Quy hoạch tỉnh Phú Yên: Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
VHO - Chiều 26.2, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức họp báo công bố Hội nghị Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024 và một số nội dung chủ yếu về Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển dựa trên đặc trưng khác biệt của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để tạo nền tảng bứt phá
Theo đó, Hội nghị công bố Quy hoạch sẽ diễn ra vào ngày 3.3 tại thành phố Tuy Hòa và sẽ đề cập đến một số định hướng, giải pháp, biện pháp, nhiệm vụ trọng tâm đột phá, phát triển Phú Yên tầm nhìn đến 2050; đồng thời, xúc tiến, kêu gọi đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024 và tại hội nghị này, tỉnh dự kiến sẽ trao biên bản chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án; biên bản chấp thuận điều chỉnh cho 9 dự án; biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư cho 8 dự án; ngoài ra, tỉnh cũng sẽ giới thiệu những tiềm năng, lợi thế của mình và công bố 67 dự án ưu tiên đầu tư để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Trước đó vào ngày 30.12.2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với đường lối, chủ trương, định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu, định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Chương trình phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030. Bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phát triển.
Phát triển dựa trên đặc trưng khác biệt của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để tạo nền tảng bứt phá, ưu tiên; đánh giá phân tích những đặc trưng khác biệt, tìm ra những lợi thế tự nhiên và văn hóa của tỉnh so với các tỉnh khác trong vùng duyên hải Trung Bộ.
Văn hóa đặc trưng cũng là điểm thu hút du khách đến với vùng đất "Hoa vàng trên cỏ xanh"
Xác định các ngành sản phẩm, đặc trưng, khác biệt, có giá trị kinh tế cao và có khả năng cạnh tranh về kinh tế biển, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển đột phá vùng ven biển; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi, vùng phía đông và phía tây; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa vùng động lực và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạnh phúc của Nhân dân, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo môi trường sống an toàn, nhân văn; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, di sản truyền thống, lịch sử…
Gành đá đĩa - điểm du lịch độc đáo của Phú Yên
Trong đó, phát triển du lịch tỉnh Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa; lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt, cùng với du lịch MICE, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh; kết hợp thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, khu đô thị. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh tham thắng cảnh,...
Thành lập Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, di sản văn hóa và các danh tham thắng cảnh...
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển hiện đại và bền vững, kinh tế phát triển từ lợi thế biển với các ngành công nghiệp; du lịch dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận tải biển và logistics; kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại; thực hiện thành công chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 8,5-9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 150-156 triệu đồng; tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 khoảng 95-98 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 190-200 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50%, đô thị phát triển theo hướng thông minh.
Đến năm 2030, Phú Yên sẽ có 18 đô thị; trong đó có TP Tuy Hòa là đô thị loại 1…
NAM PHONG