Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:

Phát huy sức mạnh của điện ảnh, tạo sức lan tỏa cho du lịch Việt Nam

ĐÌNH TOÁN - THU TRANG - NGỌC NHIÊN; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Phát biểu tại tọa đàm “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” diễn ra vào sáng nay 10.9 tại Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong 12 ngành công nghiệp văn hoá, Chính phủ đã xác định điện ảnh, du lịch văn hoá là 2 ngành trọng tâm. Sự liên kết giữa 2 ngành sẽ là cầu nối thúc đẩy sự phát triển.

Tọa đàm do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ VHTTDL, Báo Văn hóa tổ chức.

Đồng chủ trì tọa đàm có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.

Phát huy sức mạnh của điện ảnh, tạo sức lan tỏa cho du lịch Việt Nam - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại tọa đàm

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong, lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo UBND các tỉnh/ thành phố; lãnh đạo các đơn vị thuộc Báo Nhân Dân; đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên chi hội Lữ hành Việt Nam; Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA); các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch, điện ảnh…

Hướng đi đúng trong phát triển điện ảnh – du lịch

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, gắn kết điện ảnh – du lịch là hướng đi được Bộ VHTTDL, các địa phương tích cực triển khai trong thời gian qua. Năm 2023, Bộ VHTTDL đã cùng UBND tỉnh Khánh Hoà tổ chức Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh. Chương trình được tổ chức bài bản. Thông qua chương trình, các nhà làm phim đã ký kết hợp tác với chính quyền tỉnh Khánh Hoà để làm phim, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch của Nha Trang (Khánh Hoà); đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn với không chỉ du khách ở thị trường châu Âu.

Phát huy sức mạnh của điện ảnh, tạo sức lan tỏa cho du lịch Việt Nam - ảnh 2
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu

Tiếp đến năm 2024, sau thành công và kinh nghiệm của những lần tổ chức trước, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Chương trình Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt. Chương trình được tổ chức đã thu hút đông đảo du khách đến với Bình Định. Nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác được ký kết đã mở ra nhiều tiềm năng trong liên kết 2 ngành, tạo ra hiệu ứng lớn trong lĩnh vực du lịch.

Sắp tới, Bộ trưởng cho biết sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL sẽ cùng Bộ Ngoại giao, các cơ quan hữu quan… tổ chức Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Chương trình đang được gấp rút chuẩn bị để sớm tổ chức thực hiện.

Cùng với đó, Bộ trưởng tiếp tục dẫn chứng cụ thể từ hiệu ứng của hai bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhKong: Đảo đầu lâu. Những hình ảnh tuyệt đẹp trong hai tác phẩm điện ảnh được khai thác từ bối cảnh của Phú Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh đã tạo sức hút khó cưỡng.

Nhiều địa danh tiếp tục được khai thác, trở thành điểm đến hấp dẫn khi bộ phim được phát hành. Bộ phim Kong: Đảo đầu lâu quay tại Ninh Bình cũng đã giúp nơi đây trở thành điểm đến thu hút du khách. Gần đây, bộ phim Hành trình tình yêu của một du khách cũng đã đưa du khách khám phá những địa danh tươi đẹp của Việt Nam, những nét đẹp văn hóa trên dải đất hình chữ S.

Dẫn lại những kết quả và những công việc đã, đang làm, Bộ trưởng nêu rõ, hướng đi trong vấn đề liên kết giữa điện ảnh và du lịch là hướng đi đúng và là xu hướng tất yếu trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều dư địa nếu khai thác đúng cách. Cùng với đó, với sự vào cuộc mạnh mẽ của truyền thông, các bước đi sẽ bài bản, căn cơ, góp phần quảng bá hiệu quả điện ảnh, du lịch Việt Nam.

Phát huy sức mạnh của điện ảnh, tạo sức lan tỏa cho du lịch Việt Nam - ảnh 3
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong tại tọa đàm

Nhờ những nỗ lực, Bộ trưởng cho biết, báo cáo gần đây nhất mà Chính phủ trình Quốc hội đã khẳng định, du lịch là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những nỗ lực của toàn xã hội, trong đó có vai trò của cơ quan tham mưu quản lý nhà nước.

Có thể nói, du lịch Việt Nam đã phục hồi sau đại dịch. Năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt (vượt mục tiêu ban đầu 8 triệu lượt). Khách du lịch nội địa cả năm 2023 ước đạt 108 triệu lượt. Tất cả đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Năm 2024, chỉ tính trong 7 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt. Khách nội địa đạt trên 95 triệu lượt. Doanh thu dịch vụ du lịch, lữ hành đều tăng trưởng từ 4 – 5,6% ở nhiều địa phương. Kết quả đó đến từ việc đã làm tốt quy hoạch, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng du lịch; đưa ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang tính hấp dẫn; tập trung quản trị điểm đến.

Đặc biệt, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã được thực hiện bài bản, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá điểm đến. Nhờ đó, Việt Nam đã vinh dự nhận nhiều giải thưởng du lịch danh giá của các tổ chức quốc tế.

Liên kết vì sự phát triển chung

Trong quá trình quảng bá, xúc tiến du lịch, quản trị điểm đến, tạo ra sản phẩm mới, ngành du lịch Việt Nam đã chủ động liên kết các ngành trong văn hoá; luôn xác định sản phẩm du lịch phải mang đậm sắc màu văn hoá.

Phát huy sức mạnh của điện ảnh, tạo sức lan tỏa cho du lịch Việt Nam - ảnh 4
Phát huy sức mạnh của điện ảnh, tạo sức lan tỏa cho du lịch Việt Nam - ảnh 5
Các đại biểu dự tọa đàm

Bộ trưởng thông tin, qua khảo sát, phỏng vấn nhanh du khách quốc tế để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, du khách đều trả lời rằng họ đến Việt Nam để được trải nghiệm nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc. Điều đó cho thấy, những định hướng của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn.

Ở góc độ tổng thể, Bộ trưởng khẳng định, du lịch luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách. Vấn đề thể chế trong phát triển du lịch đã được xác lập. Trong đó, có Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sau khi có Nghị quyết, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hoá Nghị quyết thông qua các công cụ pháp luật, chính sách. Luật Du lịch được ban hành và có hiệu lực vào năm 2018 làm cơ sở, động lực cho sự phát triển du lịch của Việt Nam. Đến nay, những nội dung cơ bản của Luật Du lịch vẫn phù hợp với xu hướng phát triển, theo kịp với xu thế chung của thế giới.

Phát huy sức mạnh của điện ảnh, tạo sức lan tỏa cho du lịch Việt Nam - ảnh 6
Phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về tọa đàm

Sau khi có Luật, Chính phủ đã có chương trình hành động để thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong tổng thể Chiến lược, Chính phủ đã giao cho nhiều Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, tập trung thực hiện các Nghị quyết của Đảng. Đồng thời tuỳ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lựa chọn điểm nhấn, dư địa để phát triển du lịch.

Cũng theo Bộ trưởng, với tinh thần triển khai quyết liệt các Nghị quyết, trong giai đoạn năm 2023 và đầu năm 2024 và ở nhiệm kỳ này, Chính phủ đã dành nhiều thời gian để rà soát các vấn đề về du lịch; chỉ đạo và định hướng tốt hơn công tác du lịch.

Thủ tướng đã trực tiếp chủ trì 3 Hội nghị về phát triển du lịch, ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Những nội dung này đã đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, giải quyết “ách tắc” trong quá trình huy động sức mạnh, khơi thông nguồn lực. Sau khi các Chỉ thị, Nghị quyết được ban hành, các cấp, các ngành, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch đã tập trung triển khai thực hiện.

Bộ trưởng chia sẻ, với tinh thần lắng nghe, tiếp thu, Bộ VHTTDL mong muốn tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp về hoàn thiện thể chế, giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, có những giải pháp, kiến nghị giúp khơi thông cơ chế, chính sách. Bởi lẽ, thể chế, chính sách là một trong những nguồn lực; khơi thông nguồn lực bắt đầu từ thể chế.

Ngoài ra, cần thấy rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch và vai trò phối hợp của các Bộ, ngành liên quan. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Mọi tác động, ảnh hưởng không phải chỉ một cơ quan quản lý đơn thuần. Chỉ khi phát huy được sức mạnh đồng bộ, tháo gỡ những vấn đề về khó khăn thì sẽ tháo gỡ được “nút thắt” về cơ chế.

Phát huy sức mạnh của điện ảnh, tạo sức lan tỏa cho du lịch Việt Nam - ảnh 7
Toàn cảnh tọa đàm

Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Quảng bá phải được làm bài bản từ quản trị, quảng bá những nét đẹp văn hoá truyền thống, điểm mới, điểm lạ của Việt Nam mà du khách mong muốn được trải nghiệm; quảng bá phải có trọng tâm, trọng điểm, có chiến dịch, đồng loạt tạo tiếng vang, tránh dàn trải, nhỏ lẻ, manh mún. Đặc biệt, huy động được sức mạnh của truyền thông, sức mạnh của điện ảnh thế giới để đạt được diện rộng và có chiều sâu, hiệu quả.

“Chỉ cần một bộ phim của nước ngoài quay tại Việt Nam đã có đóng góp rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hoá, con người. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035 sắp được Quốc hội thông qua có các dự án về trường quay hiện đại, đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đây cũng là động lực thúc đẩy để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nhà làm phim quốc tế trong sản xuất các bộ phim tại Việt Nam…”.

Trong lúc chờ có trường quay hiện đại, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần có giải pháp tận dụng trường quay tự nhiên sẵn có như Hạ Long, Quảng Bình, Huế, Nha Trang (Khánh Hoà), Hà Nội… Chính quyền các địa phương cũng cần chủ động, sẵn sàng vào cuộc, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà làm phim, qua đó, xây dựng được các sản phẩm du lịch - điện ảnh ấn tượng, có sức lan tỏa.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc