Du lịch Trùng Khánh, Cao Bằng:
Vừng ơi, mở cửa ra
VHO - Tại Hội nghị “Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) năm 2024”, nhiều ý kiến cùng chung quan điểm thác Bản Giốc giống như chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển du lịch cho huyện Trùng Khánh, tiếc thay ngay cả con thác hùng vĩ bậc nhất thế giới này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, giống như một nàng công chúa ngủ trong rừng đang chờ được đánh thức.
Đối với bản thân người viết lại nghĩ ngay đến câu thần chú “Vừng ơi, mở cửa ra” trong câu chuyện cổ tích Alibaba và 40 tên cướp, vì “kho tàng” du lịch Trùng Khánh thật phong phú và đặc sắc.
Đệ nhất danh thác… ăn trưa rồi về
Cao 70m, rộng 200m, lớn nhất Đông Nam Á, lớn thứ tư thế giới, chia làm hai nhánh, nhánh bên phải dòng nước đổ thẳng xuống vực, nhánh bên trái hạ dần thành ba bậc nối tiếp nhau, từ trên cao đổ xuống tung bọt trắng xóa, tạo thành làn sương mờ ảo, thác Bản Giốc quả như dải lụa vắt ngang trời, thật nên thơ và hùng vĩ. Vẻ đẹp mê hoặc ấy đưa thác Bản Giốc trở thành đệ nhất danh thác Việt Nam và vươn tầm quốc tế, khi nhiều lần được bình chọn hoặc miêu tả là một trong những điểm đến hấp dẫn. Đơn cử như hồi tháng 5 vừa qua, tạp chí du lịch uy tín Travel+Leisure xếp thác Bản Giốc vào danh sách 21 thác nước đẹp nhất thế giới.
Vì tiềm năng du lịch lớn của danh thắng, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 485/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc. Điểm độc đáo nữa của thác Bản Giốc là nằm trên biên giới Việt Nam và Trung Quốc, thế nên không chỉ là biểu tượng thiên nhiên mà còn chứng kiến sự giao thoa văn hóa giữa người dân hai nước. Ngày 15.10.2024, tỉnh Cao Bằng và chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã công bố chính thức vận hành khu khai thác chung thác Bản Giốc (Việt Nam) - thác Đức Thiên (Trung Quốc), triển khai mô hình du lịch xuyên biên giới giữa hai quốc gia.
Theo ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Trùng Khánh, trong khoảng 1 năm vận hành thử nghiệm (từ 15.9.2023 đến 14.10.2024), thác Bản Giốc đón 9.000 lượt du khách qua lại tham quan, nhưng chỉ trong hơn 1 tháng kể từ thời điểm vận hành chính thức, số lượt du khách đã lên đến 5.000. Con số này tuy khiêm tốn nhưng cho thấy sức bật thật ấn tượng. Vấn đề là làm sao để duy trì tăng trưởng ổn định khi thực trạng vẫn là “đến tham quan thác, ăn trưa rồi về” như bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên chia sẻ.
Đã có chìa khóa…
Thác Bản Giốc không chỉ có mỗi con thác, xung quanh thác là cánh đồng lúa xanh mướt, đồi núi trùng điệp, tạo cảnh quan tuyệt đẹp. Huyện Trùng Khánh cũng không chỉ có mỗi thác Bản Giốc, toàn huyện có 3 danh thắng cấp quốc gia, bên cạnh thác là động Ngườm Ngao và Mắt Thần núi, đều là kiệt tác thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này, ngoài ra có thể kể đến sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng, hồ Bản Viết, cảnh quan Phong Nặm, thác Phja Siểm, thác Cò Là…
Không chỉ có danh thắng, đất Trùng Khánh thấm đẫm văn hóa và lịch sử. Huyện Trùng Khánh vốn là vùng đất cổ, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tại xã Đình Phong có đền thờ An Biên tướng quân Hoàng Lục - người có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, giữ vững biên cương phía Bắc dưới triều Lý. Dấu tích còn sót lại đến ngày nay là những ụ, thành đất hình chữ nhật, hình xoáy trôn ốc nằm rải rác dọc hai bên bờ sông Quây Sơn, cách đền khoảng 1 km.
