Mâm cơm gia đình trong đại dịch Covid -19: Lan toả yêu thương

VHO- Nhìn từ góc độ tích cực thì trong đại dịch Covid-19 nhiều giá trị sống đã khiến con người thay đổi nhất là sự ấm áp, hạnh phúc của bữa cơm gia đình.

Mâm cơm gia đình trong đại dịch Covid -19: Lan toả yêu thương - Anh 1

 

Một bữa cơm gia đình trong đại dịch Covid-19 được chia sẻ trên các trang mạng xã hội

Dạo quanh các trang cá nhân trên facebook, zalo… sẽ thấy rất nhiều hình ảnh ấm áp của các gia đình quây quần bên nhau trong các bữa cơm. Những bữa cơm đó có thể không thịnh soạn, nhưng nhìn vào đó sẽ thấy bàn tay của người vợ, người chồng đã cùng chia công việc gia đình, cùng nhau làm bếp…

“Sống chậm” để thấu hiểu hơn

Ở thời điểm này, rất nhiều gia đình đã thấm thía hơn với ý nghĩa của bữa cơm gia đình đầy yêu thương. Chị Hoài Hương (phố Sơn Tây, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi thường rất ít nấu cơm, chồng thì hay bận tiếp khách không về ăn tối, vợ lại dẫn các con đi ăn Pizza, đồ ăn nhanh… Tuy nhiên đang trong mùa dịch Covid -19 chưa cần tới khi Chính phủ ra chỉ thị tạm dừng các nhà hàng quán ăn, vợ chồng tôi cũng như nhiều người khác đều rất sợ khi đi ăn ở ngoài. Vào quán mùa dịch đã cảm nhận sự lạnh lẽo, ảm đạm chưa nói là ngồi ăn. Thôi thì ở nhà tự đi chợ, dành thời gian để nấu ăn cảm giác an toàn hơn rất nhiều. Bữa cơm gia đình có đầy đủ vợ chồng, con cái sum vầy, mọi mối quan hệ trong gia đình trở nên gắn kết hơn. Mùa dịch qua đi, gia đình tôi cũng sẽ cố gắng để ăn cơm cùng với nhau, chí ít vào bữa tối hằng ngày”.

Khẩu hiệu giản dị của Việt Nam trong mùa Covid-19 là “Ở nhà là yêu nước”, những ngày này, người dân triệt để thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, rất nhiều người, đặc biệt là các thành viên trong mỗi gia đình cho rằng thực hiện cách ly khiến họ trở nên “sống chậm” lại, lắng nghe bản thân của mình cũng như thấu hiểu hơn tình cảm của người thân trong gia đình hơn. Anh Tuấn (Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ: “Thời điểm này chúng ta đều có cơ hội quan tâm gia đình cũng như chăm sóc bản thân nhiều hơn. Thay vì những cuộc nhậu triền miên với đối tác và đồng nghiệp ngoài xã hội tôi cùng vợ nấu cơm, cùng pha một ấm trà ngon để thưởng thức, cùng tâm sự với nhau những chuyện mà trước kia vì bận rộn chẳng bao giờ có thể chia sẻ… Sống chậm lại và thư giãn để phòng chống dịch giúp cho mình cảm nhận hơn được những giá trị của hạnh phúc gia đình”.

Cái “giá” của sự giản dị

Nhiều bà nội trợ tâm sự do tác động Covid – 19, bữa cơm gia đình cũng có sự thay đổi. Trên các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, các chị em tích cực đăng tải hình ảnh những bữa cơm nhà. Chị Khánh Ly (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Thời điểm này bữa cơm không nên quá cầu kì, tôi luôn chú trọng bổ sung những món ăn tăng cường sức đề kháng. Những món ăn dễ nấu tốt cho sức khoẻ như đậu rim mắm hành, rau muống xào tỏi, tôm rang, cá cơm chiên mắm…. Cùng với đó là những loại hoa quả giàu vitamin C như cam, bưởi, dứa… thường có mặt trong các món tráng miệng”. Đáng nói là vì có nhiều thời gian rảnh rỗi và không còn thói quen đi ăn sáng thì nhiều chị em tự làm những bữa sáng vô cùng hấp dẫn như tự tráng bánh cuốn, phở, bún thang…

Chia sẻ một bức hình chụp bữa cơm gia đình mình với những món ăn giản dị: Tép rang tóp mỡ, nem rán, rau muống luộc, anh Đạt (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Lâu nay cứ đắm đuối vào các bữa nhậu, thịt cá ê hề nhưng chẳng bao giờ cảm nhận được món nào là ngon. Giờ thư thái ăn bữa tối ở nhà, uống một lon bia và thưởng thức những món “bà xã” làm không hề tốn kém mà thấy thật ngon miệng. Giờ mới thấy bữa cơm gia đình thật có “giá”. Một độc giả nữ chia sẻ: “Trong mùa dịch bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên, không còn cảnh úp lồng bàn để thức ăn nguội lạnh như trước. Chúng tôi vừa ăn vừa theo dõi thời sự trên tivi, xem tin tức về diễn biến của dịch bệnh, rồi cùng nhắc nhở nhau hạn chế ra dường, đeo khẩu trang, rửa tay khô để phòng bệnh. Hơn hết, chúng tôi có những khoảng lặng dành riêng cho nhau. Chưa lúc nào như lúc này, tôi thấy hơi ấm gia đình thật sự, không còn xô bồ, bon chen…”.

“Mùa dịch” khiến mỗi người có nhiều thời gian ở bên gia đình nhiều hơn, cùng vào bếp nhiều hơn và điều này đã làm thay đổi không ít những thói quen ăn uống của nhiều người theo hướng tích cực. Chắc chắn không chỉ ở thời điểm này mà sau khi dịch kết thúc thì mỗi thành viên trong gia đình cũng sẽ ý thức hơn tới việc vun đắp để có những bữa cơm gia đình đầy đủ mọi thành viên cũng như chắc chắn nhiều ông chồng sẽ giảm bớt những cuộc nhậu, cuộc vui bên ngoài để giành thời gian nhiều hơn về ăn cơm cùng vợ con. 

 ĐÀO ANH

Ý kiến bạn đọc