Khơi dậy văn hóa đọc:

Gốc rễ từ gia đình

HỒNG HẠNH

VHO - Việc đẩy mạnh và phát triển văn hóa đọc trong gia đình có vai trò hết sức quan trọng, qua đó giúp nâng cao tri thức, cải thiện kỹ năng cũng như là sợi dây gắn kết tình cảm giữa các thành viên. Chính vì thế, tại Ngày hội Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ lần thứ V năm 2024 vừa qua, BTC đã mang đến cuộc thi “Đọc sách cùng con” với mong muốn nâng cao văn hóa đọc cho các gia đình vùng sông nước.

Gốc rễ từ gia đình - ảnh 1
Phần thi giới thiệu sách của các gia đình

Đừng để sách là nỗi sợ của con trẻ

Có thể thấy, việc đọc sách sẽ giúp phát triển trí tuệ, làm giàu thêm vốn tri thức, hoàn thiện nhân cách cho người đọc. Đặc biệt, việc chú trọng duy trì văn hóa đọc trong mỗi gia đình sẽ giúp các thành viên, đặc biệt là con trẻ tự tin hơn trong cuộc sống, hình thành thói quen lâu dài, hơn thế nữa là gắn kết, tạo nên “sức mạnh mềm” cho mỗi gia đình và rộng hơn nữa là cộng đồng.

Thế nhưng ngày nay, phần lớn các gia đình, nhất là gia đình trẻ phổ biến tình trạng mỗi thành viên dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và ít chú trọng đến việc đọc sách. Thậm chí, vì không được rèn thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, nhiều con trẻ đã dần lãng quên sách hay tệ hơn là bị sợ sách. Vì vậy, để việc hình thành thói quen đọc sách mang tính “bền vững”, thì đầu tiên hết phải đặt những “viên gạch mới” cho mỗi đứa trẻ ngay từ gia đình.

Với chị Lê Thị Thu Vân (tỉnh Bến Tre), đọc sách là một thói quen phải được gây dựng từ khi con trẻ còn nhỏ và gia đình chính gốc rễ để phát triển, khơi dậy văn hóa đọc. Chị cho biết, để các con tiếp xúc với sách nhiều hơn, gia đình luôn tạo điều kiện tốt nhất để các con được tham gia các hoạt động, sân chơi, cuộc thi liên quan tới sách tại địa phương ngay từ sớm.

“Gia đình mình cũng luôn nâng cao vai trò gắn kết các thành viên qua việc sách, vì vậy không chỉ để các con đọc sách một mình mà những lúc rảnh thì cả bố và mẹ đều đồng hành cùng các con. Hay chỉ đơn giản là quan sát và hỗ trợ các con những lúc cần thiết, ví dụ như giải thích từ ngữ, gợi mở giá trị của từng tác phẩm, gợi mở những bài học…”, chị Thu Vân chia sẻ.

Còn với gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Huyền (tỉnh Long An), việc hướng dẫn các con đọc sách là rất quan trọng. Bởi lẽ, sách là một tài liệu rất quý giá, mang đến nguồn kiến thức vô tận. Vì vậy, việc hướng dẫn các đọc đọc sách ở nhà, ở trường sẽ rèn cho con thêm những kỹ năng cũng như giúp con biết được nhiều kiến thức quan trọng trong cuộc sống.

Là một giáo viên cấp tiểu học, chị Thúy Huyền cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách cho các em ở độ tuổi này. “Chính vì thế, không chỉ với bản thân em mà hầu hết các thầy cô tại trường luôn nỗ lực tạo điều kiện để các em được tiếp cận sách.

Em cũng luôn định hướng cho các bạn với những kiến thức như về cuộc sống, kỹ năng giao tiếp, phòng chống xâm hại…  thì chúng ta có thể tìm đến những cuốn sách tại thư viện. Và nếu các em có thắc mắc, thì có thể liên hệ với cán bộ thư viện hoặc giáo viên chủ nhiệm để được giải đáp.

Qua đó, các em sẽ tiếp thu được rất nhiều kiến thức và áp dụng cho cuộc sống. Và bên cạnh nhà trường, giáo viên cũng luôn phổ biến cho các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của việc tạo dựng văn hóa đọc trong từng nếp sống gia đình”, chị Thúy Huyền cho biết.

Cha mẹ chính là người “xây dựng”

Rõ ràng, việc ứng xử với sách, tri thức của mỗi cá nhân được hình thành rất rõ trong môi trường sống của chính cá nhân và nhận diện rõ nhất là qua gia đình. Việc bố mẹ thường xuyên đọc sách sẽ là tấm gương để con cái noi theo, khi đó niềm đam mê với sách sẽ được khơi dậy trong các thành viên trong gia đình.

Cũng như việc 13 đội thi đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ cùng tham gia hội thi “Đọc sách cùng con” do Văn phòng Bộ VHTTDL phối hợp cùng Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp tổ chức đã góp phần “ươm mầm” văn hóa đọc cho các gia đình nơi đây.

Tại đây, các gia đình đã có sự đầu tư công phu, bám sát vào thể lệ của BTC, các tiết mục truyền tải được nội dung xây dựng phong trào cùng con đọc sách xây dựng phát triển văn hóa đọc trong gia đình.

Các phần thi đa dạng với ca, múa, hát minh họa với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong gia đình. Từ đó, không chỉ lan tỏa phong trào đọc sách mà còn giúp các gia đình có cơ hội được học hỏi thêm những kinh nghiệm quý báu từ các đơn vị khác trong việc phát triển văn hóa đọc trong gia đình.

Là một cán bộ của Thư viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre, chị Lê Thị Thu Vân cho biết thêm, giữa muôn vàn nguồn thông tin đó thì sách vẫn là một kho tàng tri thức vô giá, một “món ăn tinh thần” hàng ngày không thể thiếu với gia đình.

“Điều đó thể hiện ở việc tham gia của đông đảo các gia đình ở tỉnh Bến Tre mỗi khi có các cuộc thi về sách được tổ chức. Càng đáng mừng hơn, khi nhiều gia đình bắt đầu biết kết hợp phương thức đọc hiện đại và phương thức đọc truyền thống với nhau để gắn kết cùng con trẻ, gắn kết các thành viên nhiều thế hệ trong mỗi gia đình”, chị Thu Vân chia sẻ.

Còn với chị Bùi Thị Diễm Hương (thành phố Cần Thơ), sân chơi “Đọc sách cùng con” tại Ngày hội đã giúp gia đình có thêm nhiều bài học trong quá trình nâng cao văn hóa đọc của chính gia đình mình.

“Theo mình, phương pháp giáo dục cho từng trẻ phải được chính cha mẹ các em tìm tòi và áp dụng, không có công thức chung trong việc định hướng văn hóa đọc khi mỗi người có một cá tính và điều kiện phát triển khác nhau.

Chính vì thế, sau cuộc thi lần này, bản thân mình sẽ chắt lọc những kinh nghiệm từ các gia đình khác để áp dụng sao cho phù hợp với chính gia đình mình.

Như việc để sách hiện diện nhiều hơn trong đời sống của các con, từ đó kích thích sự tò mò, tìm hiểu và đọc, thay vì cha mẹ cứ ép các con là phải đọc sách mỗi ngày. Có như vậy thì thói quen đọc sách mới theo các con trong suốt chặng đường khôn lớn và trưởng thành…”, chị Diễm Hương cho hay.

Rõ ràng, việc hình thành thói quen đọc từ khi còn là hạt mầm, gốc rễ thì thói quen ấy sẽ theo bước đường trưởng thành của con mà lớn dần lên. Phát triển văn hóa đọc là một câu chuyện lớn, không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được.

Thế nhưng chỉ cần mỗi người, mỗi gia đình nhận thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của việc đọc sách ngay từ sớm thì chắc chắn trong tương lai văn hóa đọc sẽ vững mạnh và bền chặt hơn.