Trên địa bàn huyện, người dân tộc Kinh chiếm chưa đến 1%, đa số là người Tày (67%) và người Nùng (32%). Đến bản làng của bà con dân tộc thiểu số nơi đây mới thấy hết vẻ cổ kính, quyến rũ lạ kỳ, khi ẩn trong làn sương mỏng là những ngôi nhà sàn đá với mái ngói âm dương u huyền. Theo người dân địa phương kể lại, nhà sàn đá được ông bà xây dựng từ thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Nơi đây từng được dùng để giam giữ tù binh, chiến tranh đã đi qua và trở thành dĩ vãng, nhưng mối giao tình vẫn còn. Đến tận ngày nay, con cháu cựu tù binh khi xưa được bà con trị bệnh vẫn lặn lội vạn dặm đến thăm viếng.
Bên cạnh câu chuyện lịch sử, những ngôi nhà sàn đá còn lưu giữ các giá trịvăn hóa phi vật thểnhư làn điệu dân ca Dá Hai, Sli Giang, Hà Lều, Phong Slư, hát Then, hát Lượn; các sản vật đặc sắc như vịt cỏ, xôi ngũ sắc, bánh khảo, nếp ong, thạch trắng và hạt dẻ - loại quả đặc hữu thơm ngon nổi tiếng ở miền non nước Cao Bằng. Tựu trung, Trùng Khánh hội tụ nhiều yếu tố để phát triển du lịch, từ ngàn năm lịch sử đến chiều sâu văn hóa, từ danh thắng nổi danh đến ẩm thực đặc sắc. Thế nên, thác Bản Giốc như là chìa khóa mở cánh cửa du lịch cho huyện Trùng Khánh nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung. Tuy nhiên, phải mở như thế nào là câu chuyện đáng bàn?
… đi tìm cách mở
Theo báo cáo từ UBND huyện Trùng Khánh, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn trong năm 2023 chỉ đạt 27,5 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 1/4 thu nhập bình quân đầu người trên cả nước. Dọc đường công tác, qua thăm hỏi bà con dân tộc thiểu số, người viết cũng nhận thấy được nỗi nhọc nhằn sinh kế. Kinh tế chủ yếu của bà con dân tộc thiểu số nơi đây vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp và gần như chưa có khái niệm làm du lịch. Thế nên chẳng có gì lạ khi lượng du khách ước đạt đến Trùng Khánh trong năm 2024 chỉ dừng ở mức khiêm tốn 1 triệu lượt, doanh thu từ du lịch trong giai đoạn năm 2021- 2024 cũng chỉ 200 tỉ đồng.
Điều đáng ghi nhận là chính quyền huyện Trùng Khánh đã xác định đúng trọng tâm và nỗ lực chuyển mình thu hút đầu tư. Sự kiện diễn ra ngày 26.11 vừa qua là lần đầu tiên một huyện trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch”. Hội nghị có sự tham gia của 150 đại biểu, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu. Đáng kể như lưu ý đào tạo nguồn nhân lực, gợi mở xây dựng tuyến du lịch Giáo dục từ suối Lê-nin, hang Pác Bó đến thác Bản Giốc, đồng thời kết hợp với các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL để đẩy mạnh truyền thông, quảng bá của thầy Phạm Bá Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế; ý kiến tham khảo mô hình khai thác du lịch tại thác Niagara, danh thắng nằm trên biên giới Mỹ và Canada hoặc cách tham quan bằng khinh khí cầu mà Vangvieng (Lào) đang áp dụng rất thành công.
Về phần huyện Trùng Khánh, chính quyền đã ban hành các chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư và rút gọn thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Như ông Nông Văn Bộ, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của huyện”. Rất mong rằng, Trùng Khánh sẽ gặp được những nhà đầu tư đủ tâm, đủ tầm để khai thác “kho báu” du lịch địa phương một cách hiệu quả và bền vững nhất.