Công tác gia đình​​​​​​​: Cần sự chung tay của toàn xã hội

VHO- Việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là trách nhiệm không chỉ của riêng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL mà của cả các Bộ, ban ngành, nhiều tổ chức, xã hội và trước hết là mỗi thành viên trong gia đình.

Công tác gia đình​​​​​​​: Cần sự chung tay của toàn xã hội - Anh 1

 Ngày hội Gia đình Việt Nam đã trở thành một sự kiện ý nghĩa và quen thuộc đối với người dân Ảnh: ĐỨC ANH

Đó là tinh thần chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trong buổi làm việc mới đây với Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL.

Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh cho biết: Được thành lập sau nhiều đơn vị trong khối tham mưu quản lý nhà nước nhưng Vụ Gia đình đã nỗ lực hoàn thành các chức năng và triển khai gần 20 nhiệm vụ thường xuyên được thực hiện hằng năm và một số việc đột xuất theo chỉ đạo của Bộ trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những công việc đã làm được, Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh đã nêu ra một số vấn đề thách thức đối với công tác quản lý gia đình trong giai đoạn hiện nay như vấn đề đạo đức lối sống trong gia đình đang báo động sự xuống cấp, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình đang dần mai một. Gia đình đang dần đánh mất vai trò trong giáo dục các thành viên gia đình gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Số vụ ly hôn tăng, nguyên nhân liên quan đến bạo lực gia đình như bị đánh đập, ngược đãi, vợ, chồng nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc, ngoại tình…Tổn hại kinh tế do bạo lực gia đình (năm 2012 khoảng 1,78% GDP, năm 2020 tăng lên 2% GDP - theo điều tra của Tổng cục Thống kê và Bộ LĐ,TB&XH).

Tại buổi làm việc, đại diện Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính và ý kiến từ một số chuyên viên Vụ Gia đình cũng đã nêu ra những khó khăn hạn chế trong công tác quản lý nhà nước như kinh phí sự nghiệp chi cho công tác gia đình còn hạn chế, bộ máy tổ chức thuộc lĩnh vực gia đình hiện nay đang ngày càng bị thu hẹp ở cơ sở, hầu hết đang thực hiện mang tính kiêm nhiệm. Vụ Gia đình còn có chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ công, song với cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay lại không cho phép Vụ thực hiện theo đúng chức năng được giao. Hầu hết các địa phương chưa có cộng tác viên cơ sở, người đứng đầu chưa quan tâm do chưa nhận thức được đúng, đầy đủ tầm quan trọng của công tác gia đình đối với sự ổn định và phát triển của xã hội.

Phải tạo sự lan tỏa

Trước những khó khăn đặt ra từ công tác quản lý nhà nước về gia đình, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là trách nhiệm không chỉ của riêng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL mà của cả các Bộ, ban ngành, nhiều tổ chức, xã hội và trước hết là mỗi thành viên trong gia đình. Có nhiều tiêu chí về gia đình, nhưng chúng ta đã tạo ra “gốc” để các địa phương áp dụng, trên nội hàm là sự tôn trọng, tình yêu thương, trách nhiệm, sự hòa thuận, để từ đó tiến tới gia đình tiến bộ. Vụ Gia đình cũng đã liên kết, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thông qua các đề án phối hợp với các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… để phát huy. Những sáng tạo từ các mô hình như: “Gia đình công nhân viên chức lao động hạnh phúc”; “Gia đình 5 không 3 sạch”, mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình… đã đưa ra những tiêu chí cụ thể và đã đạt được những hiệu quả tốt góp phần ngăn chặn một phần sự xuống cấp trong gia đình hiện nay. Gần đây, nhiều tổ chức xã hội phối hợp với Vụ Gia đình thực hiện những chương trình tuyên truyền về gia đình như: Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn LĐVN…

Thời gian vừa qua rất nhiều hoạt động như tổ chức các chương trình kỷ niệm, các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ các gia đình khó khăn do Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL tổ chức đã nhận được sự đóng góp tham gia tích cực của nhiều Bộ, ban ngành, tổ chức và đặc biệt là các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng đây là hướng đi cần được phát huy, cần nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa để tạo nên sức mạnh của toàn xã hội trong công tác gia đình giai đoạn hiện nay. Đánh giá cao sự chung tay của nhiều Bộ, ban ngành và tổ chức trong các hoạt động của công tác gia đình, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định: “Sự chung tay của toàn xã hội với cơ quan quản lý nhà nước đã mang lại những thành quả tích cực trong công tác gia đình trong tổng thể chung các thành tựu của văn hóa, thể thao, du lịch. Công tác gia đình cần phải nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển. Góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh giúp cho ngành văn hóa thực hiện, ngăn chặn được sự xuống cấp đạo đức”. 

 Mục tiêu lớn nhất của công tác gia đình hướng tới đó là xây dựng gia đình hạnh phúc. Gia đình là tế bào của xã hội, tế bào tốt xã hội mới tốt. Từng cá nhân chúng ta, ai cũng có gia đình và trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình phải bắt nguồn từ chính mỗi thành viên trong gia đình. Chính vì vậy rất cần nhân rộng hiệu quả từ nhiều mô hình hay về gia đình hạnh phúc. Tạo sự nỗ lực, thi đua tích cực từ mỗi gia đình để nhân cái tốt, át đi cái xấu tiêu cực đang nảy sinh trong đạo đức, lối sống gia đình hiện nay, đặc biệt là nạn bạo lực gia đình.

(Thứ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc