Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam:

Sẽ là “cú hích” để phát triển du lịch

NGUYỄN ANH

VHO - Đánh giá đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình quan trọng và rất cần thiết, Bộ Chính trị đã họp vào trung tuần tháng 9 cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Sẽ là “cú hích” để phát triển du lịch - ảnh 1
Khách du lịch đi tàu cao tốc Trung Quốc

Sau khi nghe Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận sự quan trọng và cần thiết của công trình này đối với sự phát triển đất nước.

 Công trình có tính biểu tượng

Mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững.

Công trình cũng sẽ tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.

Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao cũng nhằm tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng; tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics. Tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.

Phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bộ Chính trị thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cuối tháng 9, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 441/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Báo cáo rõ cơ sở lựa chọn tốc độ thiết kế 350km/h đường sắt tốc độ cao gắn với công nghệ cao, hiện đại… và giải trình rõ hơn lý do tại sao không lựa chọn tốc độ thiết kế 250km/h. Phó Thủ tướng yêu cầu, việc đánh giá hiệu quả kinh tế của Dự án cần xem xét hiệu quả tổng thể của nền kinh tế khi có đường sắt tốc độ cao và đánh giá hiệu quả vận hành khai thác dự án đường sắt tốc độ cao.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Việc đầu tư đường sắt tốc độ cao sẽ là “cú hích” cho phát triển kinh tế trên các khía cạnh, trong đó có phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; tạo sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Cơ hội mới cho ngành Du lịch

Nếu được Quốc hội thông qua, đưa vào xây dựng, khai thác, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ kích thích tăng trưởng GDP và công nghiệp phụ trợ trong đó có ngành “công nghiệp không khói”. Đặc biệt với giá vé hợp lý có thể tạo ra xu hướng mới khi đi du lịch xa bằng đường sắt tốc độ cao thay vì hàng không như hiện nay.

Ông Nguyễn Hà Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam nếu được xây dựng và khai thác chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế vùng miền trên cả nước”.

Trục đường sắt Bắc - Nam là huyết mạch giao thông quan trọng nối liền hai khu vực phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Hệ thống đường sắt Bắc - Nam truyền thống hiện nay đã lạc hậu, vận tốc thấp và không đáp ứng được nhu cầu di chuyển ngày càng tăng cao của người dân.

Do đó, việc xây dựng một tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ không chỉ cải thiện thời gian di chuyển mà còn giúp giảm tải cho các phương tiện giao thông khác như đường bộ và hàng không, tạo động lực cho sự phát triển đồng đều của các vùng miền trên cả nước.

Bộ GTVT đề xuất phương án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tốc độ thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách (có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết). Chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa.

Tổng mức đầu tư khoảng 65-70 tỉ USD. Dự kiến, dự án sẽ được trình cấp có thẩm quyền thông qua và phấn đấu khởi công đầu tư trước năm 2030, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trước năm 2040.

Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã đề xuất tập trung nguồn lực khởi công dự án thành phần Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang với tổng chiều dài khoảng 642km vào khoảng cuối năm 2027. Khởi công đoạn Vinh - Nha Trang (dài khoảng 899km) trước năm 2030, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Tuyến đường sắt này dự kiến sẽ kết nối các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, và TP.HCM, đồng thời đi qua nhiều tỉnh thành khác có tiềm năng phát triển du lịch như: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Thuận.

Ông Nguyễn Hà Hải đánh giá, sự liên kết này sẽ tạo ra một hành lang phát triển kinh tế mạnh mẽ, trong đó du lịch sẽ là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất. Với sự thuận tiện trong di chuyển, khách du lịch sẽ có thêm động lực để khám phá những điểm đến mới, những khu vực du lịch tiềm năng nhưng còn chưa được khai thác triệt để.

“Với việc di chuyển nhanh chóng và thuận tiện, từ Hà Nội vào TP.HCM mất khoảng 5-6 giờ, so với 30-35 giờ như hiện nay. Sự thay đổi này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang đến trải nghiệm thoải mái hơn cho du khách.

Người dân sẽ có nhiều cơ hội khám phá các vùng miền khác nhau trong nước, từ đó thúc đẩy du lịch nội địa. Bên cạnh đó, tuyến đường sắt tốc độ cao có thể thu hút du khách quốc tế, đặc biệt là những người muốn khám phá nhiều địa điểm trong thời gian ngắn. Điều này có thể giúp du khách dễ dàng tiếp cận các điểm đến và làm tăng doanh thu cho ngành Du lịch”, ông Nguyễn Hà Hải phân tích thêm.

Sẽ là “cú hích” để phát triển du lịch - ảnh 2
Tàu cao tốc Shikansen Nhật Bản

Sự gia tăng lượng khách du lịch từ việc sử dụng đường sắt tốc độ cao sẽ tạo cơ hội cho các dịch vụ liên quan như khách sạn, nhà hàng, tour du lịch và các hoạt động giải trí phát triển mạnh mẽ hơn.

Đồng thời, việc di chuyển dễ dàng và thuận tiện hơn cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các mô hình du lịch kết hợp công việc (bleisure), du lịch nghỉ dưỡng dài ngày và du lịch trải nghiệm. Các công ty du lịch có thể thiết kế các tour du lịch mới, kết hợp nhiều điểm đến trong một hành trình ngắn, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch. Từ đó, khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Du lịch Xanh Việt Nam cho rằng, năng lực vận tải của đường sắt lớn, vận chuyển được đông số lượng hành khách. Vì thế, giao thông đường sắt cao tốc sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển, đi lại của hành khách.

Nếu dự án đường sắt tốc độ cao được xây dựng và đưa vào sử dụng sẽ là bước ngoặt để thúc đẩy phát triển du lịch ở Việt Nam. Theo ông Thắng, phương tiện giao thông đường sắt cao tốc thường sử dụng năng lượng điện, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải nhà kính sẽ góp phần bảo vệ môi trường, dễ dàng đầu tư nhằm đa dạng tiện nghi trên phương tiện góp phần làm cho sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thách thức về bảo vệ môi trường, việc phát triển du lịch bền vững ngày càng trở nên quan trọng. Tuyến đường sắt tốc độ cao có thể là một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy du lịch xanh tại Việt Nam.

Các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cũng sẽ được khuyến khích phát triển dọc theo các tuyến đường sắt, mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách và đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

“Giá vận chuyển hành khách bằng đường sắt cao tốc cũng sẽ tạo ra sức cạnh tranh với các phương tiện vận chuyển khác, thúc đẩy phát triển điểm đến du lịch. Nếu như trước đây, chi phí di chuyển bằng máy bay giữa các thành phố lớn, các tuyến đường xa có thể là trở ngại, thì việc đi tàu cao tốc sẽ trở thành một giải pháp kinh tế hơn, mang lại trải nghiệm du lịch mới lạ và thú vị.

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác du lịch giữa các địa phương có đường sắt cao tốc đi qua, tạo ra mạng lưới dịch vụ du lịch đa dạng”, ông Phùng Quang Thắng nhận định.

Tần suất các chuyến tàu cao tốc dễ dàng điều chỉnh theo mùa, đợt cao điểm… sẽ giúp khách linh hoạt lựa chọn, giúp nhà quản lý điểm đến điều tiết luồng khách dễ dàng hơn.

Những người làm du lịch cũng kỳ vọng, khi đường sắt cao tốc được đưa vào hoạt động sẽ thúc đẩy sự di chuyển của hành khách đi đến các địa điểm khác nhau, góp phần thu hút sự đầu tư mạnh mẽ vào ngành Du lịch, hạ tầng và các dịch vụ đi kèm. Đường sắt tốc độ cao cũng sẽ tạo ra nhiều vị trí việc làm khác nhau, tạo thêm nhiều việc làm trong ngành Du lịch từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.

Bài học từ nước ngoài

Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế, giao thông đột phá. Chỉ trong 15 năm, Trung Quốc đã xây dựng hơn 46.000km, chiếm hơn 70% tổng chiều dài đường sắt tốc độ cao của thế giới.

Trong đó, đường sắt cao tốc với tốc độ 300-350 km/h là 20.000 km, chiếm 43% tổng chiều dài đường sắt thế giới; đường sắt cao tốc với tốc độ 200-250 km/giờ là 26.000 km, chiếm 57% tổng chiều dài đường sắt thế giới.

Sau khi đưa tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải dài 1.318km, tốc độ 380 km/h, trị giá 33 tỉ USD vào khai thác (năm 2011), có khoảng 1,7 tỉ lượt khách ở Trung Quốc đi lại trên tuyến này, tạo ra hơn 850 triệu cơ hội việc làm.

