Hội nghị quốc tế Du lịch nông thôn:
Vai trò chủ thế lên ngôi
VHO - Từ ngày 9 – 12.12, Hội nghị quốc tế Du lịch nông thôn lần thứ nhất và Phiên họp Mạng lưới Làng du lịch tốt nhất lần thứ hai sẽ diễn ra tại Hội An. Hội nghị lần này dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam và Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism).
Đây là lần đầu tiên, một hội nghị chuyên đề quốc tế được tổ chức nhằm bàn về cơ hội hợp tác, cách thức trao quyền hành động cho người nông dân với vị thế chủ thể một địa hạt phát triển du lịch mới: du lịch nông thôn.
Xác định một chủ thể lớn
Hội nghị quốc tế Du lịch nông thôn lần thứ nhất sẽ đặt ra và bàn luận những vấn đề liên quan đến du lịch tam nông, làm sao phát triển mảng du lịch này trong bối cảnh du lịch toàn cầu và quốc gia biến chuyển, tìm kiếm những giá trị vững bền hơn.
Ở đây, vai trò nông nghiệp nông thôn, vị thế người nông dân với định hướng đầu tư du lịch xanh, du lịch giá trị đặc hữu, sẽ được đặc biệt coi trọng và cần những hướng đánh giá, tiếp cận phù hợp. Trong đó, khung cảnh cuộc sống nông thôn, văn hóa lịch sử nông nghiệp, và những giá trị nông sản đặc thù sẽ là 3 lợi điểm quan trọng để duy trì, xây dựng du lịch nông thôn bền vững.
Do đó, các chủ đề chính sẽ được đưa ra bàn luận tại Hội nghị quốc tế Du lịch nông thôn lần này, cũng sẽ là những yếu tố cần thiết để gây dựng quan hệ du lịch – tam nông vững chắc.
Đó là những vấn đề làm sao để du lịch tham gia, trở thành động lực phát triển nông thôn; làm sao xây dựng các chính sách phù hợp để thúc đẩy du lịch nông thôn, trao quyền cho cộng đồng địa phương dẫn dắt phát triển du lịch hiệu quả; làm sao xây dựng được liên kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với du lịch, giữa du khách và nông dân, để các trải nghiệm du lịch thành hành động thực tế, hấp dẫn du khách thực sự…
Theo các chuyên gia tư vấn, lâu nay, du lịch phát triển mạnh mẽ và đa dạng, nhưng thực chất bị đánh giá, hòa trộn bề ngoài tăng trưởng của các lĩnh vực đầu tư kinh tế xã hội. Nên, khi tình hình thực tế thay đổi, như thực trạng kinh tế, xã hội và nhất là văn hóa có nhiều biến động như hiện nay, bản chất hợp tác giữa du lịch và các mảng kinh tế xã hội đã bị phá vỡ.
Từ chỗ chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, giải trí, ngành Du lịch cần chuyển sang nhóm nhu cầu mới: tìm hiểu, thực nghiệm cảm xúc, kiến thức văn hóa cho du khách, gồm những vấn đề lịch sử, địa lý, đến các vấn đề văn hóa, tập tục, nghi lễ… của cộng đồng cư dân nơi điểm đến.
Đầu tư cho du lịch không thể chỉ ở hình thái bên ngoài, những dự án nghỉ ngơi, thưởng thức những kịch bản sân khấu hóa, tái hiện mô phỏng…. Thay vào đó, du khách cần biết rõ hơn những câu chuyện ở điểm đến, những kiến thức và cảm xúc tâm lý, về lịch sử, văn hóa, giáo dục, môi trường… nơi họ nên biết.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND thành phố Hội An, địa điểm tổ chức Hội nghị quốc tế Du lịch nông thôn nhìn nhận, những hình thái du lịch mới đều đề cập đến vai trò chủ thể của người nông dân. Sau những chuyến đi, người ta sẽ đúc kết được những gì, đó mới là tiêu chí của hợp tác du lịch hiện nay. Do đó, du lịch nông thôn và người nông dân trở thành điểm hội tụ.
“Tăng quyền” của người nông dân!
Ông Nguyễn Văn Lanh cho biết, các đại biểu Hội nghị sẽ khảo sát một số điểm đến ở Hội An như làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, phố cổ Hội An…, nhằm thực chứng những hoàn cảnh và năng lực triển khai các mô hình du lịch nông thôn địa phương. Mấu chốt hoạt động này, chính là phải xác định rõ và “trao quyền” cho người nông dân trong các sản phẩm du lịch nông thôn, chí ít ở ba vấn đề.
Thứ nhất, phát triển du lịch nông thôn phải gắn với hoạt động sản xuất, canh tác của bà con nông dân. Phải tạo nên những sản phẩm du lịch mới, cơ hội trải nghiệm cho du khách, qua chính sinh hoạt đời sống và canh tác sản xuất của người nông dân; đặc biệt là cơ hội tiêu thụ nông sản nông thôn với những giá trị, chất lượng thực thụ, trên cánh đồng, trong mảnh vườn, ra chợ và đến siêu thị, quán ăn, nhà hàng…
Thứ hai, giá trị gia tăng của du lịch canh nông chỉ có được, khi hoạt động du lịch trải nghiệm phải gắn với chất liệu đời sống của người nông dân, gắn với không gian cộng đồng của họ, gắn với những tập tục, phong cách, nghi lễ văn hóa mà cộng đồng ấy đã xây dựng nên, đã có bề dày lịch sử nhất định.
Đây là lý do để lâu nay, các điểm đến di sản tại Hội An và miền Trung thu hút, hấp dẫn du khách, nên trong thời gian đến, cần tiếp tục có sự nghiên cứu, chính sách xây dựng tốt quan hệ giữa khai thác du lịch và xây dựng, bảo tồn nền tảng đời sống văn hóa của người nông dân.
Thứ ba, phát triển du lịch nông thôn phải đồng hành với cơ hội cải thiện đời sống, thu nhập của người nông dân. Điều này không thuộc về ý chí các bên tổ chức, mà phải bám sát thực tiễn cuộc sống, phải có được các cơ chế, chính sách từ nhà quản lý, chính quyền và các ban ngành chuyên môn để hỗ trợ tốt nhất cho người nông dân cải thiện chất lượng cuộc sống của mình.
Sau những tour du lịch, người nông dân mong đợi được xây dựng thành công những hệ thống logistics giúp họ tiêu thụ sản phẩm, quảng bá hàng hóa, phát triển tiêu dùng, kết nối đồng ruộng với các điểm kinh doanh thương mại. Đây là bài học thực tiễn đang cần chú ý phát triển thêm tại Hội An cũng như các địa chỉ du lịch nông thôn khác.
Với cách nhìn này, các nhà tư vấn, tổ chức đầu tư, chính quyền tỉnh Quảng Nam cần xác định, chiến lược phát triển du lịch nông thôn, chính là phải cải thiện và tôn vinh hình ảnh người nông dân. Địa phương cần tiếp thu những kiến nghị từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn du lịch, thông qua Hội nghị quốc tế, để từng bước nghiên cứu ban hành, đề xuất các chính sách giúp người nông dân Quảng Nam nắm rõ hơn vai trò trong lịch trình phát triển du lịch nông thôn, và xây dựng các cơ chế khai thác tốt mảng du lịch mới này.