Tình trạng ăn xin, đeo bám chèo kéo du khách ở TP Huế:

Xử lý dứt điểm được không?

SƠN THÙY

VHO - Tình trạng ăn xin, đeo bám chèo kéo du khách tại các điểm du lịch, khu phố đêm, phố đi bộ tại Huế vẫn tồn tại và thậm chí biến tướng. TP Huế đang nỗ lực xây dựng điểm đến văn minh, thân thiện, an toàn, giàu bản sắc nên việc chấn chỉnh, xử lý vấn đề này cần được đẩy mạnh và quyết liệt hơn…

Xử lý dứt điểm được không? - ảnh 1
Đoàn du khách quốc tế vừa xuống xe, ba phụ nữ trung niên đã đi theo chèo kéo, mời mua hàng khiến họ khó chịu

 Phố đi bộ Hai Bà Trưng (phường Vĩnh Ninh, TP Huế) là điểm đến của nhiều người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần để trải nghiệm các hoạt động vui chơi giải trí và thưởng thức ẩm thực. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những người ăn xin đến các quán ăn, còn chủ quán thì ái ngại không dám đẩy đuổi nên nhiều thực khách cảm thấy khó chịu. Hay ở các tuyến phố tập trung nhiều nhà hàng, quán ăn ở khu quy hoạch Kiểm Huệ, các tuyến đường ở phố Tây… cũng xuất hiện một số người ăn xin từ độ tuổi trẻ em, người già và cả trung niên.

Ăn xin làm phiền du khách

Tháng 6 vừa qua, một người đàn ông trung niên thường xuất hiện ở khu vực đường Lê Lợi (bờ Nam sông Hương) để xin tiền du khách, người đi đường làm xấu hình ảnh du lịch Huế. Sau phản ánh của người dân, Đội Quản lý đô thị TP Huế đã kiểm tra, giám sát và phát hiện đối tượng C.V.T (59 tuổi) đã có hành vi ăn xin biến tướng dưới dạng đi xe ôm. Cơ quan chức năng đã lập biên bản và bàn giao ông C.V.T cho Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tình trạng ăn xin biến tướng này cũng được chúng tôi ghi nhận ở các hàng quán ăn uống ở những tuyến phố đông đúc. Một buổi đi ăn, chúng tôi đã “tiếp” đến vài trường hợp trẻ em đến mời chào mua hàng như kẹo, xoài, lạc… Nếu lắc đầu không có nhu cầu thưởng thức các món hàng đó thì đứa trẻ đứng cạnh mãi, đến khi thực khách rút ví cho tiền mới chịu rời đi. Và phía bên ngoài, có người lớn (đáng tuổi cha, mẹ) đợi các trẻ trở ra, lên xe và tiếp tục chở đến các nhà hàng, quán ăn khác. “Khi đang mời bạn bè nơi khác đến Huế du lịch đi thưởng thức ẩm thực mà gặp cảnh này thì tâm lý mình cũng muốn rút ví để các cháu rời đi nhanh, khỏi phiền mọi người trong bàn ăn. Mình người địa phương còn thấy khó chịu, huống gì họ là khách du lịch”, anh N.H. bày tỏ.

Ông Nguyễn Đức Tường Thoại, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Ninh, TP Huế cho biết, từ khi phố đi bộ Hai Bà Trưng đi vào hoạt động, địa phương đã cử tổ cán bộ (gồm 3 người) thường xuyên kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; nhắc nhở, chấn chỉnh tình trạng bán hàng rong, chèo kéo, đặc biệt là ăn xin. “Thực tế, một số trường hợp người nuôi bệnh nhân ở Bệnh viện Trung ương Huế gần đó, có hoàn cảnh khó khăn có đi ăn xin ở khu vực này. Khi phát hiện các trường hợp ở bệnh viện, chúng tôi cũng có thông báo và kết hợp với các đơn vị từ thiện để hỗ trợ phát cơm, tặng quà. Tuy nhiên, cũng có những người giả bệnh, thân nhân của bệnh nhân đánh vào tâm lý đồng cảm của cộng đồng và du khách để đi ăn xin”, ông Thoại thông tin. Ngoài tình trạng ăn xin, nạn chèo kéo du khách ở các điểm du lịch như khu vực cạnh bến xe Nguyễn Hoàng, các trục đường xung quanh khu di sản Hoàng thành Huế, các điểm tham quan di tích… cũng cần xử lý triệt để không gây ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Huế.

Ngày 20.8, khi phóng viên Văn Hóa có mặt ở khu vực bến xe Nguyễn Hoàng và dọc đường Cửa Ngăn (con đường dẫn vào cửa Thể Nhơn để vào bên trong Kinh thành Huế), nhiều phụ nữ trung niên đứng chờ sẵn đón các đoàn khách. Theo ghi nhận, nhóm người này chủ yếu “đeo bám” theo khách quốc tế. Một nhóm du khách trẻ tuổi người nước ngoài, trên đường từ bên trong Kinh thành Huế trở ra thì xuất hiện một phụ nữ đi theo chèo kéo, mời mua mũ, nón, quạt… Dù khách lắc đầu từ chối nhiều lần nhưng vẫn bị “đeo bám”; thậm chí khi một nữ du khách trẻ tuổi băng qua đường để về bến xe Nguyễn Hoàng, người bán hàng vẫn đi theo chèo kéo khiến du khách trở nên khó chịu. Tình trạng người bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách du lịch ở khu vực này đã nhiều lần được phản ánh đến cơ quan chức năng, khi có tổ công tác thì “bình yên”, nhưng lực lượng chức năng rời đi thì “đâu lại vào đấy”.

Xử lý dứt điểm được không? - ảnh 2
Dù nữ du khách đã lắc đầu từ chối mua hàng và băng qua đường, nhưng một phụ nữ bán hàng rong vẫn đeo bám để mời mua

Cần chung tay xử lý dứt điểm

TP Huế đang nỗ lực xây dựng điểm đến văn minh, thân thiện, an toàn, giàu bản sắc theo tinh thần của Nghị quyết 05 của Thành ủy về “Tuyên truyền, giáo dục, phát huy giá trị đạo đức, lối sống và phong tục tập quán Huế đặc sắc gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”.

Theo UBND TP Huế, trong thời gian qua, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đã triển khai công tác tập trung người lang thang, ăn xin trên địa bàn thành phố đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua kiểm tra, hiện nay các đối tượng lang thang ăn xin, đối tượng bán hàng rong kết hợp thực hiện hành vi ăn xin biến tướng, quấy rầy du khách khá nhiều; đặc biệt là các đối tượng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, có đối tượng đã bị nhắc nhở nhiều lần. Đây là những đối tượng không thuộc diện đưa vào Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định tại Quyết định số 63/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Đội Quản lý đô thị TP Huế đã nhiều lần vận động, nhắc nhở và lập biên bản chuyển giao người lang thang về địa phương tiếp quản và cam kết không thực hiện hành vi nói trên. Thế nhưng, việc quản lý thiếu chặt chẽ của chính quyền địa phương cơ sở, các đối tượng vẫn tiếp tục tái diễn, gây khó khăn trong việc xử lý dứt điểm.

 UBND TP Huế tiếp tục có các văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương 36 phường, xã và các đơn vị, ban ngành tăng cường kiểm tra và xử lý người lang thang ăn xin hoặc kết hợp lang thang ăn xin với buôn bán hàng rong trên địa bàn, nhất là tại điểm tham quan, du lịch, nhà hàng, công viên, phố đêm, các tuyến đường đi bộ.

(Ông TRƯƠNG ĐÌNH HẠNH, Phó Chủ tịch UBND TP Huế)

“UBND TP Huế tiếp tục có các văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương 36 phường, xã và các đơn vị, ban ngành tăng cường kiểm tra và xử lý người lang thang ăn xin hoặc kết hợp lang thang ăn xin với buôn bán hàng rong trên địa bàn, nhất là tại điểm tham quan, du lịch, nhà hàng, công viên, phố đêm, các tuyến đường đi bộ”, ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho hay. Để đẩy mạnh xử lý vấn đề này, UBND TP Huế cũng đề nghị Công an TP Huế tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối tượng chăn dắt người lang thang, trẻ em hoặc người tàn tật để thực hiện hành vi ăn xin biến tướng. Đồng thời, vận động các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống ký cam kết không để các đối tượng lang thang, ăn xin, bán hàng rong tại khu vực kinh doanh. Rà roát, kịp thời hỗ trợ chính sách trợ giúp xã hội phù hợp đối với đối tượng thuộc nhóm người khuyết tật, trẻ em, người nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn...

Đặc biệt, chính quyền địa phương các cấp và các ngành chức năng tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, hành động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa, không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc lang thang xin ăn. Đồng thời, tổ chức việc tiếp nhận các tin báo, tố giác về các trường hợp vi phạm khi lợi dụng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em lang thang xin ăn… và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc