Kết nối để phát triển du lịch Huế
VHO - Ngày 17.9, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Du lịch tổ chức Hội nghị “Kết nối du lịch Huế năm 2023”. Sự kiện thu hút đại diện của hơn 160 đơn vị lữ hành trong cả nước.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và ngành Du lịch chủ trì hội nghị
Thống kê của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 8 tháng đầu năm 2023, địa phương này đã đón hơn 2,1 triệu lượt khách, tăng hơn 58,7% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 4.600 tỉ đồng, tăng hơn 61%. Thị trường khách du lịch quốc tế đến Huế tập trung ở các nước và vùng lãnh thổ: Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Anh, Úc, Đức, Hàn Quốc...
Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp đội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hội nghị “Kết nối du lịch Huế năm 2023” vối sự tham gia 92 công ty lữ hành trong cả nước và hơn 70 đơn vị lữ hành tại Huế, nhằm kết nối hợp tác cùng phát triển du lịch. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp đề xuất kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch địa phương những giải pháp cụ thể, hữu hiệu cho ngành du lịch trong thời gian tới...
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó, xác định và lên kế hoạch triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm với các giải pháp cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Qua đó, để phục hồi và phát triển ngành du lịch có trọng tâm, trọng điểm với phương châm chung của Chính phủ: Sản phẩm đặc sắc- dịch vụ chuyên nghiệp- thủ tục thuận tiện, đơn giản- giá cả cạnh tranh- môi trường vệ sinh sạch, đẹp- điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện; đồng thời lồng ghép định hướng phát triển các sản phẩm gắn với slogan của du lịch Thừa Thiên Huế “Huế- Kinh đô xưa, trải nghiệm mới”.
Hội nghị "Kết nối du lịch Huế năm 2023" thu hút sự tham gia của hơn 160 đơn vị lữ hành trong nước và tại Huế
Để đạt được các mục tiêu trên, bên cạnh tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; chú trọng tăng trưởng ổn định chỉ tiêu về lượng khách, tăng mạnh về chỉ tiêu doanh thu du lịch... thì Thừa Thiên Huế cũng sẽ tăng cường liên kết với các tỉnh, thành và các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước.
“Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nên chúng tôi rất quan tâm đến việc xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp lĩnh vực du lịch. Hy vọng qua hội nghị lần này, sẽ giới thiệu những cái mới của Huế đến với các đơn vị lữ hành trong cả nước; và cùng có những hợp tác tích cực, tạo điều kiện tối đa để thuận lợi cho cả địa phương và doanh nghiệp trong phát triển du lịch”- ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh thông tin rằng: Năm 2023 du lịch nước ta đang trên đà phục hồi và tăng tốc, với nỗ lực của toàn ngành và các địa phương, trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đón hơn 7,8 triệu lượt khách quốc tế (đạt 98% kế hoạch năm); đồng thời khách nội địa cũng đạt 86 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 482.000 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã và đang phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách; phát huy các giá trị di sản, văn hóa, lịch sử, xây dựng các khu, điểm du lịch tại khu vực biển, đầm phá, sông, hồ, suối, thác, các làng nghề truyền thống... Tuy nhiên, du lịch Huế vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng...
Các doanh nghiệp du lịch trao đổi thông tin, kết nối hợp tác bên lề hội nghị
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đề xuất tỉnh cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đi vào thực chất giữa Huế với các tỉnh lân cận cũng như với các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... Trong đó, tiếp tục liên kết giữa 5 địa phương (Quảng Bình- Quảng Trị- Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam) và khai thác hiệu quả sản phẩm “Con đường di sản miền Trung” với việc làm mới sản phẩm, bổ sung thêm các chương trình điểm nhấn ấn tượng thu hút du khách. Đồng thời, Thừa Thiên Huế cũng cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch nổi trội dựa trên thế mạnh về văn hóa riêng có; nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm để định vị thương hiệu.
“Huế có tài nguyên, tiềm năng, cơ sở hạ tầng đang phát triển nhưng lượng khách đến và lưu trú, chi tiêu chưa nhiều... Chính vì thế, du lịch Thừa Thiên Huế cần đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, cũng như cần sự hỗ trợ và chính sách mạnh mẽ từ chính quyền địa phương”- ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Tại hội nghị, nhiều đơn vị lữ hành trong nước cũng đóng góp các ý kiến, đề xuất kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và ngành du lịch. Như việc xây dựng kế hoạch giữa doanh nghiệp và ngành du lịch khi triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá; xây dựng chính sách về giá vé, giá dịch vụ tại các điểm đến ở Huế; cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và ngành du lịch trong xây dựng các sản phẩm du lịch...
Các đơn vị lữ hành kiến nghị về việc hợp tác chặt chẽ hơn giữa ngành du lịch và doanh nghiệp trong xúc tiến, quảng bá và xây dựng sản phẩm
Tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ cùng các đơn vị liên quan tìm những giải pháp khắc phục, hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh xây dựng và hoàn thiên các sản phẩm dịch vụ có tính độc đáo, đẳng cấp, khác biệt; cũng như xây dựng các hình thức hiệu quả để tiếp cận, quảng bá truyền thông đến các thị trưởng, cộng đồng du khách và các đơn vị lữ hành trong và ngoài nước. Với mục tiêu cao nhất là đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách, phục vụ du khách càng ngày càng tốt hơn, đưa hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế ngày càng đậm nét hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam và Thế giới; hướng đến sự phát triển xanh - bền vững và thông minh, cũng như tăng cường sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch bước đầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 45 - 50%. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 50 - 55%.
Cũng trong dịp này, từ ngày 15.9 đến 17.9, đại diện của hơn 90 đơn vị lữ hành trong nước đã cùng tham gia chương trình famtrip “Huế- Kinh đô xưa, trải nghiệm mới”, tham quan, khảo sát các tour tuyến, điểm đến du lịch mới, đặc sắc ở Thừa Thiên Huế, như: Bảo tàng 3D (Sống Platform); khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Kawara Mỹ An; phá Tam Giang; làng cổ Phước Tích; lăng Gia Long; vườn quốc gia Bạch Mã; khu du lịch Bạch Mã Village…
Bài, ảnh: SƠN THÙY