Nỗ lực đổi mới từ “tâm di sản” tạo cú hích phát triển du lịch bền vững ở xứ Thanh

NGUYỄN LINH

VHO - Từng bước làm mới và chuyên nghiệp hóa sản phẩm du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đang biến vùng đất Tây Đô trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia. Với sự kết nối giữa giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và trải nghiệm hiện đại, di sản thế giới này đang “hồi sinh” mạnh mẽ để vươn tầm trong nước và quốc tế.

Được xây dựng vào năm 1397 dưới triều đại Hồ Quý Ly, Thành nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong số ít thành lũy bằng đá còn tồn tại trên thế giới.

Với kỹ thuật xây dựng độc đáo, những khối đá lớn được ghè đẽo và xếp chồng lên nhau một cách chính xác, tạo nên một công trình kiên cố và tráng lệ.

Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2011, Thành nhà Hồ đã trở thành biểu tượng không chỉ của tỉnh Thanh Hóa mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc.

Nỗ lực đổi mới từ “tâm di sản” tạo cú hích phát triển du lịch bền vững ở xứ Thanh - ảnh 1
Cổng Nam của Thành nhà Hồ - công trình kiến trúc đá độc đáo được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới

Trong những năm gần đây, nhờ vào những chính sách đầu tư bài bản và định hướng phát triển bền vững, nơi đây đang chứng kiến sự chuyển mình rõ nét với hàng loạt sản phẩm du lịch mới, giàu tính giáo dục, trải nghiệm và tương tác cộng đồng.

Không gian văn hóa mang “hồn cốt” xứ Thanh

Một trong những điểm nhấn mới trong hành trình khám phá Thành nhà Hồ là không gian trưng bày “Văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô”. Tại đây, du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ được chiêm ngưỡng nông cụ truyền thống, tìm hiểu đời sống lao động, sinh hoạt của người dân xưa, cảm nhận vẻ đẹp mộc mạc, dung dị của làng quê Việt Nam.

Bên cạnh đó, các mô hình trưng bày ngoài trời như “Súng thần công và cải cách triều Hồ” hay “Không gian đá xây thành” tại Cổng Nam đã trở thành điểm check-in thu hút đông đảo du khách.

Những hiện vật khảo cổ học được khai quật trong nội thành cũng được giới thiệu sinh động, góp phần chứng minh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Điểm sáng đáng chú ý trong định hướng phát triển du lịch tại Thành nhà Hồ là việc thiết lập các tuyến tham quan chuyên đề bằng xe điện. Hiện nay, đã có 4 tuyến du lịch được đưa vào khai thác, kết nối di sản với vùng đệm gồm các làng truyền thống, di tích lịch sử, thắng cảnh và điểm đến tâm linh.

Nỗ lực đổi mới từ “tâm di sản” tạo cú hích phát triển du lịch bền vững ở xứ Thanh - ảnh 2
Khu vực trưng bày ngoài trời với các hiện vật bằng đá như chân tảng, bia đá, phản ánh nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc thời kỳ nhà Hồ

Các tuyến này không chỉ giúp du khách có cái nhìn toàn diện về vùng đất Tây Đô mà còn là cầu nối đưa các giá trị văn hóa bản địa đến gần hơn với công chúng. Mỗi hành trình là một câu chuyện từ truyền thuyết, phong tục, đến tín ngưỡng dân gian tạo nên một trải nghiệm du lịch có chiều sâu và đầy cảm xúc.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đặc biệt chú trọng giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua các chương trình trải nghiệm, học tập gắn với lịch sử, văn hóa địa phương. Đây là cách tiếp cận hiệu quả để nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý thức gìn giữ di sản trong thế hệ trẻ.

Đồng thời, nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch được tổ chức cho người dân vùng đệm nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng đón tiếp và hành vi văn minh với du khách. Từ đó, tạo ra sự cộng hưởng giữa bảo tồn di sản và phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Di sản bừng sáng trên bản đồ du lịch quốc gia

Năm 2024, di sản Thành nhà Hồ đã đón gần 260.000 lượt khách, vượt 162,5% kế hoạch đề ra và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng đáng kể cả về lượng khách trong nước và quốc tế cho thấy sức hút ngày càng lớn của di sản sau các cải tiến du lịch.

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm hiện tại, Trung tâm đang tiếp tục triển khai các đề án dài hạn, chú trọng khai thác thế mạnh di sản gắn với du lịch cộng đồng, lễ hội truyền thống và làng nghề.

Nỗ lực đổi mới từ “tâm di sản” tạo cú hích phát triển du lịch bền vững ở xứ Thanh - ảnh 3
Các em học sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc hào hứng tham gia hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, góp phần lan tỏa tình yêu quê hương, giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ

Việc tăng cường liên kết vùng như với Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh – cũng giúp Thành nhà Hồ hòa vào mạch phát triển chung của du lịch miền Trung qua các chương trình như “Con đường di sản” hay “Hành trình qua các kinh đô Việt cổ”.

Những kết quả tích cực trong phát triển sản phẩm du lịch tại Thành nhà Hồ không chỉ cho thấy hiệu quả của sự đổi mới tư duy, mà còn khẳng định vị thế ngày càng cao của di sản trên bản đồ du lịch quốc gia.

Với cách làm bài bản, gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn, giáo dục và phát triển, di sản thế giới này đang mở ra những cơ hội lớn cho du lịch Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.