Giá trị đất đai khu vực các dự án tăng lên đến 13%, nhất là các khu vực lân cận ga. Khách du lịch đến điểm tham quan nổi tiếng tăng hơn 2,5 lần. Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc cũng có tốc độ vận hành thương mại nhanh nhất thế giới. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được tốc độ vận hành thương mại đường sắt cao tốc 350 km/h.

Các tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải, Bắc Kinh - Thiên Tân, Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu và các tuyến khác đã đạt tốc độ tối đa 350 km/h. Mức độ phủ mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc cũng cao nhất trên thế giới, độ phủ 96% các thành phố có dân số hơn 500.000 người trên khắp cả nước.

Từ năm 2012, ngành đường sắt Trung Quốc đã chi gần 1.000 tỉ nhân dân tệ (hơn 141 tỉ USD) để đảm bảo sản xuất an toàn. Ngành đường sắt nước này sử dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến để cảnh báo sớm động đất, phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai… đảm bảo sự vận hành ổn định, liên tục, an toàn đường sắt.

Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của nước này. Lợi ích thứ nhất là mạng lưới đường sắt cao tốc rút ngắn đáng kể khoảng cách thời gian và không gian, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt cao tốc tăng cường kết nối liên khu vực và thúc đẩy phát triển hài hòa giữa các khu vực. Đường sắt cao tốc đã tăng cường trao đổi giữa các khu vực phía Đông, Tây và Đông Bắc, thúc đẩy hiệu quả sự phát triển hội nhập của các khu vực của Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, đồng bằng sông Trường Giang, Quảng Đông - Hồng Kông (Trung Quốc) - Ma Cau (Trung Quốc) và các khu vực khác, tăng cường kết nối giữa các khu vực đô thị, thúc đẩy hội nhập đô thị và nông thôn, thúc đẩy hiệu quả sự phát triển đồng bộ của kinh tế và xã hội khu vực.

Mạng lưới đường sắt cao tốc thúc đẩy sự phát triển các ngành nghề dọc theo tuyến đường, sự phát triển của nền kinh tế du lịch và sinh ra các ngành nghề mới và mô hình mới “đường sắt cao tốc và du lịch”. Lượng khách tới Trương Gia Giới, Phượng Hoàng Cổ Trấn, Cửu Trại Câu, Tô Châu, Côn Minh… tăng lên nhanh chóng từ khi tuyến đường sắt cao tốc đi qua.

Trong khi đó, với tỉ lệ đúng giờ 99,9%, an toàn và thân thiện môi trường, đường sắt tốc độ cao đã đóng góp to lớn vào sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản thông qua phân bố lại các đô thị, dân cư, giao thông thuận tiện, đem lại việc làm và phát triển kinh tế.

Còn Tây Ban Nha, quốc gia có số km đường sắt tốc độ cao đứng thứ nhất châu Âu và thứ hai thế giới với gần 4.000 km. Tốc độ khai thác từ 250-320 km/h đã giúp giảm trung bình 27% thời gian đi lại giữa các vùng trong đất nước Tây Ban Nha. 

 Sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo: Việc phát triển đường sắt tốc độ cao phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, độc lập tự chủ để hình thành một ngành công nghiệp đường sắt nói chung, gồm đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia. Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nỗ lực, chủ động phối hợp chặt chẽ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, công việc cần thiết để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định.

Bộ GTVT khẩn trương bổ sung hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ KH&ĐT để phục vụ công tác thẩm định, trong đó lưu ý, rà soát cơ sở khoa học, thực tiễn, các vấn đề nêu trên, làm rõ, báo cáo cụ thể về các cơ chế, chính sách đặc thù để trình Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT được giao chỉ đạo Hội đồng thẩm định Nhà nước triển khai, hoàn tất việc thẩm định theo quy định, trên cơ sở đó hoàn thiện Báo cáo trình Chính phủ trước ngày 5.10. Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT chủ động gửi Hồ sơ xin ý kiến và mời các cơ quan của Quốc hội cùng tham gia trong quá trình thẩm định, hoàn thiện Hồ sơ Dự án.

Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa vào thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2024 vào ngày 7.10 để xem xét thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì, tiếp thu các ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện Báo cáo; thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư Dự án.

(Còn tiếp)