Lần đầu tiên đàn ông Việt bị “nội soi”

VHO- Lần đầu tiên, một cuộc khảo sát xã hội học với chủ đề “Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập” đã được Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) thực hiện trên 2.567 nam giới trong độ tuổi 18-64 tại Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa và Hòa Bình. Những kết quả được công bố với rất nhiều phát hiện bất ngờ đã khiến dư luận “bàng hoàng”...

Lần đầu tiên đàn ông Việt bị “nội soi” - Anh 1

 Lâu nay, nói về giới và bất bình đẳng giới hầu như ai cũng chỉ tập trung vào phụ nữ mà quên hẳn vế còn lại, điều đó không chỉ khiến các chiến lược thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng nam - nữ, cải thiện cơ hội của phụ nữ trở nên thiếu hiệu quả mà còn khiến xã hội không hiểu về một nửa vốn vẫn được mệnh danh là “phái mạnh”.

Gánh nặng... sự nam tính

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện ISDS, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, không chỉ Việt Nam mà nhiều nơi trên thế giới luôn quan niệm phụ nữ là bên thiệt thòi, còn nam giới đã nhận quá nhiều ưu ái. Tuy nhiên, nam và nữ luôn gắn liền với nhau, mọi vui buồn của phụ nữ đều liên quan đến đàn ông và ngược lại. “Những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy nam giới gặp nhiều vấn đề, đặc biệt khi xã hội phát triển nhanh chóng. Dường như những thay đổi ở nam giới còn khá chậm, không phải họ không thay đổi, mà là tốc độ chậm hơn nhiều so với phụ nữ”, TS Khuất Thu Hồng cho biết.

Kết quả nghiên cứu đã thể hiện suy nghĩ của nam giới còn rất cũ và không thay đổi bao nhiêu so với suy nghĩ của phụ nữ. Nhiều đàn ông Việt vẫn giữ không ít quan niệm truyền thống, phần lớn họ cho rằng người phụ nữ trong xã hội hiện đại vẫn phải như... ngày xưa: Ở nhà chăm lo gia đình, ưu tiên làm vợ làm mẹ và đàn bà không thể làm việc dưới áp lực cao. Cách nam giới nghĩ về bản thân cũng không thay đổi, hầu hết khẳng định họ phải là bên giỏi giang, có năng lực hơn và dù có ứng xử như thế nào thì xã hội vẫn sẽ khoan dung họ hơn. Một điều đáng chú ý khác là nam giới luôn bị ám ảnh bởi vai trò trụ cột gia đình, luôn tạo áp lực bản thân để tỏ ra cứng cỏi trong mắt mọi người về rất nhiều phương diện. Trong nghiên cứu, hơn 97% nam giới cho rằng họ cần là bờ vai che chở cho người phụ nữ của mình, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những ai nghĩ mình không làm được điều này thường rất căng thẳng và xem như một thất bại!

Những mối lo về kinh tế chiếm tới 83% số nam giới được khảo sát, con số này cũng là dễ hiểu khi xã hội vật chất ngày càng phát triển. Cách đây 20-30 năm, có xe máy là đủ, nhưng giờ phải là ô tô, thậm chí phải là ô tô đắt tiền; là áp lực con cái được đi học ở những trường quốc tế hay du học nước ngoài. Những mối lo đặt trên vai người đàn ông khiến họ phải vất vả, trăn trở nhiều hơn. Ngoài ra, có một con số khác từ kết quả nghiên cứu khiến dư luận “bàng hoàng” là tỉ lệ nam giới có ý định tự sát: 3% số người tham gia nghiên cứu chia sẻ rằng họ có ý định tự sát trong thời gian gần đây; với nhóm tuổi từ 18 đến 29, con số này cao hơn, là 5,43%.

Ngày nay, nhiều phụ nữ rất giỏi, có bằng cấp cao và thậm chí kiếm tiền nhiều hơn cả đàn ông, nhưng điều này lại khiến người chồng trong nhà lo lắng hoặc tự ái vì cảm thấy mất mặt với vợ. Ở chiều ngược lại, người vợ không có gì khó chịu khi kiếm tiền không bằng chồng mình. Để có thể tháo bớt những gánh nặng về tâm lý, cần bắt đầu ở chính nam giới, họ cần thấu hiểu chính mình để thay đổi những định kiến này. Có thể thấy rằng người vợ ngày nay đã chia sẻ gánh nặng kinh tế rất nhiều với chồng, nhưng nhiều người trong khảo sát vẫn bị ám ảnh bởi mấy chữ “trụ cột gia đình”. Do vậy, những suy nghĩ của đàn ông cần thoáng hơn, “đầu tiên nên xem việc chia sẻ gánh nặng gia đình là của cả hai người, kế đó mới cần người vợ tinh ý và khéo léo san sẻ với đàn ông. Quan trọng là cả hai cần thường xuyên chia sẻ để hiểu và thông cảm cho nhau. Nam giới cũng cần được quan tâm, cần một chỗ dựa vững chắc nơi người vợ để giảm đi gánh nặng tâm lý trong cuộc sống”, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ.

Đâu là mẫu người “đàn ông đích thực”?

Nghiên cứu đã thống kê, phân tích trên nhiều phương diện, tiêu chí và rút ra kết luận rằng hình mẫu “người đàn ông đích thực” ở Việt Nam phản ánh những khuôn mẫu truyền thống. Chẳng hạn, về sự nghiệp, nam giới cho rằng “người đàn ông đích thực” cần ưu tiên sự nghiệp, coi trọng học vấn và bằng cấp, có vị trí cao trong cơ quan, làm những công việc có tay nghề chuyên môn/kỹ thuật, phấn đấu trở thành lãnh đạo... Về năng lực và tư cách, “đàn ông đích thực” phải có một cơ thể khỏe mạnh, có quan hệ xã hội rộng, phong thái mạnh mẽ, ăn to nói lớn, biết chấp nhận mạo hiểm, thử thách, biết uống rượu giỏi... Về sinh lực, họ cần có khả năng tình dục cao, luôn chủ động, dẫn dắt và có kinh nghiệm tình trường. Về gia đình, họ lấy vợ, sinh con, phải là trụ cột, kiếm đủ tiền nuôi được vợ con và có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên.

Hình mẫu “người đàn ông đích thực” chính là phiên bản nam tính bá quyền trong xã hội Việt Nam đương đại. Nhiều tiêu chí truyền thống của “người đàn ông đích thực” cần phải được thay đổi để giải phóng chính đàn ông ra khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc đang gây bất lợi cho họ. Do đó, TS Khuất Thu Hồng cho rằng, nếu những suy nghĩ về tiêu chí người đàn ông không thay đổi thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Sự thay đổi phải bắt đầu từ quan niệm của xã hội, bắt đầu từ những điều rất nhỏ trong gia đình. Chẳng hạn, cần dạy dỗ con trai và con gái phải như nhau, không phân biệt việc nhà, không dạy con trai ngã không được khóc, sau này phải mạnh mẽ để gánh vác gia đình, nuôi bố mẹ... Hoặc khi đi học, không dạy con bằng những hành vi bạo lực như con trai phải mạnh mẽ, bị đánh thì đánh lại...

“Phải khẳng định rằng, tốc độ tiến bộ của phụ nữ đã tiến nhanh rất nhiều, còn nam giới thì vẫn giữ suy nghĩ cũ. Chính những băn khoăn về sự thay đổi, tiến bộ, mạnh mẽ hơn của phụ nữ làm cho nam giới cảm thấy áp lực, không muốn thừa nhận, không nói ra miệng nên trở thành ẩn ức trong lòng. Không chỉ thua kém bạn bè, hàng xóm mà thua kém cả vợ mình. Đây chính là những vấn đề trong cuộc sống của nam giới nhưng ít được nói đến, mà nếu không thay đổi thì bản thân nam giới phải trả giá đắt cho những suy nghĩ và hành vi của mình”, Viện trưởng Viện ISDS nhấn mạnh.

Có thể thấy, đứng trước vô vàn áp lực, nhiều người đàn ông đã trút những bẽ bàng, cay đắng dồn nén xuống đầu người phụ nữ. Người ta ít nghĩ về điều đó khi tìm cách lý giải nguyên nhân phụ nữ bị bạo hành. Nhưng làm đàn ông càng ngày càng không dễ dàng, nhất là tới đây, tất cả được tự động hóa, xã hội càng phát triển thì cơ bắp của người đàn ông sẽ chẳng còn là ưu thế, bởi phụ nữ cũng làm được những việc ấy mà thậm chí còn làm khéo hơn. Rõ ràng đàn ông phải đối diện với nhiều áp lực, mà không được giải tỏa thì họ có thể trở nên bạo lực hoặc tự hủy hoại mình.

Tuy nhiên, TS Khuất Thu Hồng cũng cho biết, nghiên cứu này đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời, còn nhiều vấn đề chưa giải quyết được đến nơi đến chốn, ví dụ chưa đo được mối quan hệ nhân quả giữa mức độ ý thức về vai trò trụ cột và mức độ áp lực mà đàn ông phải đối mặt; mối liên hệ giữa chúng với sức khỏe tâm thần; cũng chưa khai thác được những mức độ “lệch chuẩn” khác nhau ra khỏi hình mẫu “người đàn ông đích thực”... Mặc dù không thể đại diện cho toàn bộ nam giới Việt Nam nhưng dữ liệu đã cung cấp một số phát hiện quan trọng và cực kỳ thú vị, hình thành một phác thảo chân dung đầu tiên về người đàn ông Việt Nam trong một xã hội đang đổi thay nhanh chóng. 

QUỲNH HOA - Đ.H

Ý kiến bạn đọc