng bị chồng bạo hành như cơm bữa, còn các anh thì coi đánh vợ là bình thường…
Bị chồng đánh nhưng không dám kêu cứu
Buổi sinh hoạt được làm nóng lên bởi các trò chơi tập thể vui nhộn, xóa đi các khoảng cách vô hình giữa những người lạ là chúng tôi và gần 40 anh chị ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) thuộc CLB Sức sống mới và Nam giới trách nhiệm. CLB được thành lập hơn một năm qua là một trong những hoạt động của dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” do tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam thực hiện.
Buổi sinh hoạt cộng đồng của CLB Sức sống mới và Nam giới trách nhiệm xã Quỳnh Thắng
Vốn từng sống một thời gian dài trong môi trường bị bạo hành, những người phụ nữ ấy giờ đây đã mạnh dạn, sôi nổi nói lên mong muốn của mình về một mái ấm gia đình hạnh phúc, được lắng nghe, được chia sẻ. Còn người chồng lại mong muốn được người vợ tôn trọng, ghi nhận. Trong buổi sinh hoạt, chúng tôi đặc biệt chú ý đến hai vợ chồng anh Phạm Văn H và chị Lê Thị V (tên nhân vật đã được thay đổi) bởi sự chênh lệch tuổi tác, và sự rụt dè có phần sợ sệt của người vợ. Khi được hỏi, anh H (sinh năm 1987) cũng thừa nhận mình từng nhiều lần dùng tay chân, vũ lực để đánh vợ, nhưng từ khi tham gia CLB Người đàn ôngtrách nhiệm, anh đã thay đổi nhiều. “Trước có cuộc sống gia đình còn khó khăn nên có nhiều áp lực, uống rượu vào là đánh vợ. Nhưng bây giờ tôi thấy mình sai, phải sửa đổi để vợ chồng động viên làm ăn, nuôi nhau”, anh H nói.
Quan sát thái độ của người vợ, chúng tôi nhận thấy một cảm giác bất an ở chị, chị nem nép ngồi cạnh chồng, mặt luôn cúi xuống tránh ánh nhìn của chúng tôi, khi muốn hỏi chị thì anh H. đều là người trả lời thay. Chỉ đến khi chúng tôi nói chuyện riêng được với chị V., mới lý giải được thái độ đó.
Chị V. trào nước mắt chia sẻ về cuộc hôn nhân hiện tại. Sinh năm 2000, mới 22 tuổi nhưng chị đã là vợ thứ 3 của anh H. vì thế đám cưới chị không được mặc váy cô dâu vì anh không cho, chỉ được mặc quần áo bình thường. Tủi hờn như thế nhưng cũng chưa thấm vào đâu so với những trận đòn vô cớ mà anh H. giáng xuống người chị. “Có lí do anh cũng đánh, không có lí do cũng đánh. Em bận con nhỏ, anh ấy về thấy em chưa kịp thu lúa thế là đánh. Cơm không vừa miệng cũng đánh. Nói em không cãi cũng đánh. Có lần em đang nằm với con trên giường, anh về túm tóc em lôi xuống đất rồi thản nhiên nằm lên giường”, người vợ đau khổ lau nước mắt cố ngăn những tiếng nấc nghẹn.
Những tiếng nấc nghẹn này như đã thành quán tính bởi mỗi lần bị đánh, chồng cấm chị khóc, cấm kêu cứu từ bất kỳ ai vì nếu trái lời lại bị đánh tiếp… Kể cả sau khi anh H. tham gia CLB Nam giới trách nhiệm, anh cũng không dừng đánh chị ngay. Hai người vợ trước của anh cũng phải ra đi vì sự bạo hành của anh H. Tuy vậy, điểm “cộng” cho anh là lần nào sinh hoạt CLB anh cũng tham gia, và hoạt động tích cực, được ghi nhận là sự mong muốn thay đổi bản thân.
Thay đổi để gia đình hạnh phúc
Nhiều năm trước, Quỳnh Thắng là một trong những xã của Nghệ An còn tồn tại định kiến giới nặng nề, bạo lực trong gia đình, chồng đánh vợ, con đánh mẹ còn được coi là điều bình thường, và người đàn ông “có quyền ấy”. Nhưng khi CLB Sức sống mới và Nam giời trách nhiệm ra đời, sinh hoạ1 lần/tháng., những người bị bạo lực và người gây ra bạo lực đã được tăng cường nhận thức về bản thân, tăng hiểu biết về pháp luật, bình đẳng giới, bạo lực gia đình và nâng cao kỹ năng và tiếp cận các cơ hội để tăng cường năng lực kinh tế. Còn nam giới trước cho rằng “tát chứ không phải là đánh” đã hiểu được hành vi của mình là sai trái, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến gia đình, con cái.
Vợ chồng cùng bày tỏ điều mong muốn ở bạn đời
Ông Vi Văn L. phấn khởi nói với chúng tôi: “Tôi bây giờ là người tốt rồi, không đánh vợ nữa. Giờ tôi chỉ uống 1 chén rượu nhỏ, không say đâu. Hai vợ chồng tập trung làm ăn, kinh tế khá hơn. Ngày trước đi vay tiền không ai cho vay, mà giờ người ta còn gọi đến cho vay tiền nữa”.
Cùng tham gia buổi sinh hoạt với chồng, vợ ông L. chia sẻ, nhà có 4 người con, ông còn mắc bệnh nặng, không làm ăn được gì, kinh tế khó khăn. Bà ngâm rượu lá cây để chữa bệnh cho chồng, không ngờ ông uống nhiều thành nghiện rượu, mỗi lần uống xong ông lại đánh bà. Nhưng từ khi tham gia CLB, ông cũng thay đổi nhiều, trong nhà thỉnh thoảng xảy ra cãi vã chứ không bị đánh nữa, mỗi lần ông tức lại đi ra ngoài, hết tức thì về. Không say rượu nên ông chăn nuôi lợn, gà, bò rất tốt, gia cảnh đỡ khổ hơn.
Trong buổi sinh hoạt, theo sự hướng dẫn, một lần nữa các cặp vợ chồng lại được thổi bùng ngọn lửa tình yêu trong mỗi người mà tưởng chừng đã tắt ngấm từ lâu. Các anh chị cùng nhau vẽ ngôi nhà hạnh phúc, tặng hoa cho nhau, trao nhau những ánh mắt âu yếm, cái nắm tay thật chặt… “Hạnh phúc”, “vui vẻ”, “đoàn kết”, “tình cảm”… là cảm nghĩ của anh chị khi kết thúc buổi sinh hoạt. Có chị vui mừng thông báo, mới đây chị được nhà chồng tặng cho một con bò, điều mà chị chưa từng mơ ước vì từ khi về làm dâu, chị bị chồng bạo hành, gia đình chồng ghét bỏ. Các chị còn chia sẻ làm sao khi chồng tức giận, và làm sao “né” được những trận đòn roi của chồng. Ngay cả người đàn ông gây chú ý ở trên – anh Phạm Văn H. tuy còn ngượng ngùng nhưng cũng tranh thủ dành cho vợ những cử chỉ yêu thương. Anh hứa với mọi người: “Bỏ rượu thì khó nhưng sẽ bớt uống rượu để chăm sóc gia đình nhiều hơn”.
Theo bà Tô Thị Hạnh, cán bộ tổ chức Hagar, mục đích của Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân để cải thiện việc tiếp cận dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” là nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực giới, bạo lực gia đình và mua bán người; đồng thời người dân có thể tăng cường tiếp cận các hỗ trợ của chính quyền địa phương khi họ mất an toàn. Tất cả phụ nữ tham gia chương trình có thể nâng cao khả năng tự bảo vệ an toàn cho mình và con cái khi người chồng có hành vi bạo lực; còn nam giới hiểu biết nhiều hơn về pháp luật, kiểm soát bản thân để từ đó giảm hành vi gây ra tổn thương cho gia đình. “Hơn 1 năm qua chúng tôi nhìn thấy khá nhiều sự thay đổi, nếu nói rằng thay đổi từ 1 đến 8-9 là điều rất khó, nhưng ít nhất chúng tôi nhìn thấy các anh đã dám thừa nhận hành vi của mình là phạm pháp, hành vi không đáng có trong gia đình; trước đây việc bạo hành có thể diễn ra hằng tuần, hằng tháng thì hiện nay vài tháng diễn ra một lần. Đây là sự thay đổi khá lớn, vì trước đây các anh cho rằng đó là hành vi bình thường, và có quyền làm như vậy với vợ, con. Ai cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, con cái khỏe mạnh và phát triển tốt, khi hiểu được những hệ quả tiêu cực của hành vi bạo lực lên tất cả các thành viên gia đình và tương lai, các anh đã mong muốn thay đổi và mang đến niềm vui cho gia đình nhiều hơn.”, bà Hạnh nói.
QUỲNH HOA; ảnh: Đ.XUÂN