Ngỡ ngàng đàn cá tra 40 tuổi, cây măng cụt hơn trăm tuổi ở huyện Kế Sách

THẢO LAM

VHO - Thật thiêú sót khi du lịch miệt vườn tại huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) lại không ghé thăm vườn, ao thuộc dạng “hiếm có khó tìm” của ông Hứa Văn Lến (xã Phong Nẫm) với nhiều cây trái từ 80 – 100 tuổi, đàn cá 10 – 40 tuổi…

Huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng được biết đến là “thủ phủ” của nhiều loại trái cây ngon và đây cũng là vùng đất có sông ngòi chằng chịt. Từ lợi thế sẵn có là con sông Hậu ngang qua nhà và vườn cây ăn trái được trồng với đủ loại trái cây đặc sản, khoảng 3 năm trở lại đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Phong Nẫm đã phát triển loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, vui chơi, giải trí sau những ngày làm việc căng thẳng.

Ngỡ ngàng đàn cá tra 40 tuổi, cây măng cụt hơn trăm tuổi ở huyện Kế Sách - ảnh 1
Du khách trầm trồ, thích thú với cây măng cụt hơn trăm tuổi

Trong đó có mô hình Du lịch sông quê của gia đình ông Hứa Văn Lến (sinh năm 1967), toạ lạc trên diện tích đất 2 ha với nhiều loại cây cối. Vào mùa trái chín, gia đình ông tiếp đón hàng trăm khách mỗi ngày.

Điểm đặc biệt trong vườn cây trái nhà ông Lến là 4 cây măng cụt cổ thụ 101 tuổi, cây me 80 tuổi và đàn cá hơn 10 con tuổi cũng đến 40 năm. Ông Lến chia sẻ 4 cây măng cụt trong vườn được bà ngoại ông trồng từ những ngày về đây lập nghiệp vào khoảng năm 1923 - 1924. Ban đầu cụ bà trồng 8 cây, nhưng 4 cây bị bật gốc chết vì mưa bão, còn lại 4 cây sinh trưởng phát triển tốt cho đến ngày nay.

Bốn thân cây to, một vòng tay người lớn không ôm hết, trên ngọn có rất nhiều cành to vươn ra với đường kính của tán lá trên chục mét. Quả măng cụt từ 4 cây này ngon, đậm đà, vỏ mỏng hơn những cây khác. Mỗi năm, 4 cây mang lại khoảng 1 tấn quả, trước khi chưa làm du lịch thì gia đình ông mang ra chợ bán, từ ngày làm du lịch thì du khách về tận vườn mua, không đủ để bán.

Cách đó không xa là cây me ngọt tuổi đời cũng đến 80, cây rất cao, chu vi quanh gốc cây tới 4m. Không dày cùi như me ngọt của Thái Lan bán ngoài chợ, me cổ thụ cùi mỏng hơn, nhưng mùi thơm, vị ngọt nhưng vẫn mang vị chua. Mỗi năm cây cho từ 300 – 500 kg. Nhưng vì cây cao nên gia đình và du khách chỉ hái những quả ở dưới thấp.

Ngỡ ngàng đàn cá tra 40 tuổi, cây măng cụt hơn trăm tuổi ở huyện Kế Sách - ảnh 2
Ông Hứa Văn Lến và vườn cây cảnh trị giá hàng tỉ đồng

Một điểm đặc biệt nữa là đàn cá tra “cụ” được nuôi từ 40 năm trước. Ông Lến chia sẻ, đàn cá khoảng hơn 10 con, được bố mẹ vợ ông thả xuống ao nuôi. “Và từ đó đến nay gia đình mới ăn 1 con vào năm 2020, khi đó vì giãn cách xã hội trong dịch Covid – 19 nên không ra ngoài đi chợ được. Khi đặt con cá lên cân thì nó nặng 25 kg, những con còn lại dưới áo nếu cân lên cũng hơn rồi. Ngoài ra, khoảng 10 năm trước, gia đình tôi cũng thả thêm cá, hiện nay đã được hơn 10 kg/con”, ông Lến cho hay.

Ngoài những cây “cụ” vườn Du lịch sông quê còn trồng đa dạng các loại trái cây khác như: Chôm chôm, nhãn tím, nhãn xuồng cơm vàng, bòn bon, mít, sầu riêng… Thường các loại trái cây sẽ chín vào những tháng 4, 5 Âm lịch (dịp nghỉ hè của các em học sinh) nên thu hút rất nhiều phụ huynh và các cháu nhỏ đến vui chơi trong khu vườn cây ăn trái.

Giá vé dao động từ 50.000 đồng - 70.000 đồng/lượt (tùy thời điểm trái cây có nhiều loại hay ít loại), trẻ em dưới 10 tuổi miễn tiền vé. Khi vào tham quan vườn cây ăn trái, du khách tự do hái các loại trái cây mình thích để thưởng thức. Nếu du khách muốn dùng các món ăn dân dã đồng quê thì có thể gọi chủ vườn nấu theo yêu cầu, chỉ trong vòng 30 - 40 phút sẽ có món ăn nóng hổi đưa đến tận bàn cho khách thưởng thức.

Ngỡ ngàng đàn cá tra 40 tuổi, cây măng cụt hơn trăm tuổi ở huyện Kế Sách - ảnh 3
Con cá tra gần 40 tuổi nặng 25 kg được bắt lên trong mùa dịch Covid-19 (năm 2020)

Với địa thế kênh, ngòi xung quanh, sau khi vui chơi trong vườn cây ăn trái, du khách có thể thuê tàu du lịch của chủ vườn để di chuyển trên dòng sông Hậu ngắm sông, câu cá và ăn uống ngay trên tàu.

Ông Nguyễn Văn Khen - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm cho biết, cồn Phong Nẫm có không khí mát mẻ, trong lành bởi cồn được bao quanh bốn bề sông nước. Cùng với đó, toàn xã có trên 658 ha vườn cây ăn trái, trong đó các loại cây chủ lực như nhãn, vú sữa tím, xoài, măng cụt, mận An Phước. Phát huy lợi thế từ điều kiện tự nhiên, khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, loại hình du lịch sinh thái miệt vườn phát triển khá tốt trên địa bàn xã.

Tính đến thời điểm hiện tại có 4 điểm du lịch sinh thái miệt vườn đã chính thức hình thành tại xã, các điểm du lịch mở cửa đón tiếp khách vào tham quan các vườn cây ăn trái và cho khách thưởng thức trái cây tại vườn, có thu tiền vé vào cổng và kiêm luôn phục vụ các món ăn đồng quê theo yêu cầu của khách.

“Ngoài ra, còn có khoảng 7 vườn cây ăn trái khác của hộ dân đến mùa cây ra hoa, kết trái vẫn cho du khách vào tham quan, chụp ảnh miễn phí. Để nhân rộng loại hình du lịch trên, địa phương đã kiến nghị gửi đến ngành chuyên môn, có hướng hỗ trợ các nhà vườn đã triển khai thực hiện điểm du lịch sinh thái miệt vườn.

Đàn cá tra từ 10 - 40 tuổi của gia đình ông Hứa Văn Lến

Bên cạnh đó, địa phương cũng tuyên truyền, vận động hộ dân mở rộng loại hình du lịch trên nếu có điều kiện, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thương mai, dịch vụ trên địa bàn xã và giúp tăng thu nhập tại hộ”, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Nẫm thông tin.

Theo Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 xác định du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm là 1 trong 6 sản phẩm du lịch bổ sung. Cùng với những tiềm năng và lợi thế hiện có, trong tương lai không xa du lịch cồn Phong Nẫm sẽ vươn lên thành điểm du lịch cộng đồng nổi bật trong bản đồ du lịch của tỉnh Sóc Trăng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc