Hạnh phúc qua những cánh thư
VHO - Nhiều lá thư thời chiến vẫn còn được lưu giữ cẩn trọng trong bộ sưu tập tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Không còn là những bức thư riêng tây, nó đã trở thành những kỷ vật lịch sử một thời “gian lao và anh dũng” của một dân tộc anh hùng.
Bộ trưởng Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyến
Nỗi niềm gửi nhắn vợ con
Trong số đó có bức thư vào những ngày cận Tết của cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến gửi cho vợ là bà Lê Thị Xuyến; của thầy giáo Phạm Hoài Thủy gửi cho hai con sinh đôi là nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến là Bộ trưởng thứ hai của ngành Tài chính Việt Nam, từ năm 1946-1958. Vợ của ông là bà Lê Thị Xuyến, Chủ tịch đầu tiên của Hội LHPN Việt Nam, từ năm 1946-1956. Do đặc thù công việc nên ông bà đều bận rộn, công tác xa, thỉnh thoảng mới được gặp mặt. Bức thư được ông viết vào ngày 19.2.1950 gửi cho bà Lê Thị Xuyến thể hiện sự thương cảm với người vợ công việc nhiều, trách nhiệm nặng nề. Bộ trưởng cũng không quên hỏi thăm, động viên bà cùng các chị em trong Hội phải giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ. Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết:
“Sáng mồng 1 Tết,
Em yêu quý,
Sáng nay mồng 1 Tết, hạ cây bút đầu tiên để viết cho em. Chúc Tết em và tất cả các chị em bên ấy, sức khỏe trước hết, các chị em cũng như em cần có sức khỏe trước hết. Công việc nhiều, nhiệm vụ nặng, phải cố gắng vượt bậc mới theo kịp đà tiến chung. Các chị em tinh thần đủ, ý chí đủ, hi sinh, nhẫn nại nhiều nhưng về sức khỏe thì kém.
Anh mong năm nay sẽ đem lại cho em và tất cả các chị em đầy đủ sức khỏe để làm việc, để thành công…
Vì thế, anh nhìn năm Canh Dần này với bao nhiêu hi vọng, đồng thời cũng đeo đẳng bao sự lo âu, chắc em cũng thế, phải không em?”.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông và bà đều bận công việc, thỉnh thoảng mới được gặp nhau. Trong nhật ký, ông Hiến so sánh hình bóng bà như con chim chợt đến, chợt đi. Đến khi về Hà Nội, ông bà mới được sống gần nhau ở Hà Nội. Gia đình ông bà với các con cháu đã sống vui vẻ, ấm cúng suốt gần 50 năm.
Bức thư thứ hai cũng ăm ắp tình yêu thương là của thầy giáo Phạm Hoài Thủy. Ông được điều động lên đường nhập ngũ năm 1972, khi vợ là bà Lê Nguyệt Bảo đang mang thai con thứ ba. Và từ đó đằng đẵng bốn năm liền hai vợ chồng xa nhau, hai con lớn sinh đôi của ông bà - sau này là nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân và người con út - tuổi thơ chỉ biết bố qua những cánh thư. Trong thư của ông chứa chan tình yêu của người cha thương con, người chồng thương vợ và niềm hy vọng về một ngày đoàn tụ không xa. Ông Phạm Hoài Thủy viết:
“Ngày 15 tháng 12 năm 1975 Hoàng Long, Hoàng Lân yêu thương, Năm mới sắp tới, bố gửi lời chúc hai anh em đoàn kết thương yêu nhau, học giỏi, chăm làm, ngoan ngoãn nghe lời mẹ, lời thầy và luôn luôn khỏe mạnh. Cuối năm đạt kết quả tốt nhất trong học tập, được lên lớp.
Xa các con bốn năm rồi, bố nhớ các con vô cùng, Tết này bố chưa về với con được, Tết sau nhất định bố sẽ về với các con… Chơi Tết vài ngày xong lại học tập con nhé, còn 4 tháng nữa là năm học rồi. Long lại ốm phải nghỉ một thời gian cũng phải cố gắng cho kịp. Ở xa các con bố chỉ mong các con hai điều, một là học giỏi, ngoan, hai là mạnh khỏe, Long - Lân phải tự cố gắng, tự rèn luyện mình đừng để mẹ phải nhắc nhiều… Chào các con, những người bạn nhỏ yêu thương của bố, niềm vui và hi vọng của bố, hôn bé Hoài cho bố”.
Những năm tháng chồng đi vắng, bà Bảo nhận được rất nhiều thư của ông, mọi tình cảm ông Thủy gửi hết vào thư, ngày nào ông cũng có nhật ký ghi tất cả những gì về vợ về con...
Thư tay của Bộ trưởng Lê Văn Hiến Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhân vật cung cấp
“Bản di chúc” bằng thơ và dự cảm ngày chiến thắng
Trong số những bức thư được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, có một bức thư bằng thơ mà chủ nhân là cựu chiến binh Ngô Bích Sen - hiện là Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Khi được hỏi về bức thư được trưng bày tại Bảo tàng, ông Ngô Bích Sen tâm sự, vào những ngày cận Tết năm 1972, khi vừa mới cưới vợ là bà Nguyễn Thị Văn được 6-7 tháng và xa nhà bốn tháng vì nhận lệnh tập trung huấn luyện lính kỹ thuật ở Binh chủng tăng thiết tại Sóc Sơn.
Sau một thời gian huấn luyện, ông cùng đơn vị được lệnh lên đường hành quân vào Nam. Đến phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì đơn vị nghỉ một đêm. Với thành tích huấn luyện và sự tin tưởng của Thủ trưởng, người chiến sĩ kỹ thuật Ngô Bích Sen được phép về thăm gia đình. “Vào chiến trường miền Nam lúc đó là không hẹn ngày trở về, tôi cũng rất tâm trạng và trăn trở. Đêm đó, tôi thức trọn đêm để trò chuyện tâm sự với vợ, nhưng giấu vợ và gia đình về việc đang trên đường hành quân vào Nam. Trước khi đi, tôi đã kịp viết một bức thư bằng thơ và dặn vợ 7 ngày sau mới được bóc - khi đó tôi đã đi rất xa Hà Nội”, ông Ngô Bích Sen nhớ lại.
“Tôi vào Nam tuổi đời hai hai (22)/ Vợ hai mươi (20) con một tuổi đời/ Nếu chẳng may quả bom viên đạn/ Giết tôi lúc tuổi ngoài hai mươi/ Hãy nhớ lời anh dặn em ơi/ Nuôi con mình tới ngày vào lớp một/ Ai thương yêu thì em bước tiếp/ Thế là em trọn với anh rồi/ Đừng bảo anh gàn dở dại lời/ Lửa chiến tranh vô cùng ác liệt/ Lẽ thường tình thắng, thua, cái chết/ Ở bên này có thể ở bên kia/ Trăng lặn rồi đêm đã rất khuya/ Mình còn bên nhau vài giờ nữa/ Má vợ hồng, môi con thơm mùi sữa/ Gia tài tôi gửi lại trước ngày xa/ Nếu kẻ thù giết hại đời cha/ Con muốn biết hình hài của bố/ Con hỏi ông, bà, mẹ kể cho thì rõ/ Tấm ảnh này cha gửi lại tặng con/ Con sẽ dần lớn khôn/ Cha hạnh phúc ngày con vào lớp một/ Mẹ vắng nhà. Con ơi đừng hốt/ Mẹ ở nhà bên. Con ở với ông bà/ Nghĩa vợ chồng anh chẳng muốn rời xa/ Nhưng không muốn em phải làm “Tô Thị”/ Yêu thương cha con ơi đừng ích kỷ/ Nhớ luôn thăm đừng để mẹ buồn/ Trải lòng mình đôi lời dặn vợ con/ Phòng ngày đi phải đi mãi mãi/ Mai ra trận-Thư này gửi lại/ Em ơi! Con nhé đừng buồn” (10.11.1973). Tái bút: Đọc thư đừng giận anh nhé! Ngô Bích Sen”.
Khi vào đến chiến trường miền Nam, ông nhận được thư của bà Nguyễn Thị Sen, với lời lẽ trách chồng tại sao ông lại dặn bà đi lấy chồng khác. Bà đã lấy chồng là nguyện theo chồng, nếu chẳng may ông hy sinh, bà sẵn sàng thủy chung, thờ chồng nuôi con khôn lớn.
Trong suốt thời gian nhập ngũ, vào mỗi dịp Tết ông đều viết thư về cho gia đình với những cảm xúc khác nhau: Khi thì mưa dầm, đơn vị chỉ đón Tết bằng rau rừng; khi có thịt tươm tất hơn cũng nhớ về gia đình... Đặc biệt, bức thư Tết trước ngày giải phóng miền Nam năm 1975, bằng dự cảm của người lính sắp có trận đánh lớn với chiến thắng ở rất gần nên ông viết về cho vợ với một tinh thần lạc quan, khí thế rộn ràng, phấn khởi: “Lòng ta bỗng thấy khác hơn mọi lần/ Phải là khí thế ra quân/ Mà ta rạo rực đôi chân anh hùng”...
QUỲNH HOA