Phú Yên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

CẨM TÚ, ảnh BTC

VHO - Ngày 15.10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đại Dương chủ trì Hội nghị.

Phú Yên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - ảnh 1
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Đại Dương chủ trì Hội nghị

Thay đổi nhận thức về phát triển du lịch

Hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên gắn với tổng kết Chương trình hành động 09-Ctr/TU ngày 18.8.2021 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Hội nghị cũng cho ý kiến dự thảo Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Ngành Du lịch Phú Yên đạt nhiều kết quả nổi bật trong triển khai Chương trình hành động 09-CTr/TU

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo tóm tắt tổng kết Chương trình hành động 09-CTr/TU của Tỉnh ủy; Đề án phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động 09-CTr/TU, công tác quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phú Yên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - ảnh 2
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu tại Hội nghị

Nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân và các doanh nghiệp về yêu cầu và tầm quan trọng trong việc phát triển ngành Du lịch của tỉnh đã nâng cao một bước.

Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch được chú trọng; cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch có bước phát triển, chất lượng phục vụ được nâng cao; dịch vụ vận tải đưa đón khách bước đầu đáp ứng được nhu cầu đi lại của du khách.

Các nhà đầu tư dần quan tâm tìm hiểu và đăng ký nhiều dự án du lịch có quy mô trên địa bàn tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đảm bảo quốc phòng an ninh được triển khai thực hiện tốt.

Chương trình hành động của Tỉnh ủy Phú Yên về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng được triển khai thực hiện hiệu quả.

Phú Yên cũng tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chính sách cải thiện, nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến du lịch nhằm góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Thúc đẩy thu hút đầu tư các sản phẩm du lịch chủ lực và một số khu vực trọng điểm du lịch của tỉnh; hỗ trợ cung cấp thông tin và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính có liên quan nhằm kêu gọi và thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Phú Yên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - ảnh 3
Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội nghị

Khai thác sản phẩm thế mạnh

Với tiềm năng, lợi thế hiện có, tỉnh Phú Yên đang tập trung khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh như: Du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, phát triển các tour, tuyến tham quan biển đảo; du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch văn hóa ẩm thực.

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh được tăng cường, đẩy mạnh, giúp lan tỏa sâu rộng hình ảnh các điểm đến, bản sắc văn hóa và con người Phú Yên đến với cộng đồng trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch.

Các chương trình hợp tác, liên kết giữa Phú Yên và các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Ký kết với các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận; chương trình chung 6 tỉnh Bình Định - Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum - Phú Yên và Quảng Ngãi.

Phối hợp xây dựng sản phẩm du lịch “Tour một hành trình ba điểm đến Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa”… tiếp tục mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo bước phát triển tích cực. Công tác ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số được đẩy mạnh phục vụ công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch, quản lý hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch, môi trường du lịch.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến Phú Yên đạt hơn 3,1 triệu lượt, gấp khoảng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 6.000 tỉ đồng, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: “Phát triển du lịch không chỉ là trách nhiệm của ngành Du lịch mà còn là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội”.

Đồng thời cho rằng, cần phải có một cách tiếp cận toàn diện, huy động tối đa nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để phát triển ngành Du lịch bền vững, hiệu quả.

Phú Yên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - ảnh 4
Xứ hoa vàng cỏ xanh thu hút nhiều du khách những năm gần đây

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương đề nghị, thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý và phát triển du lịch, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức, thực hiện các nội dung theo Chương trình hành động 09-CTr/TU.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển du lịch, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên với những nét khác biệt, đặc trưng; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Tại hội nghị, các chuyên gia, lãnh đạo các ban, ngành, địa phương, đơn vị đã tham luận về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên về nông nghiệp, làng nghề, cảnh quan nông thôn để phát triển sản phẩm du lịch.

Tỉnh cũng cần có giải pháp bảo vệ giá trị cảnh quan thiên nhiên khi phát triển Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; phát triển sản phẩm du lịch đặc thù góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến tỉnh Phú Yên.

Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến, đánh giá về tình hình đầu tư phát triển du lịch tỉnh Phú Yên thời gian qua và đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh trong thời gian tới.

Phú Yên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - ảnh 5
Phú Yên xác định đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu ghi nhận những kết quả tích cực của du lịch Phú Yên trong thời gian qua.

Ông Hà Văn Siêu cho rằng, nhận thức về du lịch được cải thiện rõ rệt thông qua thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy; công tác quản lý cùng với các cơ chế, chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.

Hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Quy hoạch đầu tư phát triển du lịch được tập trung; quy mô, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng cao với nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp; các hoạt động du lịch trải nghiệm phong phú…

Quy hoạch, đầu tư được đẩy mạnh, cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, nhận thức về du lịch cải thiện rõ rệt, thương hiệu du lịch Phú Yên đã được hình thành. Phú Yên được biết đến nhiều hơn với ấn tượng là “vùng đất hoa vàng trên cỏ xanh”, một điểm đến mới nổi đang là lựa chọn ưu tiên của khách du lịch.

Có thể thấy, du lịch đang đóng góp ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Phú Yên. Không chỉ thể hiện ở các con số về lượng khách, tổng thu du lịch, tạo việc làm mà nhìn lại cả quá trình, hoạt động du lịch ở Phú Yên đã dần đi vào tiềm thức xã hội.

Du lịch vừa đóng góp vào phát triển kinh tế của tỉnh, vừa đang từng bước khơi dậy sự tự hào của người dân về một điểm đến được du khách yêu thích.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định những thành tựu mà ngành Du lịch Phú Yên đã đạt được thời gian qua có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đối với Chương trình hành động 09-CTr/TU.

Đồng thời, ngành Du lịch Phú Yên đã nắm bắt đúng và trúng, bám sát chủ trương, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18.5.2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Trên cơ sở dự thảo chương trình hành động giai đoạn tới, bám sát chủ trương, tinh thần chỉ đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như đánh giá đúng và thích ứng với những xu hướng mới của du lịch trong nước và quốc tế, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị, tỉnh Phú Yên cần tiếp tục đổi mới thể chế và nâng cao nhận thức về phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, thực hiện theo định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó coi chất lượng trải nghiệm của du khách là trung tâm.

Phú Yên phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn - ảnh 6
Thu hút các dự án đầu tư du lịch lớn

Đánh giá tính cân đối, bền vững và hiệu quả của các dự án đầu tư phát triển; đầu tư vào phần mềm như: ứng dụng công nghệ; xúc tiến quảng bá, tiếp cận thị trường, đào tạo nhân lực.

Cùng với đó, xây dựng mô hình sản phẩm du lịch với đặc trưng riêng có của tỉnh hướng tới giá trị chân thực; phát triển du lịch xanh, du lịch chất lượng, du lịch sinh thái, hướng đến sức khỏe con người.

Tập trung vào các dự án hạ tầng mang tính khơi mở và xây dựng cơ chế chính sách; tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư; ưu tiên các dự án xanh, bền vững, phát huy được văn hóa bản địa. Thực hiện các dự án có tính chất chìa khóa như: hạ tầng, công nghệ, phát triển nhân lực và hỗ trợ cộng đồng.

Thực hiện đồng bộ tương thích giữa phát triển sản phẩm với quảng bá điểm đến, phát triển sản phẩm của doanh nghiệp phải gắn với quảng bá điểm đến của tỉnh.

Xây dựng lộ trình để sân bay Phú Yên kết nối với các sân bay quốc tế. Nghiên cứu hình thành sự kiện mang tầm vóc thương hiệu quốc gia, quốc tế gắn với đặc trưng của tỉnh như: Lễ hội Cá ngừ đại dương Phú Yên…