“Lệch chuẩn tích cực” để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới

VHO- Quan niệm rằng đàn ông phải mạnh mẽ, là trụ cột cho gia đình… đã làm sai lệch nhận thức của nam giới, gây áp lực cho nam giới, đồng thời cũng hạn chế quyền năng của phụ nữ, làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

“Lệch chuẩn tích cực” để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới - Anh 1

 NSND Trung Anh chia sẻ quan điểm về bình đẳng giới

Những ý kiến chia sẻ như vậy tại Diễn đàn “Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực giới”, do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới (GBVNet) vừa tổ chức tại Hà Nội đã đặt ra một quan điểm mới, đó là cần những quan niệm “lệch chuẩn tích cực” để thay đổi nhận thức về bình đẳng giới hiện nay ở Việt Nam.

Những đòi hỏi dẫn tới bất bình đẳng giới

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho biết, qua nghiên cứu cho thấy các tiêu chí về người “đàn ông đích thực”, “chuẩn nam tính” được đề ra quá cao: Đàn ông phải là trụ cột gia đình, kiếm đủ tiền nuôi vợ con; là người lãnh đạo trong xã hội; khả năng tình dục cao… buộc nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được chúng. Chính những chuẩn mực nam tính truyền thống này có thể dẫn tới những trông đợi quá lớn cũng như những khắc chế đối với bản thân người đàn ông và người khác. “Tài chính và sự nghiệp được coi là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới. Gần một phần tư nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp”, TS Khuất Thu Hồng dẫn chứng. Điều đáng lo ngại, những áp lực này có thể gây tác động bất lợi lên sức khỏe tâm thần của nam giới, đặc biệt là nhóm nam giới trẻ và nam giới sống ở khu vực đô thị. Đã có gần 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử, tỷ lệ này tăng tới 5,4% (tỷ lệ cao nhất) trong nhóm nam giới ở độ tuổi 18-29.

“Có rất nhiều người đàn ông khi ở ngoài xã hội thì phát biểu hùng hồn và tỏ ra rất hiểu biết về bình đẳng giới, nhưng khi về nhà thì như một ông “vua con”. Về thực chất, quan niệm này củng cố ưu thế và đặc quyền của nam giới đối với phụ nữ, hạn chế các cơ hội nâng quyền tự chủ về kinh tế của phụ nữ và biện minh cho sự phân biệt đối xử trên cơ sở giới tại nơi làm việc cũng như trong gia đình và ngoài xã hội”, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ.

Thành lập mạng lưới nam giới thúc đẩy bình đẳng giới

Bên cạnh những quan niệm truyền thống thì thái độ của nhóm nam thanh niên thiên niên kỷ ở đô thị về nam tính, hôn nhân, gia đình, phụ nữ và bình đẳng giới đang chuyển dịch theo hướng tích cực hơn. Đó là quan niệm “lệch chuẩn tích cực”. Khảo sát cho thấy có tới 38,8% nam giới đô thị trong tuổi 18-29 chia sẻ việc nấu ăn với vợ so với 24,4% nam giới ở độ tuổi từ 60 trở lên.

Ông Nguyễn Nhỏ, Chủ nhiệm CLB nam giới tiên phong tại Đà Nẵng cho biết: “Ban đầu khi mới tham gia CLB, tôi và các thành viên đều chưa hiểu thế nào về bạo lực giới, cứ nghĩ sẽ phải nghe rất nhiều những lời phê bình, giáo huấn về các hành vi, ứng xử với vợ con. Thế nhưng, khi sinh hoạt CLB chúng tôi đã được tập huấn, được nghe các chuyên gia nói chuyện và từ đó chúng tôi có những kiến thức về bình đẳng giới cũng như kỹ năng giao tiếp, ứng xử với vợ con. Trước kia tôi chưa bao giờ làm việc nhà, giờ tôi sẵn sàng giúp vợ nấu cơm, lau dọn nhà cửa và thậm chí có thể trình bày một bữa cơm vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt. Quan trọng hơn cả là công việc trong gia đình được hai vợ chồng phân công hợp lý, bình đẳng, vợ tôi có thêm thời gian để làm những công việc riêng. Những CLB theo mô hình của chúng tôi đã góp phần mang lại hạnh phúc cho gia đình”. NSND Trung Anh nhấn mạnh: “Là người cha, tôi sẵn sàng bảo vệ con gái mình trước mọi hình thức bạo lực. Hãy cùng tôi lên tiếng và hành động vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. Chứng kiến cảnh nhiều câu chuyện về bất bình đẳng giới với nhiều đồng nghiệp quanh mình, tôi cho rằng cần phải có những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc tuyên truyền bình đẳng giới để làm thay đổi nhận thức của mọi đối tượng trong xã hội”.

Diễn đàn cũng là cơ hội để các tổ chức và các nhóm, câu lạc bộ nam giới giới thiệu và chia sẻ các mô hình, bài học kinh nghiệm và thách thức trong việc huy động sự tham gia của nam giới vào công tác thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Các đại biểu đã thống nhất thành lập Mạng lưới Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xoá bỏ bạo lực giới ở Việt Nam. Ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: “Với sự tham gia tích cực của nam giới, phụ nữ và các giới khác, tôi tin tưởng rằng tiến trình đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam sẽ được đẩy nhanh”.

Đóng vai trò đồng tổ chức Diễn đàn và nêu sáng kiến thành lập mạng lưới, TS Trần Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng, nhiều nam giới Việt Nam đã bắt đầu nhận ra rằng để không bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh phát triển mới, họ cần phải tham gia nhiều hơn vào công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới cùng với phụ nữ, cùng chia sẻ những áp lực và cơ hội thành công trong cuộc sống. “Đó là lý do chính khiến chúng tôi đi đến ý tưởng thành lập mạng lưới. Tôi mong muốn nhiều nam giới hưởng ứng ý tưởng này để trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống, mỗi người đàn ông đều được đồng hành và sẻ chia với mẹ, với vợ, với con gái, với các chị em gái và các đồng nghiệp nữ cũng như các bạn nữ của mình”, TS Trần Kiên chia sẻ.

Thay đổi chuẩn mực cứng nhắc về nam giới và chuẩn mực mang tính định kiến giới đang tồn tại trong nam giới Việt Nam cần được nhìn nhận là một phần quan trọng trong nỗ lực tập thể để thúc đẩy bình đẳng giới. 

 HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc