Quảng Ngãi thiếu điểm nghỉ dưỡng xứng tầm
VHO - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chưa có khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp, đạt tiêu chuẩn 5 sao để phục vụ khách quốc tế và du khách có khả năng chi tiêu cao, đặc biệt thiếu khách sạn hạng 4 - 5 sao.
Tại huyện đảo Lý Sơn là địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh, hiện có khoảng hơn 100 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 buồng nhưng chỉ có 1 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn tương đương 3 sao và 24 khách sạn đủ điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch.
Hay như tại biển Mỹ Khê mặc dù đã được định hướng, quy hoạch phát triển thành khu du lịch quốc gia, nhưng đến nay hoạt động đầu tư gặp nhiều khó khăn, sản phẩm du lịch thực tế còn đơn điệu, chưa có khu nghỉ dưỡng, khách sạn đạt chuẩn 3 - 5 sao, thiếu dịch vụ vui chơi giải trí, nhà hàng, đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, các bãi biển khác trên địa bàn tỉnh chưa được định hướng đầu tư, khai thác phát triển hợp lý, đa số là hoạt động du lịch tự phát, phục vụ khách nội tỉnh và khách nội vùng, chưa thu hút được khách quốc tế.
Toàn tỉnh có khoảng 390 cơ sở lưu trú, với khoảng 4.950 buồng, trong đó có 4 khách sạn 4 sao và tương đương, 8 khách sạn 3 sao. Hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, các khách sạn được xếp hạng sao chiếm tỷ lệ rất thấp. Theo thống kê, vào mùa cao điểm du lịch, các dịp lễ, Tết, công suất buồng đạt khoảng 60%.
Hiện Quảng Ngãi chưa có khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp, đạt tiêu chuẩn 5 sao để phục vụ khách quốc tế và du khách có khả năng chi tiêu cao, đặc biệt thiếu khách sạn hạng 4 - 5 sao. Một số cơ sở chưa chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiếu chuyên nghiệp trong thiết kế, bài trí, trang thiết bị thiếu đồng bộ, đơn điệu và xuống cấp, thiếu các dịch vụ bổ trợ như nhà hàng, quầy bar, bể bơi... nên chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách.
Theo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2022 đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện các dự án du lịch có quy mô lớn tại Quảng Ngãi như: công viên Quảng trường biển kết hợp khu đô thị - dịch vụ sinh thái TP Quảng Ngãi, dự án Khu đô thị sinh thái Coastal Quảng Ngãi, Khu đô thị sinh thái Đông Quảng Ngãi, Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Nam và Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất - phía Bắc (các dự án này đều có hạng mục lưu trú)..., dự án khách sạn 5 sao, chuỗi nhà hàng tiệc cưới tổ chức sự kiện, văn phòng điều hành dịch vụ du lịch, bãi đậu ô tô điện đưa đón khách tham quan du lịch tại xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi…
Thế nhưng, theo Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tiến Dũng, một số nhà đầu tư dù đề xuất dự án đầu tư phải tạm dừng vì không thể tiếp cận đất đai; một số khác dự án triển khai chậm, cầm chừng do năng lực tài chính không đảm bảo, không phù hợp với quy hoạch…
Từ đó, dẫn đến hạ tầng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện, hoạt động có quy mô lớn và mang tầm quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với lĩnh vực này.
Cũng theo ông Dũng, việc phát triển hạ tầng lưu trú đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, góp phần quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Quảng Ngãi trong tương lai.
Để nâng cao số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú trong thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển hạ tầng lưu trú trên địa bàn tỉnh.
Thu hút đầu tư phát triển các dự án tổ hợp cơ sở lưu trú cao cấp, có thương hiệu quốc tế, nhất là các khách sạn 3-5 sao tại các địa bàn trọng điểm du lịch, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và có khả năng tổ chức chương trình hoạt động, hội thảo có quy mô lớn, mang tầm quốc gia.
“Cấp có thẩm quyền có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư phát triển cơ sở lưu trú được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế, tiền sử dụng đất… Đồng thời, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng và hạ tầng lưu trú du lịch”, ông Dũng đề xuất.