Những điểm đến du lịch bền vững được yêu thích ở Việt Nam năm 2025
VHO - Du lịch bền vững đang ngày càng được ưa chuộng, Booking.com vừa giới thiệu 5 điểm đến nổi bật tại Việt Nam với nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường và văn hóa bản địa.

99% du khách mong muốn thực hiện những lựa chọn du lịch bền vững
Theo khảo sát mới nhất của Booking.com, khảo sát 1.000 người Việt Nam thì có tới 99% mong muốn thực hiện những lựa chọn du lịch bền vững hơn trong năm 2025 và 83% trong số đó đã chủ động thay đổi thói quen di chuyển và nghỉ dưỡng để theo đuổi mục tiêu này.
Những con số này không chỉ phản ánh một chuyển động mạnh mẽ mà còn khẳng định du lịch bền vững giờ đây không còn là xu hướng, mà đã trở thành ưu tiên với phần lớn du khách.
Dưới đây là 5 điểm có tỉ lệ cơ sở lưu trú đạt chứng nhận bền vững cao nhất trên Booking.com tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của các địa phương trong việc mang đến trải nghiệm đáng nhớ nhưng vẫn đảm bảo trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.
Đây là lời khẳng định về vẻ đẹp bất tận và những giá trị nhân văn mà du lịch Việt Nam đang sở hữu và hướng tới.

Châu Đốc với sắc màu giao thoa bên dòng sông Hậu
Châu Đốc (An Giang) nổi bật với bản sắc văn hóa đa dạng, là sự giao thoa sống động của nhiều nền văn hóa. Nhịp sống nơi đây chan hòa, với những ngôi nhà mộc mạc, chợ nổi rực rỡ sắc màu và đời sống tâm linh lâu đời gắn liền với các địa danh linh thiêng như: Núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ.
Bên cạnh đó, tại hai cù lao Châu Phong và Châu Giang, cộng đồng người Chăm vẫn giữ gìn và phát huy nghề dệt truyền thống đã tồn tại hàng thế kỷ. Du khách có thể đến đây để tìm hiểu quy trình dệt thổ cẩm tinh xảo, mua sắm những sản phẩm thủ công độc đáo và cảm nhận sự thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương.
Với những du khách quan tâm đến môi trường, rừng tràm Trà Sư sẽ mang đến trải nghiệm độc đáo khi du ngoạn giữa thảm thực vật xanh mát. Lạc bước giữa bèo tấm, hàng tràm cổ thụ và những hồ sen đang mùa nở rộ, du khách có thể thả mình tận hưởng không gian tĩnh lặng.
Thiên nhiên nguyên sơ tại Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là sự kết hợp hài hòa giữa biển, rừng và các giá trị truyền thống, đang từng bước trở thành hình mẫu của du lịch bền vững. Từ bờ biển Thiên Cầm thanh bình vẫn giữ nét hoang sơ, đến những cánh rừng xanh mát của Vườn quốc gia Vũ Quang.
Du khách đến Hà Tĩnh có thể dạo bước qua những con đường làng rực rỡ sắc hoa, khám phá các làng nghề thủ công truyền thống, hoặc ghé thăm các di tích lịch sử như Khu lưu niệm Nguyễn Du… để cảm nhận rõ nét một Hà Tĩnh với đời sống cộng đồng và thiên nhiên luôn gắn bó, hòa quyện.
Đặc biệt, Hà Tĩnh nỗ lực phát triển xanh với những điểm sáng như Meliá Vinpearl Hà Tĩnh. Khu nghỉ dưỡng này là ví dụ tiêu biểu cho cam kết bền vững, khi vận hành với hơn 500 tấm pin năng lượng mặt trời và áp dụng các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa. Tại đây, du khách được tận hưởng một kỳ nghỉ tiện nghi mà vẫn “đồng hành” giảm dấu chân sinh thái.

Phủ Lý - dấu xưa lưu lại trong nhịp sống mới
Phủ Lý (Hà Nam cũ) đang dần trở thành điểm sáng nhờ cách gìn giữ di sản trong lòng thành phố hiện đại. Nằm ở vị trí chiến lược, Phủ Lý là “cửa ngõ văn hóa” nối liền các làng nghề nổi tiếng như làng trống Đọi Tam, làng lụa Nhạ Xá.
Những con ngõ nên thơ ở Châu Cầu, quần thể chùa Bầu cổ kính hay các làng nghề lâu đời vẫn giữ nguyên sức hút xưa cũ, tạo nên sự giao thoa hiếm có giữa giá trị truyền thống và nhịp sống hiện đại.
Những cam kết về phát triển bền vững của Phủ Lý được thể hiện rõ nét qua các cơ sở lưu trú như Khách sạn Mường Thanh Luxury Hà Nam. Khách sạn này tiên phong trong việc tiết kiệm năng lượng, loại bỏ nhựa dùng một lần và tích cực hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng.
Tại Phủ Lý, du lịch không chỉ đơn thuần là ghé thăm di tích mà còn là cơ hội để chứng kiến cách một đô thị hiện đại vẫn biết trân trọng, phát huy những giá trị của quá khứ, góp phần định hình một xu hướng du lịch bền vững trên tiêu chí bảo tồn đi đôi với phát triển.
Sông Cầu - sống chậm bên “viên ngọc xanh” giữa hai thành phố
Nằm nép mình giữa hai thành phố sôi động Quy Nhơn và Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu (Phú Yên cũ) như một khoảng lặng giữa dòng chảy du lịch, nơi yếu tố bền vững đã trở thành một lối sống được định hình qua nhiều thế hệ cộng đồng địa phương.
Từ cải tiến mô hình nuôi trồng thủy sản đến khuyến khích hoạt động du lịch gắn với bản sắc văn hóa, hạn chế tác động đến môi trường, Sông Cầu nổi tiếng là điểm đến với tính bền vững được đưa vào đời sống.
Du khách có thể trải nghiệm một ngày làm cư dân vùng biển với các hoạt động như chèo thuyền thúng truyền thống, học nghề đan bóng bắt cá truyền thống, hoặc thưởng thức món bánh tráng thủ công làm từ dừa nổi tiếng tại những ngôi nhà ở địa phương.
Với kiến trúc đậm chất địa phương và các hoạt động do cộng đồng tổ chức, khu nghỉ dưỡng Zannier Hotels Bãi San Hô mang đến trải nghiệm nghỉ dưỡng vừa tiện nghi vừa có ý thức. Du khách có thể tham gia lớp học nghề thủ công, thưởng thức ẩm thực hữu cơ và khám phá di sản biển trong một không gian đậm chất thiền định.

Tam Kỳ - màu sắc mới của du lịch cạnh miền Trung
Không ồn ào như Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam cũ) mang một nét đẹp mộc mạc nhưng giàu giá trị văn hóa, đang ngày càng được chú ý như một điểm đến du lịch bền vững. Nổi tiếng với Làng bích họa Tam Thanh nhiều sắc màu và Tượng đài Mẹ Thứ linh thiêng, Tam Kỳ sở hữu vẻ quyến rũ đến từ giá trị lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp hài hòa.
Thành phố đã tích cực thúc đẩy du lịch xanh với các sáng kiến như tour đi thuyền thân thiện với môi trường, mô hình homestay cộng đồng và các lễ hội văn hóa theo mùa như lễ hội hoa sưa hằng năm tại làng Hương Trà. Du khách có thể tham gia các chương trình dọn dẹp bờ biển, trồng cây cùng người dân hoặc trải nghiệm làm vườn hữu cơ, kết nối sâu sắc hơn với vùng đất và con người nơi đây.
Bên cạnh đó, Khu nghỉ dưỡng Robinson Nam Hội An là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng để bắt đầu khám phá Tam Kỳ. Khu nghỉ dưỡng sở hữu vườn hữu cơ rộng tới 4.000m², hỗ trợ các chương trình giảm phát thải và tổ chức hoạt động như trồng cây, dọn rác bãi biển, giúp du khách vừa thư giãn vừa đóng góp tích cực cho môi trường.
Trong hành trình hướng đến tương lai xanh, các điểm đến bền vững tại Việt Nam đã và đang cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn giá trị tự nhiên, văn hóa. Đây là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, hướng đến một tương lai không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn bền vững về giá trị.