Đưa Việt Nam thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới

NGUYỄN ANH, ảnh: T.L

VHO - Ngày 10.9, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới”.

Đưa Việt Nam thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới - ảnh 1

Khẳng định vai trò của ngành Du lịch và ngành Điện ảnh

Toạ đàm được tổ chức nhằm làm rõ tiềm năng, thực trạng hợp tác phát triển du lịch- điện ảnh của Việt Nam hiện nay; đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch nói chung, hợp tác du lịch- điện ảnh nói riêng; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam; khẳng định vai trò của ngành Du lịch và ngành Điện ảnh đối với nền kinh tế đất nước.

Dự kiến Toạ đàm có sự tham dự của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo Báo Nhân Dân; lãnh đạo Báo Văn Hoá; đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Liên chi hội Lữ hành Việt Nam; đại diện Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA); các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch, điện ảnh; đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương…

Đưa Việt Nam thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới - ảnh 2
Cảnh quay trong phim Người tình (L'amant, năm 1992) với những hình ảnh đẹp, bình yên ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tại Tọa đàm, các đại biểu, diễn giả sẽ làm rõ tiềm năng, thực trạng hợp tác phát triển du lịch và điện ảnh Việt Nam; Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình hợp tác phát triển du lịch, điện ảnh của Việt Nam; Giải pháp để phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch, điện ảnh ở Việt Nam; Giải pháp để thu hút các nhà đầu tư, nhà làm phim và khách du lịch Hoa Kỳ tới Việt Nam.

Đồng thời, đại diện Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng nêu những nội dung chính của Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ; thảo luận về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam và những đổi mới trong công tác này thời gian tới.

Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp; văn hoá đặc sắc, đa dạng; ẩm thực phong phú, độc đáo; con người hiền hoà, thân thiện, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch thông qua lĩnh vực điện ảnh, có cơ hội trở thành điểm đến mới của du lịch thế giới trong thời gian tới.

Đưa Việt Nam thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới - ảnh 3
Phim Người Mỹ trầm lặng của đạo diễn Phillip Noyce, năm 2002- bộ phim Hollywood đầu tiên được quay tại Việt Nam sau năm 1975

Điện ảnh là ngành nghệ thuật có khả năng phổ biến rộng rãi, có sức kết nối và lan tỏa thông điệp nhanh, hướng đến đa dạng đối tượng khán giả. Những bối cảnh đẹp, phản ánh giá trị di sản văn hóa, thắng cảnh, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật địa phương... cùng với câu chuyện cuốn hút của các tác phẩm có giá trị nghệ thuật, sáng tạo bằng ngôn ngữ điện ảnh sẽ tác động tới tâm trí và tình cảm người xem, thôi thúc họ tìm đến phim trường, vùng đất nơi các bộ phim được quay để khám phá, trải nghiệm thực tế.

Trên thực tế, nhiều dự án phim lớn của Hollywood đã đem lại hiệu ứng tích cực, mạnh mẽ và rộng khắp trên phạm vi toàn cầu, mở ra xu hướng dịch chuyển của du khách đến với những địa điểm quay phim, tạo ra “cú huých” cho tăng trưởng du lịch và kinh tế địa phương. Kinh nghiệm phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, nếu phối hợp tốt, ngành công nghiệp du lịch và điện ảnh sẽ mang lại những giá trị kinh tế lớn, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến.

Hàn Quốc là một điển hình tiêu biểu của việc phát triển công nghiệp văn hoá, quảng bá hình ảnh đất nước bằng văn hoá. Từ sau khi các bộ phim nàng Dae Jang Geum, Nấc thang lên thiên đường, Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông, Hạ cánh nơi anh… được công chiếu, lượng khách du lịch đến Hàn Quốc tăng mạnh. Hầu hết du khách quốc tế mong muốn tận mắt chiêm ngưỡng địa điểm mà nhân vật - thần tượng của họ đã đặt chân đến, đã diễn ở đó.

Rất nhiều phim trường, bối cảnh phim ở Hàn Quốc như: đảo Jeju, đảo Nami, công viên Lotte World, vách đá Buyongdae ở Andong, làng Andong Hahoe, Tu viện Saseongam ở Gurye, Cầu Hantangang Sky… đã trở thành điểm đến du lịch được yêu thích của du khách quốc tế, trong đó có du khách Việt Nam.

Với việc cho các đoàn làm phim nước ngoài thuê địa điểm làm bối cảnh, Thái Lan đã thu hút các nhà làm phim của những bộ phim nổi tiếng như: Chúa tể của những chiếc nhẫn, Nhiệm vụ bất khả thi, Bãi biển, Ðiệp viên 007… khách du lịch nước ngoài đến nước này cũng tăng cao sau khi các bộ phim nói trên được công chiếu.

Hiệu quả quảng bá điểm đến khác trên thế giới cũng rất rõ nét khi khán giả xem Công viên kỷ Jura sẽ nhớ ngay đến Hawaii, xem Chúa tể của những chiếc nhẫn đều nhớ đến New Zealand và muốn đến những nơi này để khám phá.

Đưa Việt Nam thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới - ảnh 4
Phim Kong: Skull Island, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts (2017) được quay ở những điểm đến nổi tiếng của du lịch Việt Nam gồm: Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)

Hình ảnh đầy quyến rũ, hùng vĩ của Việt Nam cũng đã xuất hiện trong nhiều bộ phim như: Người tình (L’amant); Đông Dương (Indochine); Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American); Mùa len trâu, Cánh đồng bất tận; Chuyện của Pao; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh; Kong: Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island); Thị Mai, Hành trình đến Việt Nam; Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu); Hành trình tình yêu của một du khách (A Tourist's Guide to Love), …

Trong đó, Kong: Skull Island được quay ở những điểm đến nổi tiếng của du lịch Việt Nam gồm: Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Bộ phim là một minh chứng cho hiệu ứng quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến khách du lịch quốc tế thông qua điện ảnh.

Sau khi Kong: Skull Island được phát hành, rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đã tìm đến các địa điểm được chọn làm phim trường, bối cảnh quay bộ phim này để tận mắt chứng kiến những cảnh đẹp ở nơi đó.

Tuy nhiên, sự phối hợp phát triển giữa điện ảnh và du lịch ở nước ta hiện nay chưa xứng với tiềm năng và có những rào cản khiến du lịch- điện ảnh chưa thể phát triển bứt phá.

Nhằm quán triệt và cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chỉ thị số 08/CT-TTg, việc đổi mới về phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam đối với thị trường quốc tế thông qua lĩnh vực điện ảnh là phù hợp, thiết thực và hiệu quả.

Cùng với đó, Luật Điện ảnh năm 2022 với các cơ chế, chính sách cởi mở hơn dành cho các đoàn làm phim quốc tế và với các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa đa dạng, Việt Nam có tiềm năng, cơ hội trở thành một phim trường quốc tế trong thời gian tới, đóng góp hiệu quả cho công tác quảng bá, khai thác và phát triển du lịch.

Đưa Việt Nam thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới - ảnh 5
Sau khi Kong: Skull Island được phát hành, rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đã tìm đến các địa điểm được chọn làm phim trường, bối cảnh quay bộ phim này

Tập trung thu hút du khách và các nhà làm phim từ thị trường Hoa Kỳ

Hoa Kỳ luôn là thị trường có lượng khách đi du lịch nước ngoài và chi tiêu du lịch lớn hàng đầu thế giới. Năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, người Mỹ đứng đầu thế giới với hơn 128 triệu chuyến đi quốc tế. Tổng chi khi đi nước ngoài của người Mỹ đạt hơn 134 tỉ USD, chỉ xếp sau Trung Quốc.

Với khoảng 350 triệu dân (đứng thứ 3 thế giới), 44% dân số Hoa Kỳ có hộ chiếu. Hộ chiếu của Hoa Kỳ cũng đứng trong top 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, được 188 quốc gia, vùng lãnh thổ miễn visa. Dự báo đến năm 2029 thị trường outbound của Hoa Kỳ đạt 177 triệu chuyến đi nước ngoài.

Trước dịch Covid-19, Hoa Kỳ luôn thuộc top 5 thị trường gửi khách du lịch quốc tế hàng đầu đến Việt Nam. Thị trường này có đặc điểm là thời gian lưu trú dài, chi tiêu cao, đứng thứ 3 vào năm 2019.

Đưa Việt Nam thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới - ảnh 6
Hành trình tình yêu của một du khách (A Tourist's Guide to Love- 2023) là phim nước ngoài được quay ở Việt Nam sau dịch Covid-19 với những bối cảnh tuyệt đẹp ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An và Hà Giang

Khách Mỹ ưa thích khám phá, tìm kiếm các trải nghiệm khác biệt. Đặc biệt người Mỹ rất yêu thích điểm đến Việt Nam vì có thiên nhiên tươi đẹp, bề dày lịch sử, văn hóa, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, cuộc sống sinh động, nhiều màu sắc, hoàn cảnh lịch sử giữa hai nước.

Việt Nam có nhiều thuận lợi để thu hút khách du lịch Mỹ. Tuy nhiên, lượng khách Mỹ đến Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của cả hai nước. 

Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vừa được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, cả hai đều là đối tác thương mại quan trọng của nhau, đường bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ của Vietnam Airlines sau hơn 2 năm khai trương đã đón nhận những kết quả tích cực, cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá để thúc đẩy thu hút khách Mỹ đến Việt Nam.

Ngành Du lịch đặt mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách Mỹ năm 2028 và đưa Hoa Kỳ vào nhóm 3 thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam.

Đưa Việt Nam thành điểm đến mới của điện ảnh thế giới - ảnh 7
Phim Thị Mai, Hành Trình Đến Việt Nam (2018) với rất nhiều cảnh quay đẹp ở Hà Nội, Việt Nam

Nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim từ Hollywood đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, từ ngày 21-28.9.2024, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới”, chương trình xúc tiến, quảng bá này là điểm nhấn, đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ trong quảng bá du lịch- điện ảnh trong năm 2024 của Bộ VHTTDL.

Chương trình có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đại diện một số tỉnh, thành phố, đại diện các Sở Du lịch, Sở Văn hóa- Thể thao, Sở VHTTDL địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp điện ảnh, diễn viên, một số KOL… sẽ là chủ thể chính của chương trình quảng bá, xúc tiến này.

Chương trình cũng thể hiện việc đẩy mạnh hợp tác công- tư trong quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong đó, tập trung các nguồn lực tài chính, con người và trí tuệ của cơ quan nhà nước và các địa phương, doanh nghiệp du lịch, điện ảnh với mục tiêu chung là nâng cao hình ảnh điểm đến Việt Nam, khẳng định đóng góp của du lịch, điện ảnh đối với nền kinh tế đất nước.