Tìm hướng khai thác sản phẩm du lịch từ văn hóa truyền thống
VHO - Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” do Báo Văn Hóa phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức vào ngày 23.11 tại TP Quảng Ngãi, là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, vừa nghiên cứu, khai thác giá trị của những nét văn hóa văn hóa tốt đẹp để hỗ trợ xây dựng và phát triển du lịch.
Sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách
Theo TS Lê Anh Tuấn, Phân viện Viện văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, những năm qua Quảng Ngãi có nhiều làng văn hóa dân tộc được phục dựng như: Làng bảo tồn văn hóa dân tộc Cor (huyện Trà Bồng), Làng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng dân tộc Hrê (huyện Ba Tơ), Làng bảo tồn văn hóa dân tộc Hrê (huyện Sơn Hà), Làng kiểu mẫu Ra Manh của dân tộc Ca Dong (huyện Sơn Tây)...
“Trước nhiều tác động mạnh mẽ và toàn diện làm thay đổi môi trường và không gian sống truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi Trung Bộ, tác động đến văn hóa nói chung và văn hóa phi vật thể nói riêng. Vấn đề mang tính cơ bản và cốt lõi của chiến lược bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của tộc người thiểu số Trung Bộ chính là bảo tồn văn hóa gắn với không gian bản làng”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc, các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cùng hàng loạt những di sản văn hóa thiên nhiên mang sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước.
Đây là cơ hội hình thành các tour du lịch mới “tour du lịch lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số”, vừa tạo tính hấp dẫn cho điểm đến, vừa góp phần không nhỏ trong xây dựng hình ảnh thương hiệu của điểm đến và đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch bền vững của địa phương.
“Việc giới thiệu, quảng bá lễ hội truyền thống trong các hoạt động du lịch góp phần tích cực giúp bà con nhận thức được một cách thực tiễn những giá trị vật chất và tinh thần của lễ hội, khơi dậy, giáo dục lòng tự hào về văn hóa truyền thống, tăng cường ý thức bảo vệ, gìn giữ lễ hội, người dân có thêm thu nhập để cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương thông qua các dịch vụ ăn uống; bán các mặt hàng thổ cẩm, đặc sản địa phương”, ông Thắng cho hay.
Cơ hội tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam TS. Đỗ Thị Thanh Hoa cho rằng, tài nguyên du lịch nói chung và giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi được các chuyên gia nhìn nhận, đánh giá khá độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn, rất có tiềm năng cho khai thác phát triển du lịch.
Về cơ bản, tỉnh Quảng Ngãi và ngành Du lịch tỉnh đã có những quan tâm nhất định, ban hành chủ trương, chính sách, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế hoạt động khai thác phát triển du lịch tại các vùng này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
“Cần dựa trên các đặc trưng văn hóa, thế mạnh về sinh thái cảnh quan và nhu cầu của thị trường để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa, văn nghệ dân gian; du lịch gắn với các lễ hội truyền thống; du lịch ẩm thực;
Du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống, lao động, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số; du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp tham quan, khám phá thiên nhiên hoang sơ; du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề, nghề truyền thống; du lịch mua sắm đặc sản vùng cao…”, TS Đỗ Thị Thanh Hoa chia sẻ.
Nghiên cứu sinh Trần Thị Tuyết Sương, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM chia sẻ, trong số 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Quảng Ngãi, có 4 di sản thuộc về khu vực miền núi bao gồm: Lễ hội Điện Trường Bà, nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Cor, nghề dệt thổ cẩm của người Hrê và nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người Hrê.
Những di sản này có giá trị lớn trong việc thu hút khách du lịch đến với Quảng Ngãi, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm và hiểu sâu hơn về văn hóa của các dân tộc thiểu số. Sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa, lịch sử và thiên nhiên đã tạo nên sức hút đặc biệt cho khu vực này.
Phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số tại miền núi Quảng Ngãi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương mà còn đóng góp vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Khi du lịch phát triển, người dân có thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Để phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số một cách bền vững, sự tham gia của cộng đồng là yếu tố then chốt, giúp bảo vệ bản sắc và tạo sinh kế cho người dân.
Mặt khác, cũng cần có sự hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương trong quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và bảo tồn văn hóa.
Các giải pháp về nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa, hạn chế thương mại hóa sản phẩm văn hóa và nâng cao ý thức của du khách cũng cần được áp dụng kịp thời để giảm thiểu những tác động tiêu cực, tạo ra môi trường du lịch bền vững và hài hòa”, bà Sương nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, các dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi đang có nhiều cơ hội để lựa chọn các giá trị văn hóa cho mình nhằm phù hợp với điều kiện sống mới, đó cũng là nguyên nhân khiến một số giá trị văn hóa bị mai một, biến đổi.
Chính vì vậy, việc nhận diện những vấn đề về biến đổi văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, xác định rõ giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển du lịch, những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi đáp ứng với thực tiễn hội nhập của đất nước hiện nay là hết sức cần thiết.
Tuy nhiên cũng cần khẳng định, du lịch và văn hóa là hai ngành độc lập song luôn có mối quan hệ tương hỗ mật thiết, trong đó du lịch là ngành kinh tế và văn hóa là ngành xã hội.
Để có thể phát huy được những tác động tích cực của hoạt động du lịch đối với phát triển văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản nói riêng, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành thông qua việc lồng ghép các chiến lược phát triển ngành; lồng ghép giữa quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di sản với quy hoạch phát triển du lịch.
Hội thảo lần này có giá trị và ý nghĩa thiết thực trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Đặc biệt là khai thác các giá trị tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Ca Dong gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phục vụ phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Ngãi.
Đồng thời, khẳng định giá trị của văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, kiến nghị với cơ quan chức năng các giải pháp nhằm bảo tồn những nét văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc để góp phần triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.