Nhiều cơ hội để du lịch tàu biển bứt phá
VHO - Với lượng khách tàu biển tăng liên tục từ những ngày đầu năm, đưa khách quốc tế hạng sang tới Việt Nam, du lịch tàu biển nước ta đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá. Nếu biết cách khai thác hiệu quả, du lịch tàu biển sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch toàn cầu và trở thành động lực phát triển kinh tế biển bền vững.

Những tín hiệu tích cực
Tháng 1 năm nay, trong số gần 2,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế, có khoảng 45.000 lượt khách đến Việt Nam bằng tàu biển. Ngay từ đầu năm 2025, rất nhiều tàu biển lớn của thế giới đã đưa khách tới Việt Nam, báo hiệu sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng khách giàu tiềm năng và có mức chi trả cao này.
Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với nhiều vịnh, đảo và cảng biển có tiềm năng khai thác du lịch tàu biển. Các điểm đến nổi bật như: Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc và TP.HCM có vị trí thuận lợi, nằm trên tuyến du lịch tàu biển Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Việt Nam có khí hậu ôn hòa, nhiều bãi biển đẹp, đa dạng về văn hóa và ẩm thực, mang lại sức hút đặc biệt với du khách quốc tế.
Trong những năm gần đây, du lịch tàu biển thế giới phát triển mạnh mẽ, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tiềm năng thu hút du khách tàu biển, đặc biệt từ các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu.
Phó tổng giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà cho biết: “Trong tháng 1, Saigontourist phục vụ 19.800 du khách tàu biển quốc tế. Trong đó, những ngày đầu năm Ất Tỵ, Công ty liên tục đón 5 chuyến tàu biển quốc tế cập các cảng trên khắp đất nước”.
Mỗi chuyến tàu mang hàng mấy nghìn du khách tới Việt Nam đã báo hiệu sự tăng trưởng mạnh mẽ thị trường khách tàu biển trong tương lai. Cụ thể, tàu Celebrity Solstice của Royal Caribbean Cruise Lines mang theo 3.000 khách đến từ Mỹ, Canada, Anh, Australia… cập các cảng Hạ Long, Chân Mây và Phú Mỹ; tàu Spectrum of the Seas chở 5.000 khách đa quốc tịch cập cảng Chân Mây; tàu Anthem of The Seas đưa 5.800 khách đến Phú Mỹ và Chân Mây.
Saigontourist cũng đang khai thác 2 chiều tàu Anthem of The Seas, mang đến cơ hội cho du khách Việt trải nghiệm “thành phố nổi” đẳng cấp với hành trình Singapore - Penang - Phuket.
Cách đây vài ngày, Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh đã phối hợp với các công ty lữ hành đón 2 tàu du lịch biển là Norwegian Spirit và Seven Seas Explorer cùng cập Cảng quốc tế Cam Ranh, đưa 2.850 khách đến du lịch ở Khánh Hòa trong hải trình đi dọc bờ biển Việt Nam.
Năm 2024, Khánh Hòa đón 28 chuyến tàu biển với khoảng 58.000 khách lên bờ tham quan. Theo kế hoạch, đến tháng 4.2025, Khánh Hòa đón 9 chuyến tàu, chở 14.650 khách quốc tế. Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh này đã đón 6 chuyến tàu biển với gần 11.000 lượt khách.
Hiện nay, các cảng biển lớn trong khu vực của Malaysia, Singapore cũng liên tục đón các tàu của các hãng tàu lớn như: Royal Caribbean Group (Mỹ), MSC Cruises (Thụy Sĩ - Italia), Costa Cruises (Italia), Noordam (Hà Lan), Celebrity Solstice (Malta)... Việc đưa Việt Nam vào hành trình của các hãng này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn khách, mà còn thu hút du khách quốc tế có mức chi tiêu cao.
Ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Hòn Gai chi nhánh Quảng Ninh, đơn vị phối hợp mở lại và khai thác tuyến Bắc Hải (Trung Quốc) - Hạ Long (Việt Nam) từ cuối năm 2024 nhận định: “Việc khơi thông tuyến du lịch tàu biển Bắc Hải - Hạ Long từ tháng 11.2024 đã nhận được tín hiệu tích cực. Dự kiến, việc mở lại thường xuyên tuyến du lịch tàu biển Bắc Hải - Hạ Long vào khoảng giữa năm 2025 được kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu du lịch đặc sắc, chuyên biệt của du khách hai nước”.
Để đa dạng hoá sản phẩm, tăng sức hút cho hành trình, các đơn vị đón tiếp khách đã làm việc với đối tác sẵn sàng mở rộng tour, tuyến, hành trình. Theo đó, ngoài Hạ Long, tour tuyến cho khách tàu biển có thể mở rộng hành trình đi Hà Nội Ninh Bình hoặc nối tour dài hơn vào Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM...

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh
Các chuyên gia du lịch nhận định, du lịch tàu biển là một trong những loại hình mà Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế xanh và khẳng định thương hiệu điểm đến trên thị trường quốc tế. Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ chính phủ, khu vực châu Á của Tập đoàn Royal Caribbean tại Đông Nam Á Wendy Yamazaki đánh giá: “Việt Nam, Thái Lan và Singapore là ba điểm đến yêu thích của du khách tàu biển thế giới”.
Trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Định hướng phát triển sản phẩm, phát triển các dòng sản phẩm chính, trong đó khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển, đảo để phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển và du lịch tàu biển. Phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp, có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế”.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhưng hiện nay du lịch tàu biển ở Việt Nam vẫn gặp những rào cản để có thể bứt phá mạnh mẽ. Trong đó, hạn chế lớn nhất là thiếu các cảng biển tầm cỡ, chuyên dụng cho tàu khách du lịch, khách chủ yếu phải đi tàu trung chuyển vào bờ.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành Quốc tế Tictours, đơn vị chuyên đón khách tàu biển ở Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết: “Cuối năm 2024, chúng tôi phải hủy tới gần 20 chuyến tàu biển quốc tế vào Khánh Hòa vì thiếu bến cảng. Hiện nay ở Khánh Hòa chỉ Cảng quốc tế Cam Ranh là đón khách thuận lợi. Cảng của VinGroup thì đang nâng cấp sửa chữa, một cảng khác thì bến neo đậu xa. Bên cạnh đó, TP Nha Trang hiện đang thực hiện việc cấm xe 29 chỗ trở lên vào giờ cao điểm, điều này cũng gây khó khăn cho việc đưa đón khách tham quan, khó vận hành, phát sinh chi phí. Đặc biệt là ảnh hưởng tới hình ảnh điểm đến trong mắt du khách. Tôi cho rằng, muốn phát triển du lịch tàu biển ở Khánh Hòa cần quy hoạch xây dựng bến cảng chuyên dụng, phân luồng giao thông sao cho hài hòa lợi ích của tất cả các bên”.
Không chỉ ở Khánh Hòa, nhìn chung ở các trung tâm đón khách du lịch tàu biển, nguồn nhân lực phục vụ các đối tượng khách này vừa thiếu vừa yếu; sản phẩm du lịch trên bờ tẻ nhạt, thiếu sức hấp dẫn với du khách; hoạt động xúc tiến quảng bá loại hình du lịch này còn đơn lẻ...
Việc kết nối giữa cảng biển và điểm du lịch trên bờ chưa thực sự thuận lợi, hệ thống giao thông đường bộ, dịch vụ vận chuyển còn nhiều bất cập. Khách phần lớn chỉ lên bờ tham quan vài giờ, ăn một bữa cơm rồi lại về tàu, ít trải nghiệm độc đáo, không nhiều điểm mua sắm, vui chơi, tìm hiểu văn hóa địa phương. Đến nay Việt Nam vẫn chưa có chính sách ưu đãi đặc thù cho du lịch tàu biển như: Giảm phí cảng, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác dịch vụ du lịch tàu biển.
Trong khi đó, những hải trình đẳng cấp trên đại dương kéo dài cả tháng, đi qua nhiều nước, nhiều châu lục kéo theo cơ hội đón dòng khách có mức chi tiêu lên tới cả ngàn, cả vạn USD. Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) đánh giá, du lịch tàu biển có doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ.
Rất nhiều nước trên thế giới tập trung khai thác loại hình du lịch này. Các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines đã phát triển mạnh loại hình du lịch này với hạ tầng hiện đại, chính sách cởi mở và dịch vụ chất lượng cao, thu hút lượng lớn khách tàu biển.
Các chuyên gia du lịch và doanh nghiệp chuyên đón khách tàu biển cho rằng, Việt Nam cần sớm xây dựng hệ thống cảng tàu khách chuyên dụng tại các thành phố ven biển trọng điểm để nâng cao năng lực đón tiếp và phát triển dịch vụ hậu cần. Bên cạnh đó, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tăng trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực, giải trí cao cấp cho khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách.
Đơn giản hóa thủ tục, quy trình xuất nhập cảnh và đẩy mạnh truyền thông để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách toàn cầu. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các hãng tàu lớn để đưa Việt Nam vào hành trình du lịch quốc tế, thu hút nhiều tàu khách cập bến; tổ chức các hội nghị, hội thảo thu hút các nhà đầu tư, hãng tàu lớn. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ cảng biển có trình độ chuyên môn cao, ngoại ngữ tốt để nâng cao chất lượng dịch vụ.