Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với nghệ thuật dân gian
VHO - Việt Nam có kho tàng văn hóa dân gian đa dạng và phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo cơ hội cho nước ta khai thác và xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan cho biết, đến thời điểm hiện tại, du lịch Việt Nam đã hội tụ đủ điều kiện để có thể khẳng định rõ vị thế là ngành kinh tế quan trọng. Du lịch đã và đang đóng góp lớn vào công cuộc hiện đại hóa đất nước, có vai trò tích cực trong xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước với nền văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đến bạn bè quốc tế.
Thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu tích cực. Khách quốc tế đạt 11,4 triệu lượt, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19. Khách du lịch nội địa đạt 89,5 triệu lượt, tổng thu du lịch ước đạt 586,1 nghìn tỉ đồng.
Để khai thác hiệu quả văn hóa dân gian thành sản phẩm du lịch, cần chắt lọc, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng, chứa đựng hồn của văn hóa dân gian. Tuy nhiên, trước thực trạng, nhiều du khách trong nước không còn “mặn mà” với các loại hình nghệ thuật truyền thống, chúng ta cần phải “bóc tách” những lớp vỏ cũ kỹ của nghệ thuật truyền thống, sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền tải để phù hợp với thị yếu và kỳ vọng của du khách.
NSND Hoàng Anh Tú (đàn bầu) bày tỏ, khách du lịch khi đến tham quan các tỉnh, thành của Việt Nam, ngoài chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên thì họ cũng có mong muốn trải nghiệm văn hóa dân gian của dân tộc. Vốn các loại hình nghệ thuật truyền thống đã có từ lâu đời, đôi khi không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng. Chúng ta phải làm sao đổi mới, sáng tạo, đưa tính đương đại vào trong mỗi loại hình nghệ thuật. “Nếu cứ giữ nguyên y như bản gốc, thì chỉ có thể biểu diễn ở cây đa, bến nước, sân đình. Còn nếu đã đưa lên sân khấu, phát triển nó thành một sản phẩm thương mại thì cần có sự biến tấu, thay đổi. Để những người mới lần đầu đặt chân đến Việt Nam hay đã từng tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống đều thêm yêu, thêm hiểu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam”, NSND Hoàng Anh Tú bày tỏ quan điểm.
Hiện nay, tại một vài điểm du lịch lớn, đã xuất hiện nhiều show diễn thực cảnh, được đầu tư công phu, tỉ mỉ, nhằm quảng bá các giá trị nghệ thuật văn hóa Việt đến gần hơn du khách. Nỗ lực đưa nghệ thuật múa rối nước vào các khu du lịch nổi tiếng, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã bắt tay cùng doanh nghiệp Sun Group xây dựng Nhà hát À Ơi ngay tại bãi biển thị trấn Hoàng Hôn (Phú Quốc, Kiên Giang). Tại đây, du khách được thưởng thức nghệ thuật múa rối truyền thống ngay trong lối kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính.
Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ “Đây là bước tiến mới, du khách không nhất thiết phải đến Nhà hát Múa rối ở Hà Nội để trải nghiệm, mà ngay trên bãi biển Phú Quốc, du khách cũng có thể khám phá hết vẻ đẹp của loại hình múa rối trong không gian “trời Âu thu nhỏ”. Chất liệu âm nhạc dân tộc và các nhạc cụ truyền thống đều được làm mới, hòa âm phối khí theo phong cách dân gian đương đại, vừa thể hiện được nét đẹp nghệ thuật văn hóa Việt Nam, vừa mang lại cảm giác thú vị, mới lạ cho du khách”.
Vừa qua, tại Hà Nội cũng đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Hồn Việt” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp Công ty biểu diễn SOL8- LIVE STAGE và Vạn Show thực hiện, nhằm giới thiệu các tiết mục nghệ thuật đang trong giai đoạn nghiên cứu để xây dựng một seri các sản phẩm văn hóa truyền thống đáp ứng sự quan tâm của khách du lịch đến văn hóa Việt Nam. Giám đốc sản xuất chương trình, ông Nguyễn Trung Hoàng Nam chia sẻ: “Trân quý và khai thác kho tàng văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam, chúng tôi luôn sẵn sàng xây dựng những concept theo yêu cầu riêng, bảo đảm giữ vững giá trị nghệ thuật và bản sắc dân tộc, đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa phong phú với các nền văn hóa trên thế giới, là món ăn tinh thần đặc sắc giới thiệu với khán giả trong nước và du khách quốc tế”.
Có thể thấy, nếu tận dụng, đầu tư chuyên nghiệp, khai thác hiệu quả văn hóa dân tộc dân gian, sẽ tạo ra một hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng và bền vững.