Tiềm năng từ các sản phẩm đặc thù vùng cao nguyên đá
VHO - Chương trình "Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025" được Hà Giang xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn.Việc phát triển các loại hình du lịch cộng đồng tại vùng dân tộc thiểu số không những giúp Hà Giang bảo tồn các nét văn hóa và các làng nghề truyền thống của đồng bào, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương khi bán các sản phẩm làng nghề.
Tại huyện Yên Minh, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, từ tháng 3/2018 đến nay, huyện Yên Minh đã có 19 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm OCOP của Yên Minh đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy quá trình phát triển du lịch của địa phương.Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Yên Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy của các cấp, các ngành, các cấp chính quyền và đông đảo quần chúng nhân dân.Bên cạnh đó, huyện đã ban hành kế hoạch và danh mục phát triển các sản phẩm OCOP đối với từng vùng sinh thái cụ thể. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP phục vụ cho phát triển du lịch, huyện đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP chủ yếu của huyện Yên Minh đạt tiêu chuẩn từ 3 - 4 sao cấp tỉnh như: Hồng không hạt Na Khê, mật ong bạc hà Phúc Hưng, thảo quả, thịt bò khô, chè Shan tuyết, rượu ngô men lá….Các sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Yên Minh được gắn liền với các sản phẩm du lịch của huyện và là sản phẩm du lịch của tỉnh. Nhờ đó, trong những năm qua, các sản phẩm OCOP của Yên Minh đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên vùng cao nguyên đá.
Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh cũng góp phần tiêu thụ và thúc đẩy quá trình phát triển các sản phẩm OCOP của huyện Yên Minh. Vì vậy, trong những năm qua, thu nhập của người dân huyện Yên Minh trực tiếp sản xuất ra sản phẩm cũng không ngừng được nâng lên. Đó cũng chính là nền tảng quan trọng giúp huyện xây dựng thành công nông thôn mới trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện đã đẩy mạnh thực hiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Nhờ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đây cũng chính là một trong các chủ trương lớn trong xây dựng nông thôn mới và mở rộng phát triển du lịch gắn với công tác giảm nghèo bền vững của địa phương.
Do đặc thù về thời tiết khí hậu và nông hóa thổ nhưỡng đã tạo cho Yên Minh một loài cây ăn quả đặc thù được mọi người tiêu dùng và du khách ưa chuộng, đó là giống hồng không hạt Na Khê. Loài cây ăn quả này của Yên Minh đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Vì vậy trong những năm qua, nhất là từ khi được công nhận là đặc sản của địa phương và là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, cây hồng không hạt Na Khê luôn được huyện quan tâm quy hoạch phát triển, mở rộng diện tích và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng.
Còn có sản phẩm mật ong bạc hà do cây hoa bạc hà tự sinh trưởng tự nhiên từ tháng 10 đến tháng 2 dương lịch của năm sau. Đây chính là điều kiện giúp huyện đẩy mạnh phát triển nuôi ong mật bạc hà. Trong niên vụ mật ong bạc hà 2022 – 2023, toàn huyện Yên Minh đã phát triển được 7.624 đàn ong của 5 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác, nhóm sở thích và trên 200 hộ nuôi ong. Cũng trong niên vụ 2022 – 2023, huyện Yên Minh đã tiêu thụ được trên 15.600 lít mật ong bạc hà với tổng giá trị đạt khoảng 6 tỷ 240 triệu đồng. Ngoài ra vì đặc thù là một huyện vùng cao núi đá, nguồn đất canh tác bị hạn chế nên Yên Minh đã xác định phát triển chăn nuôi gia súc, chủ yếu là phát triển chăn nuôi bò, ngựa, dê… theo hướng hàng hóa trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Thịt khô bò vàng của Yên Minh là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh của Hà Giang.
Các sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang đều phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng được thị trường và du khách đón nhận, bước đầu tạo được uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang cũng chỉ mới phát triển với số lượng còn hạn chế, chưa có sự kết nối giữa các tour du lịch với các vùng sản xuất...
Vì vậy, để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đặc thù phục vụ cho công tác du lịch, tỉnh Hà Giang đã xây dựng các chính sách nhằm phát triển và nâng cao chất lượng của các sản phẩm OCOP đặc thù như đầu tư khoa học kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX mở rộng qui mô sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang cũng xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của địa phương đi đôi với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.
Ngoài ra, tỉnh Hà Giang cũng đề ra chủ trương mở rộng hình thức phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, gắn các tour du lịch với việc tham quan của khách du lịch đối với các làng nghề truyền thống và các vùng sản xuất các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh. Điều đó, ngoài tạo nên sự hấp dẫn thu hút đối với khách du lịch còn là nền tảng để giúp các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh ngày càng được mở rộng và phát triển.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Trong những năm qua, các sản phẩm OCOP đặc thù đã góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng góp phần phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa. Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề phục vụ cho du lịch thì các sản phẩm OCOP phải đảm bảo an toàn, có thương hiệu và nhãn mác.
Bên cạnh đó, cần gắn việc phát triển các sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề với công tác đào tạo của các trung tâm dạy nghề tại các huyện, thành phố. Ngoài ra, các huyện thành phố cũng cần xây dựng kế hoạch nhằm phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đặc thù của địa phương mình nhằm phục vụ cho công tác du lịch...
* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
MINH NGỌC