Báo động từ mâu thuẫn nhỏ trong gia đình dẫn đến sự tàn nhẫn

VHO- Chỉ trong một ngày đã xảy ra 2 vụ cha cố ý giết con và con giết cha khiến dư luận xã hội không chỉ bức xúc mà hoang mang, phẫn nộ. Từ những xích mích, mâu thuẫn nhỏ trong gia đình mà đang tâm có những hành động phi nhân tính thế sao?

 Theo cơ quan điều tra, khoảng 18h30 ngày 21.1, tại quán bánh mỳ Quỳnh Anh, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), do mâu thuẫn vợ chồng, trong lúc bức xúc với vợ, N.V.M (sinh năm 1987) cầm dao cứa vào cổ 2 con đẻ là N.M.K (sinh năm 2017) và N.Q.A (sinh năm 2018).

Thấy sự việc trên, người làm tạp vụ của quán chạy đến can ngăn thì M cầm dao tự cứa vào cổ của mình. Ba người được đưa đi bệnh viện cấp cứu, may mắn 3 cha con chỉ bị thương, rách da ở vùng cổ, không nguy hiểm đến tính mạng. N.V.M đã bị bắt vì hành vi của mình.

Báo động từ mâu thuẫn nhỏ trong gia đình dẫn đến sự tàn nhẫn - Anh 1

Đối tượng T.T.T.L tại cơ quan điều tra

Cũng vào khoảng thời gian này, T.T.T.L (21 tuổi, Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện là SV ĐH Luật TP.HCM học online tại nhà) đã bỏ thuốc độc xyanua (đã mua trước đó) vào 3 chai nước trong tủ lạnh mà bố thường uống. Một lúc sau ông T.Đ.Đ, bố L mở tủ lạnh lấy nước uống thì bị nôn ói nên đi vào nhà vệ sinh và chốt cửa bên trong. Khi không còn nghe thấy tiếng ông Đ, nghĩ bố đã chết, L mặc kệ và đi ngủ. Sáng 19.1, con gái mua cưa sắt về để phá cửa nhà vệ sinh sau đó kéo thi thể bố ra phía sau tường rào rồi mua gạch, xi măng đắp lên thi thể, xây bịt kín nhằm che giấu hành vi phạm tội. Để tạo hiện trường giả nhằm qua mắt lực lượng điều tra, đêm 19.1, L dùng xăng đốt nhà mình rồi chạy qua nhà ông nội để nhờ giúp đỡ. Tuy nhiên, hành vi tàn độc của L đã bị lực lượng chức năng phát hiện, sau đó thừa nhận hành vi phạm tội. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, bước đầu L khai lý do dẫn đến việc đầu độc chết cha ruột là vì bị bố thường xuyên chửi mắng, đối xử không tốt. Thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa hai cha con càng nghiêm trọng, thường xuyên cãi nhau nên con gái bực tức, ức chế và nảy sinh ý định giết cha.

Đang chăm sóc cháu ngoại tại TP.HCM, vợ ông Đ trở về làm tang lễ chồng chia sẻ: “Chú Đ nóng tính, la thì cô thừa nhận có, cha mẹ nào mà không la mắng con. Cô thì ở 2 bên, không trọng bên nào, bỏ bên nào. Mà nó là con nít, đôi khi nó không hiểu lòng cha mẹ, ổng la nó cô cũng nhận lỗi luôn với chú vì không dạy con tốt”. Cũng theo bà, L đã từng điện thoại cho mẹ nói con chán nản, bố la con thế này thế kia. Nhưng bà cũng khuyên bảo con đừng có nói như vậy, là bất hiếu, mình phải ở hiền thì trời mới ban phước. Bà ở giữa khuyên cả 2 người, con gái thì nó bướng, nhiều khi mẹ nói không nghe... Theo các luật sư, hành vi của T.T.T.L vi phạm khoản đ điều 123 Bộ luật Hình sự: “Giết ông bà, cha mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”. Hình phạt của tội danh giết người theo điều 123 Bộ luật Hình sự là phạt tù 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, hành vi của L đều là những hành vi có tình tiết tăng nặng như dùng chất độc bỏ vào nước uống khiến người cha không đề phòng; dùng gạch, xi măng đắp lên thi thể để giấu xác, đốt nhà tạo hiện trường giả và khai báo quanh co có thể được xem là hành động nhằm che giấu tội phạm...

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), trong quá trình điều tra, các cơ quan bảo vệ pháp luật đều phải nghiên cứu, phân tích, nắm chắc tâm lý tội phạm; về ý đồ phạm tội, cách thức, hành vi và phương pháp thực hiện tội phạm.

“Tâm lý tội phạm là trạng thái tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của tội phạm có liên quan đến việc chuẩn bị và thực hiện tội phạm, sự hình thành tâm lý phạm tội, ý đồ phạm tội và những biện pháp, phương thức thực hiên tội phạm. Mỗi tội phạm đều có trạng thái tâm lý riêng, do đó trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nắm bắt được tâm lý tội phạm sẽ thấy được nguyên nhân, động cơ, mục đích gây án của đối tượng để thấy được bản chất hành vi phạm tội và từ đó có những quan điểm đánh giá tính nguy hiểm của tội phạm để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, luật sư Thơm chia sẻ.

Vụ án bé V.A - 8 tuổi bị “dì ghẻ” bạo hành đến tử vong tại TP.HCM, hay bé N.A 3 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch vì bị đóng 9 đinh vào hộp sọ bởi nhân tình của mẹ xảy ra mới đây khiến dư luận xã hội bức xúc, đau lòng chưa nguôi thì giờ đây lại là người cha ruột cứa dao vào cổ 2 con đẻ của mình. Lý giải về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Hùng cũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ; nhiều thói quen, phong tục, tập quán có hại cho trẻ em chưa được các cấp, các ngành quan tâm đấu tranh loại bỏ như đánh con là việc “bình thường”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ. Bạo lực đối với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức, đa phần những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và bị bóc lột có tâm lý mặc cảm, tự ti hoặc tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em trong số đó cũng ứng xử tương tự đối với người khác.

Và thậm chí hành xử bạo lực đối với bố đẻ như trường hợp T.T.T.L nêu trên. Nếu như với bé V.A và N.A còn quá nhỏ, không thể tự bảo vệ mình, không có cơ hội tìm sự hỗ trợ thì T.T.T.L đã tìm đến sự “cầu cứu” của mẹ, nhưng quan niệm “dĩ hòa vi quý”, “cha mẹ mắng con là bình thường” của người mẹ không những tìm được sự đồng cảm mà có khi còn tăng thêm sự ức chế dồn nén, tích tụ, gieo thù hận trong người con gái. Ngay cả khi con gái đã nói ra những hành động, suy nghĩ không đúng đắn thì người mẹ cũng không đủ kiến thức để đánh giá nguy cơ và kịp thời tìm kiếm sự hỗ trợ mà chỉ khuyên răn con như thế là “bất hiếu”...

Theo các chuyên gia, những gia đình có bạo lực, cha mẹ ly thân, tan vỡ thì nguy cơ trẻ bị bỏ rơi, xao nhãng, bị bạo lực cao hơn bởi tâm lý của người lớn bị xáo trộn nên trẻ em bị tác động lớn. Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng cho rằng, hiện nay vấn đề sức khỏe tâm thần ít được quan tâm, mà chủ yếu là chỉ quan tâm điều trị các bệnh lý thông thường. Chính vì thế, nhiều người rơi vào trạng thái nặng trầm cảm, stress mới đi khám, trong khi người bình thường cũng có thể gặp những vấn đề tâm lý, biểu hiện đơn giản là mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi... Đôi khi người gặp vấn đề trong cuộc sống thường chỉ chia sẻ với một số người, nhưng những người đó chỉ có thể lắng nghe, hoặc đưa ra những giải pháp mà không giải quyết được gốc rễ của sự việc, nếu để tiếp diễn trong thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn.

“Nhiều người dù biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nhưng vẫn ngại đi gặp bác sĩ, hoặc nhiều người không nhận biết được điều đó, vẫn cho là mình bình thường, người thân muốn đưa đến gặp bác sĩ khám bệnh thì không hợp tác, điều này khiến bệnh tình của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng. Chúng tôi vừa cho ra mắt ứng dụng hỗ trợ tâm lýDr.Psy nhằm giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tiếp cận được với bác sĩ, chuyên gia tâm lý, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần mà không cần phải ra khỏi nhà, không còn sợ bị lộ diện. Số bệnh nhân cần khám chữa bệnh trong 2 năm qua tăng lên rất nhiều, đặc biệt các nhóm bệnh lo âu, trầm cảm, nghiện game internet ở trẻ em, các rối loạn ám ảnh sợ… “, ông Hoàng chia sẻ. 

 Dồn sức cứu chữa cháu 3 tuổi bị bắn đinh vào đầu

Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, cháu Đ.N.A (3 tuổi) vẫn đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Nhi của bệnh viện. Các bác sĩ vẫn đang dồn sức để cứu chữa cho bệnh nhi. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai), cấu tạo hộp sọ của các cháu nhỏ hiện đang phát triển, có những đường thóp còn mềm, nếu sờ vào đúng những khe đấy thì rất dễ cho đinh vào sâu. “Giống như chúng tôi chữa bệnh thì cũng có thể chọc kim qua những đường thóp để hút dịch ở bên trong ra. Hay còn gọi những vùng đó là vùng câm não bộ”, bác sĩ Dũng giải thích.

Cũng theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, với trẻ 3 tuổi, một số trường hợp thóp chưa liền, còn lại đa số các đường thóp đã liền, nhưng cũng chưa hoàn chỉnh. Có thể giải thích là với trẻ nhỏ thì vỏ hộp sọ còn mềm, còn phát triển rộng ra và còn có thể có những đường khớp rạch giữa, rạch ngang xung quanh. Nên nếu vô tình đóng đinh vào vùng đó thì trẻ ít đau. Không chỉ riêng trẻ em mà kể cả người trưởng thành, ở trên não có những vùng câm, là những vùng não mà chọc vào không gây liệt mà cũng không chết, thậm chí là cũng không chảy máu, dị vật cứ xuyên vào sâu và ở trong như vậy. Nhất là đinh ghim nhỏ diện tích tiếp xúc nhỏ, không cần lực mạnh thì khó để lại dấu vết. Còn nếu chọc đúng những đường đi có dây thần kinh thì liệt ngay lập tức, hoặc chọc đúng vào chỗ liên quan đến hô hấp tuần hoàn thì đứa trẻ có thể chết ngay.

“Với tình trạng hôn mê của cháu là bị ảnh hưởng nặng rồi. Ở những trường hợp tương tự, nếu phát hiện đầu tiên cần kiểm tra xem bé bị nhiễm trùng không, sau đó sẽ phải cân nhắc chữa hết viêm nhiễm bằng kháng sinh hay vừa điều trị nhiễm trùng vừa tiến hành phẫu thuật lấy đinh ra. Tuy nhiên với số lượng nhiều như thế, một cháu 3 tuổi thì quyết định phẫu thuật cũng không dễ dàng. Những trường hợp như vậy sẽ để lại nhiều di chứng nguy hiểm, ví dụ như động kinh, có thể đi loạng choạng, phát triển chậm, và những di chứng về tinh thần thì khó chữa”, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai nói. VIỆT THANH

 

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc