Chồng mệt mỏi vì vợ lúc nào cũng cằn nhằn so sánh, không bao giờ tự bằng lòng những gì đang có

HẠ YÊN

VHO - Tôi là đàn ông, với không ít áp lực trong công việc để chu toàn cho gia đình. Nhưng mỗi khi về nhà – tổ ấm tưởng chừng bình yên nhất của mỗi người thì với tôi còn áp lực nhiều hơn. Vì về nhà là tôi lại phải nghe đủ thứ cằn nhằn so sánh của Linh - vợ tôi.

Hồi đầu mới gặp, tôi có cảm tình ngay với Linh vì thấy cô mau mồm, mau miệng. Có cảm giác đây là cô gái đầy năng lượng tích cực, hay nói cười khiến cho người đối diện thấy vui vẻ, muốn ở gần. Thậm chí tôi còn cho rằng, người hoạt ngôn là người thông minh, có vốn từ nhiều, phong phú.

Rồi mối quan hệ đó cứ lớn dần cho đến khi Linh trở thành bạn gái và vợ tôi. Ngày Linh về ra mắt họ hàng nhà tôi ai cũng khen sự nhanh nhẹn, hay nói cười của Linh. Họ còn bảo số Linh sướng vì “mồm miệng đỡ chân tay”.

Chồng mệt mỏi vì vợ lúc nào cũng cằn nhằn so sánh, không bao giờ tự bằng lòng những gì đang có - ảnh 1
Ảnh minh hoạ

Khi cưới xong, tôi cũng thấy việc hay nói của vợ cũng thú vị. Thậm chí có những nguy cơ bất hoà hay những va chạm mà khiến tôi ngại cũng được vợ đứng ra giải quyết. Chẳng hạn khi tôi trót mua một gói mì hết hạn sử dụng, tôi sẽ lặng lẽ vứt đi rồi ăn một món khác cho nhanh. Nhưng vợ tôi sẽ ra cửa hàng để đổi lại với cách nói khéo léo rằng có khi người bán cũng không để ý, chỗ thân quen nói cho nhau để đỡ mất khách.

Hoặc vợ tôi sai con mua một thùng bia mang đi biếu còn dặn xin thêm một cái túi bóng to màu đỏ để đựng cho lịch sự. Con tôi nhất quyết không xin thêm mà bảo phải đưa tiền để mua túi bóng. Lúc đó vợ tôi nói một tràng rằng cửa hàng có rất nhiều túi to để đựng đồ cho khách, họ cũng không mất tiền mua túi nên khi mình mua hàng xin thêm cũng không ảnh hưởng gì thì con tôi mới nghe.

Cuộc sống cứ tưởng êm đềm như vậy trôi qua nhưng không hẳn vậy. Tôi không phải là người kiếm tiền giỏi, mọi thứ chỉ vừa đủ thôi nên vợ tôi sinh ra tính cằn nhằn, hay so sánh. Mà cái sự so sánh của vợ tôi rất khó chịu, nhiều khi vô lý, lại triền miên không có điểm dừng. Từ cái bé đến cái lớn, cô ấy luôn so sánh và cằn nhằn.

Chẳng hạn có lần vợ tôi cằn nhằn kiểu tóc của mình cũ kỹ, già nua rồi vội vàng ra hiệu cắt tóc làm đầu, tự chọn kiểu ưng nhất. Mấy tiếng sau về nhà hồ hởi lắm vì gặp mấy người đều khen trẻ ra. Rồi vợ lại soi gương thật kỹ và nhăn nhó kêu mặt to mà tóc ngắn nhìn cứ cái đĩa, béo ị ra, xấu quá. Thế là ngày nào vợ cũng than phiền rồi lại đi sửa tóc, lúc uốn xoăn, lúc duỗi thẳng, rồi mua tóc giả đội.

Chưa hết, nhà tôi ao ước mãi mua được cái xe máy tay ga đắt nhất, rồi niềm vui chỉ được hôm trước, hôm sau lại cằn nhằn khi nào mua được ô tô nhỉ. Mua ô tô mới là sang, đi đâu mới không sợ nắng mưa và cả nhà đi một chuyến được, chứ xe máy thì đắt mấy cũng chỉ là xe máy và chở được hai người lớn thôi. Cả nhà muốn đi đâu vẫn phải gọi taxi, hoặc là lôi hai cái xe máy ra đi.

Tôi về thông báo tăng lương và chuyển thêm cho vợ nhiều hơn một ít so với mọi tháng, vợ tôi chỉ vui vẻ chắc được nửa tiếng, sau đó là một thôi một hồi, tính ra mỗi tháng thêm được vài đồng bọ, coi như mua thêm con gà ăn, chả đáng là bao, chả giàu lên được. Người ta chăm chỉ, tháo vát, năng động mua đất ầm ầm, chứ dăm ba đồng bạc lẻ thì bao giờ mới khá lên được.

Con cái tôi thì khỏi nói, luôn bị so sánh với “con nhà người ta” mỗi khi được thông báo điểm số. Lúc con được 6 điểm rồi tăng lên 7,8 điểm, lẽ ra phải khen và động viên con thì vợ tôi lại bảo cùng ăn cùng học mà sao đứa nọ đứa kia toàn 9,10. Có lúc con bảo với tôi, sao mẹ không mang cái đứa khen ý về nhà nuôi cho đỡ phải so sánh.

Vợ nói nhiều khiến không khí trong căn nhà lúc nào cũng căng thẳng, mệt mỏi. Con cái đã quen đến mức, lúc nào không tránh được như ngồi ăn cùng thì chúng mặc kệ mẹ nói, dường như không để vào đầu. Còn lại thì chúng lên phòng, đóng chặt cửa và kêu học. Dần dần tôi cũng có cách phản ứng tương tự như con và cảm thấy chán nản mỗi khi về nhà.

Tôi cho rằng, mỗi người có một điểm mạnh và yếu khác nhau, mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, nên chẳng có thước đo nào định lượng được phải như thế nào mới là đầy đủ, hạnh phúc và làm vừa lòng tất cả như một mẫu số chung cả. Núi cao này thì còn có núi cao hơn. Người này giỏi thì còn có người khác giỏi hơn. Chả nhẽ đời người cứ mãi quay cuồng trong cái đích vô tận kia sao?

Hạnh phúc là biết đủ, là biết giới hạn của bản thân đến đâu thì phải dừng và vui vẻ với những gì mình đang có. Bởi so sánh thì rất vô cùng, khi mình đã đạt được cái đích tự đặt ra thì thấy nó không quá khó như ta tưởng. Nhưng không vì thế mà cứ nhìn núi nọ trông núi kia để tự dằn vặt và làm khổ chính mình.

Không biết tự bằng lòng và trân trọng những gì đang có thì không bao giờ thấy thoả mãn, vui vẻ. Thậm chí, đây là một bi kịch không đáng có. Thực sự tôi rất muốn vợ tôi đọc được những tâm sự này để bớt đi sự cằn nhằn, so sánh cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn.