Kỹ năng cho cha mẹ bảo vệ con nhỏ trên môi trường mạng

NGUYỆT MINH

VHO - Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) vừa ban hành “Bộ cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”. Bộ cẩm nang này là một giải pháp quan trọng, nhằm triển khai Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025” được Chính phủ ban hành tại Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1.6.2021.

Phiên bản mới không chỉ cập nhật những rủi ro trên môi trường mạng đối với trẻ em mà còn cung cấp các công cụ, giải pháp thiết thực, giúp trẻ tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ phụ huynh đồng hành cùng con an toàn trên Internet. Bộ cẩm nang cũng là công cụ quan trọng nhằm giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực từ môi trường mạng đối với trẻ em.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tới hết năm 2023, dân số Việt Nam đạt khoảng 100,3 triệu người, trẻ em chiếm gần 1/4 dân số, trong đó 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Cũng theo số liệu Trung tâm quốc gia về trẻ theo em mất tích và bị bóc lột (NCMEC – Mỹ), năm 2023 có khoảng 533.236 báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng liên quan tới Việt Nam - đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Indonesia và Phillipine. Con số này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cấp thiết phải bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro trên không gian mạng.

Kỹ năng cho cha mẹ bảo vệ con nhỏ trên môi trường mạng - ảnh 1
Trẻ em sử dụng thiết bị công nghệ cần có sự giám sát, theo dõi của cha mẹ

Bộ cẩm nang được biên soạn gồm có 5 phần, trong đó cung cấp các thông tin cơ bản về Internet, lợi ích, rủi ro trên môi trường mạng với trẻ em; cung cấp nguyên tắc bảo vệ trẻ em dành cho các lứa tuổi và các công cụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Trong đó, với trẻ dưới 6 tuổi - đây là lứa tuổi trẻ em mới bắt đầu tiếp cận với Internet nên cần sự hướng dẫn hỗ trợ của cha mẹ, thầy cô. Phần này chủ yếu hướng dẫn cho cha mẹ, thầy cô nhận biết các rủi ro có thể gặp phải và một số cách để hướng dẫn ban đầu cho trẻ em tham gia môi trường mạng.

Vì trẻ chưa nhận thức được các rủi ro rình rập nên các chuyên gia khuyến cáo không nên để trẻ sử dụng internet một cách độc lập mà cha mẹ nên cùng trẻ xem các chương trình hoặc đảm bảo rằng những tương tác trên mạng và các chương trình trẻ xem đều nằm trong tầm mắt của bố mẹ.  tránh tình trạng trẻ thoát khỏi tài khoản, để lộ thông tin hoặc chẳng may vào các chương, ứng dụng không đảm bảo, trẻ gặp phải các chương trình không phù hợp.

Với trẻ em độ tuổi 0-3, cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử  dù là tivi hay xem/chơi các chương trình trên Internet. Trẻ từ 3-6 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình dù là tivi hay xem/chơi các chương trình trên Internet quá 1 giờ/ngày.

Cha mẹ có thể cài đặt các ứng dụng để đảm bảo thời gian con xem không quá 1 giờ. Tuy nhiên khi cài đặt thời gian, cha mẹ cũng nên giải thích trước với con để con hiểu rằng chỉ nên xem các chương trình này dưới 1 giờ/ngày để đảm bảo sức khoẻ cho con, kết thúc hoạt động này còn rất nhiều các hoạt động thú vị khác mà con có thể tham gia.

Để tránh trẻ mè nheo, đòi hỏi và có thể khóc, sốc, khi kết thúc chương trình một cách đột ngột khi hết thời gian, cha mẹ có thể thông báo cho trẻ trước khi kết thúc chương trình từ 15 phút, 10 phút hoặc 5 phút để trẻ chuẩn bị chuyển trạng thái. Việc giúp trẻ tự giác trong việc thành lập thói quen giờ giấc, nền nếp sẽ giúp ích rất nhiều khi trẻ sử dụng Internet độc lập hơn ở các độ tuổi lớn hơn.

Ngoài cài đặt về thời gian, phụ huynh có thể theo dõi lịch sử truy cập của trẻ, những hoạt động của trẻ trên môi trường mạng. Kiểm tra cài đặt quyền riêng tư, sử dụng kiểm soát của phụ huynh, chặn mua hàng trong ứng dụng, tắt tùy chọn thanh toán bằng một cú nhấp chuột và dịch vụ định vị trên thiết bị và đồ chơi có kết nối Internet của bạn.

Kỹ năng cho cha mẹ bảo vệ con nhỏ trên môi trường mạng - ảnh 2

Quy tắc ứng xử của phụ huynh trên môi trường mạng

“Hạn chế các chức năng của máy ảnh và video quảng cáo - hãy thận trọng với các ứng dụng có các nhân vật trong phim hoặc các sản phẩm nổi tiếng, vì các ứng dụng này thường quảng cáo tiêu dùng và các sản phẩm cụ thể. Ngoài ra, hãy đọc và kiểm tra các điều khoản và điều kiện xem liệu các ứng dụng có thu thập dữ liệu không. Tìm hiểu cách thức để báo cáo, chặn...”, các chuyên gia đề xuất với cha mẹ.

Để quản lý hành vi rủi ro, phụ huynh có thể bắt đầu giải thích cho con mình rằng có nội dung tốt và xấu trên Internet, bao gồm cả nội dung không đúng sự thật. Khuyến khích con nói chuyện với cha mẹ nếu chúng thấy điều gì đó khiến các con khó chịu, sợ hãi hoặc lo lắng. Ví dụ, cha mẹ có thể nói: “Một số video trên Internet có thể gây khó chịu hoặc đáng sợ. Hãy nói cho bố mẹ biết nếu con thấy điều gì đó khiến con sợ hãi hoặc khiến con không vui nhé!”.

 Đồng thời, định hướng cho trẻ các nội dung phù hợp, có nội dung tốt, phù hợp với độ tuổi, sở thích, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Ngoài tránh rủi ro, cũng có thể quan tâm cả đến việc trẻ có thể xem các chương trình vô ích, mất thời gian như quảng cáo – có thể không có hại một cách rõ ràng nhưng cũng không có lợi cho sự phát triển của trẻ.

Khuyến khích trẻ vào các ứng dụng học tập hoặc trò chơi có chất lượng tốt cho trẻ để khuyến khích trẻ phát triển ngôn ngữ như các chương trình tiếng Anh, học bài hát, múa, luyện cách phát âm; hướng dẫn trẻ vẽ tranh, xây dựng các cốt truyện, câu đố, phân biệt cách xử lý tình huống khi gặp các vấn đề như tai nạn thương tích trẻ nhỏ, phòng tránh xâm hại trẻ em...

Các chuyên gia cũng lưu ý cha mẹ hướng dẫn trẻ không nên click/nhấp chuột vào các quảng cáo hay các thông báo lạ trên mạng mà hãy cho bố mẹ biết khi có bất kỳ bất thường nào xảy ra.  Jãy nói với con “Trò chơi có thể đòi hỏi con mua thứ này thứ kia, nhưng chúng mình chưa có tiền, cũng chưa biết tiêu tiền, nên chúng ta không click chuột vào các đề nghị con mua váy công chúa hay robot hay gì đó nhé! Nếu con thấy nó hiện lên màn hình, hãy tới nói với bố mẹ”.

Nếu thấy con xem phải các chương trình không phù hợp, hãy an ủi con và hướng dẫn con, đừng đổ lỗi và mắng trẻ khiến trẻ chưa hiểu được vấn đề và sẽ không dám tìm kiếm sự trợ giúp của bố mẹ khi cần. Cùng với đó, các chuyên gia cũng đề nghị cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình cùng tuân thủ các quy tắc như giờ giấc sử dụng, các hành vi an toàn Internet…

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc