Viết tiếp bài “Nhập nhằng mô hình du lịch farmstay”: Chỉ nên phát triển ở nơi có đủ điều kiện

VHO- Trên cơ sở thực trạng phát triển hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn cho thấy xuất hiện hàng loạt những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai các dự án farmstay.

Viết tiếp bài “Nhập nhằng mô hình du lịch farmstay”: Chỉ nên phát triển ở nơi có đủ điều kiện - Anh 1

 Cần có định hướng và chính sách riêng để phát triển farmstay ở Việt Nam

Vậy mô hình nào để phát triển farmstay ở Việt Nam đúng hướng, hiệu quả, nên phát triển mô hình farmstay ở những đâu?

Nhiều khó khăn,vướng mắc

Hiện nay chưa có quy định về tỉ lệ diện tích đất trong một dự án canh tác nông nghiệp được phép xây dựng công trình phục vụ phát triển du lịch. Các farmstay phát triển theo đúng nghĩa phải đảm bảo hai yếu tố là vừa sản xuất nông nghiệp vừa đáp ứng dịch vụ nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, theo quy định tại điều 10, Luật Đất đai năm 2013, đất trang trại thuộc nhóm đất nông nghiệp, mục đích chính là phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, học tập, nghiên cứu thí nghiệm, ươm trồng… việc xây dựng các công trình kiên cố như nhà ở bị hạn chế.

Khoản 1 điều 14 và khoản 1 điều 23 của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định “Chủ rừng xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được duyệt”. Theo đó, các dự án du lịch phải chờ Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng và phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt mới có thể triển khai các thủ tục đầu tư. Các dự án du lịch sinh thái đầu tư tại các khu vực phục hồi sinh thái “chỉ cho phép xây dựng các công trình nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi” (Luật Lâm nghiệp và Điều 24 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP). Do vậy, các dự án du lịch sinh thái đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 giai đoạn trước khi Luật Lâm nghiệp 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP có hiệu lực phải điều chỉnh lại quy hoạch dẫn đến việc chậm triển khai các dự án phát triển du lịch. Tại điều 48 Luật Du lịch 2017 và điều 21 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch quy định về các loại hình cơ sở lưu trú du lịch, điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu và dịch vụ của các loại cơ sở lưu trú du lịch nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về loại hình trang trại nghỉ dưỡng.

Mô hình farmstay có những đặc trưng riêng, gắn với sản xuất nông nghiệp nên khác với các loại hình cơ sở lưu trú du lịch như khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng, homestay. Tuy nhiên, hiện nay chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn để xác định loại hình này cũng như chính sách riêng để phát triển. Bên cạnh đó, hiện chưa có chính sách khuyến khích hỗ trợ mô hình liên kết phát triển nông nghiệp, du lịch hiệu quả. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mới chỉ tập trung chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp khác, chưa có ưu đãi cho đầu tư phát triển dịch vụ du lịch ở khu vực nông thôn. Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng chưa có quy định về cơ chế hỗ trợ, khuyến khích liên kết phát triển nông nghiệp và du lịch.

Một số dự án phát triển du lịch sử dụng đất rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên cũng gặp khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư. Luật Lâm nghiệp năm 2017 cho phép chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang mục đích khác trong đó có mục đích phát triển du lịch. Tuy nhiên, các dự án du lịch phải chờ Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng và phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt mới có thể triển khai các thủ tục đầu tư.

Viết tiếp bài “Nhập nhằng mô hình du lịch farmstay”: Chỉ nên phát triển ở nơi có đủ điều kiện - Anh 2

 Một mô hình farmstay ở Khánh Hòa

Cần có chính sách ưu đãi riêng

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó có mô hình farmstay. Mô hình kinh doanh farmstay nếu được đầu tư bài bản sẽ đóng góp rất lớn cho kinh tế, xã hội, phát triển theo mô hình liên kết chuỗi nông nghiệp, du lịch; hình thành các trang trại nghỉ dưỡng có quy mô, đáp ứng nhu cầu về chất lượng. Du lịch sẽ mang lại doanh thu từ khách du lịch cùng với doanh thu từ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại chỗ thông qua hoạt động du lịch.

Phát triển mô hình farmstay đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, ổn định, lâu dài và sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Trong quá trình hình thành và vận hành farmstay phải duy trì liên kết chặt chẽ giữa du lịch và nông nghiệp và với hệ sinh thái liên quan. Hai yếu tố này bổ trợ cho nhau tạo nên sản phẩm đặc trưng, đem lại giá trị gia tăng và các nguồn thu ổn định cho farmstay. Nếu không có sản phẩm đặc trưng, không có quy trình tiêu chuẩn sẽ không duy trì được nguồn khách, không đem lại doanh thu dẫn đến sự đổ vỡ của mô hình.

Mô hình farmstay chỉ có thể phát triển tại các địa phương có đủ điều kiện, có sự kết nối với thị trường nguồn gửi khách, không nên phát triển thành phong trào, tạo thành “cơn sốt ảo”, đất đai bị mua đi bán lại, đẩy giá trị lên cao, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và chính sách phát triển sản phẩm du lịch. Các địa phương cần có đề án quy hoạch các khu vực sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp có đủ điều kiện phát triển du lịch. Cần xác định rõ các hình thức của dự án phát triển du lịch ở khu vực nông thôn. Đối với các dự án du lịch nghỉ dưỡng hoặc bất động sản nghỉ dưỡng nông thôn cần xác định phạm vi, quy mô dự án, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp đảm bảo tính lâu dài và ổn định.

Các dự án này cần khuyến khích phát triển ở các khu vực sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả nhưng có điều kiện phát triển du lịch. Cần có chính sách ưu đãi riêng đối với các dự án được xác định phát triển theo mô hình liên kết chuỗi du lịch và nông nghiệp, đảm bảo hai yếu tố sản xuất nông nghiệp và phát triển dịch vụ du lịch đặc biệt là các trang trại, nông trại có quy mô lớn, chuyên canh các loại cây trồng đặc sản, trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng khoa học công nghệ cao kết hợp với phục vụ du lịch. Cho phép thuê, sử dụng đất trong thời gian dài và cho phép tỉ lệ diện tích đất nhất định được xây dựng công trình nhà ở kiên cố để phát triển dịch vụ du lịch trong phạm vi quy mô phù hợp.

Trước những thực trạng và yêu cầu phát triển mới, Bộ VHTTDL đã đề xuất Chính phủ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, kiến nghị chính sách ưu đãi để khuyến khích phát triển mô hình liên kết phát triển nông nghiệp, du lịch; chỉ đạo các địa phương, Ban quản lý rừng xây dựng, trình ban hành Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững để triển khai các dự án khai thác môi trường rừng phục vụ phát triển du lịch; rà soát các khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, khu bảo tồn thiên nhiên có điều kiện phát triển du lịch… Từ đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi hoặc chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thu hút đầu tư hình thành các dự án phát triển mô hình farmstay. 

 THÚY HÀ - THU HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc