Phát triển du lịch nông thôn ở Sóc Trăng: Cần những quyết sách để bứt phá
VHO - Năm 2025 là năm cuối trong lộ trình thực hiện Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2025, và cũng là năm bản lề để hướng đến năm 2030. Vì vậy, năm 2025 du lịch tỉnh Sóc Trăng, trong đó có du lịch vùng nông thôn cần sự đầu tư mạnh mẽ để làm bước đệm cho sự phát triển, bứt phá ở những năm tiếp theo.
Tỉnh Sóc Trăng nằm trong khu vực ĐBSCL, tiếp giáp biển Đông với bờ biển dài 72 km. Sóc Trăng có dòng sông Hậu chảy qua với 03 cửa sông lớn là Trần Đề, Định An và Mỹ Thanh, đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy.
Toàn tỉnh hiện có 5 tuyến Quốc lộ đi qua là quốc 1A, quốc lộ Nam Sông Hậu, quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp, quốc lộ 60 và quốc lộ 61B kết nối Sóc Trăng với các tỉnh trong và ngoài khu vực. Sóc Trăng chỉ cách Cần Thơ 62km (Trung tâm ĐBSCL, có sân bay quốc tế Cần Thơ). Điều kiện đó cho thấy Sóc Trăng kết nối thuận lợi với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước. Trong đó kết nối để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch vùng nông thôn.
Những năm qua Sóc Trăng đã bước đầu hình thành 3 cụm du lịch cộng đồng gồm: Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, cồn Phong Nẫm (huyện Kế Sách) gắn liền với loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đậm chất Tây Nam Bộ; Cụm du lịch cộng đồng Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung) gắn liền với loại hình du lịch xanh khám phá thiên nhiên, lịch sử và Cụm du lịch cộng đồng xã Hưng Phú (huyện Mỹ Tú) gắn liền với không gian văn hóa thuần chất Nam Bộ.
Nhiều mô hình du lịch cộng đồng được hình thành và hấp dẫn, thu hút du khách, đặc biệt là khách nước ngoài bằng vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng của miền sông nước, bằng sự khám văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, bằng sự chào đón, phục vụ nhiệt tình cũng như tình cảm chân tình, mộc mạc, vui vẻ của đồng bào Sóc Trăng...
Trong đó phải kể đến mô hình du lịch sinh thái homestay Chợ nổi Ngã Năm (huyện Mỹ Tú), được xây dựng từ năm 2019, vượt qua đại dịch Covid – 19 và bắt đầu đón khách từ năm 2022; trong năm 2023- 2024 chỉ tiếp đón 400 – 500 khách từ 8 quốc gia trên thế giới. Nhưng từ cuối năm 2024, bà Nguyễn Thị Long Thủy, chủ homestay Chợ nổi Ngã Năm tiết lộ đã có 40 đoàn khách quốc tế đặt phòng cho năm 2025 báo hiệu một năm phục vụ du lịch bận rộn của gia đình.
Hay mô hình du lịch Sông quê của gia đình ông Hứa Văn Lến (huyện Kế Sách). Tận dụng ao cá, vườn cây trái cổ thụ, sum suê từ đời cha ông để lại, mang lại hàng tấn quả mỗi năm, ông đã đưa vào phục vụ du khách trong và ngoài nước. Trước đây, cứ đến mùa cây trái chín, gia đình ông lại mang ra chợ bán, thì nay, không đủ để phục vụ du khách tại vườn. Không chỉ có vươn cây, gia đình ông còn có ao cá, thuyền phục vụ du khách di chuyển ngắm cảnh trên sông...
Rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng khác đang dần phát triển tại các huyện của Sóc Trăng thu hút lượng khách không nhỏ đến với Sóc Trăng. Để đạt được những kết quả này, tỉnh Sóc Trăng và các huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân được đào tạo, tập huấn một cách bài về những kiến thức, kỹ năng phục vụ du lịch; tỉnh, huyện tổ chức nhiều đoàn khảo sát, các chương trình xúc tiến du lịch để kết nối các doanh nghiệp, đưa du khách đến với địa phương, ….
Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, sự phát triển không đồng bộ và chưa xứng tầm khiến du lịch nông thôn ở Sóc Trăng khó có thể phát triển mạnh nếu không có những chính sách bứt phá.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Long Thủy, homestay của bà đang có 1 phòng cộng đồng có sức chứa 20 người, nhưng không có phòng nhỏ hơn cho những du khách đòi hỏi sự riêng tư. Hiện bà chưa dám bỏ tiền để đầu tư thêm vì lượng khách còn ít, chưa đảm bảo tính bền vững.
Còn gia đình ông Hứa Văn Lến đang tự bỏ tiền để xây thêm 1 khu nhà để tiếp khách. Hiện gia đình cũng không có phòng phục vụ khách lưu trú và quanh khu vực của xã cũng không có, cũng không có khu vui chơi để phục vụ du khách. Ông mong muốn huyện, tỉnh có những chính sách vay vốn để những người làm du lịch như ông có thể tiếp cận và đầu tư, phát triển du lịch.
Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cũng nhận định: ”Phần lớn các hoạt động du lịch nông thôn hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa cao, chưa thực sự hấp dẫn du khách. Các dịch vụ được cung cấp còn đơn giản và chưa chuyên nghiệp. Người dân phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đa số quy mô hộ gia đình.
Do đó, phương thức kinh doanh, quy mô sản suất kinh doanh cũng như khả năng liên kết, kết nối tour tuyến và năng lực về tài chính còn nhiều hạn chế”, nên ngại đầu tư phát triển. Đồng thời, còn thiếu kinh nghiệm trong hướng dẫn, kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ du khách. Đặc biệt là kỹ năng hướng dẫn, thuyết minh nên chưa thật sự phục vụ tốt khách du lịch”.
Để có những hướng đi mới trong việc phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sóc Trăng đang nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.
Song song đó, việc thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường nông thôn, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch, phù hợp nhu cầu của khách du lịch. Từ đó, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa. Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm,… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch, tích cực góp phần trong việc xây dựng nông thôn mới.
Năm 2025 đã đến gần, phát triển du lịch đặc biệt là du lịch nông thôn thì không chỉ chờ đợi ở người nông dân mà cần có những quyết sách mạnh mẽ cùng sự phối hợp công – tư để du lịch Sóc Trăng cất cánh.
“Hằng năm Sở VHTTDL tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cuộc thi tay nghề nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường công tác thẩm định các chương trình, đề án, dự án, chính sách về phát triển du lịch; phân loại, xếp hạng, công nhận các cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch; triển khai các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài.
Xây dựng kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu hình ảnh du lịch Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài nước; tham mưu UBND tỉnh hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư du lịch từ các công ty có tiềm lực trong nước và quốc tế để đầu tư các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh”, ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng.