Mặt trái của du lịch tàu biển

THÁI AN

VHO - Chính quyền địa phương ở một số địa điểm du lịch nổi tiếng ở châu Âu đang hạn chế đón tiếp những tàu du lịch cỡ lớn do tác hại tới môi trường, kinh tế và xã hội. Những con số thống kê về việc này gây bất ngờ.

 Mặt trái của du lịch tàu biển - ảnh 1
Tàu du lịch “Icon of the Seas” có thể đốt ít nhất 150 tấn nhiên liệu/ngày và thải ra nhiều lưu huỳnh hơn vài triệu ô tô

 Sau hơn 2 năm trì trệ do tác động của đại dịch Covid-19, ngành du lịch trên biển đã có dấu hiệu tăng trở lại (hơn 7%) vào năm 2023, với tổng cộng 31,7 triệu lượt khách quốc tế. Theo dự báo của Hiệp hội Quốc tế các hãng tàu du lịch (CLIA), năm 2024 CLIA dự kiến đón 36 triệu hành khách và số lượng tàu viễn dương sẽ vượt qua con số 300. Cũng theo CLIA, 3 năm tới, ngành du lịch tàu biển sẽ thu hút khoảng 40 triệu lượt hành khách. Theo đó, du thuyền khổng lồ sẽ phục vụ số đông, giá cả phải hợp lý cho một kỳ nghỉ gia đình, trong khi du thuyền cỡ vừa nhắm vào lượng hành khách vừa phải nhưng lại là khách có nhiều tiền hơn.

Các nhà phân tích ô nhiễm biển ở Đức và Brussels (Bỉ) cho rằng, một con tàu du lịch lớn với trọng tải tầm 250.000 tấn có thể đốt ít nhất 150 tấn nhiên liệu/ngày, 450 kg hạt siêu mịn/ngày và thải ra nhiều lưu huỳnh hơn vài triệu ô tô, nhiều khí NO2 hơn tất cả phương tiện giao thông đi qua một thị trấn cỡ trung bình và lượng khí thải dạng hạt nhiều hơn hàng ngàn xe buýt ở London (Anh). Tổ chức phi chính phủ Transport & Environment báo cáo rằng 218 tàu biển hoạt động ở châu Âu năm 2022 đã phát thải lượng oxit lưu huỳnh nhiều hơn 4 lần so với tất cả số ô tô của châu lục này.

Ngay cả lợi ích dễ thấy nhất của tàu biển cũng bị đánh giá lại, đó là khả năng chi tiêu mua sắm của hàng triệu khách tàu biển tại các điểm đến châu Âu mỗi năm. Thực tế là trên những tàu biển cỡ lỡn, ví dụ như tàu Wonder of the Seas, tất cả đồ ăn thức uống hay đồ lưu niệm, kể cả xa xỉ phẩm thường có sẵn trên tàu. Tàu Wonder of the Seas có tới 20 nhà hàng, một rạp hát và các cửa hàng miễn thuế. Một nghiên cứu từ Bergen (Na Uy) cho rằng, có tới 40% số hành khách chưa bao giờ rời khỏi các tàu du lịch. Tại các cảng ở châu Âu, tàu du lịch chỉ lưu lại trung bình 8 giờ đồng hồ hoặc ít hơn tùy hành trình.

Theo ông Laurent Lhardit, Phó thị trưởng chuyên trách du lịch Marseille (Pháp), lợi ích kinh tế do nhóm du khách này mang lại không đáng kể so với những thiệt hại cho môi trường. “Mỗi con tàu như một thành phố với 6.000 - 8.000 dân, nên đương nhiên là nhu cầu năng lượng của tàu sẽ rất cao, gây sức ép về môi trường, trong khi thời gian tàu dừng ở cảng để khách lên bờ đi tham quan là quá ngắn nên cũng không đóng góp được nhiều cho kinh tế Marseille”, ông Lhardit nói.

Marseille không phải nơi đầu tiên và duy nhất cả ở Pháp và châu Âu phản đối các tàu du lịch biển. Năm 2021, Venice (Italia) đã cấm các tàu du lịch lớn neo đậu ở trung tâm văn hóa lịch sử của thành phố và tàu du lịch không còn được phép chạy vào kênh Giudecca của Venice, do những con tàu khổng lồ đã che khuất các cảnh quan lâu đời. Thiệt hại từ hoạt động du lịch tàu biển đối với khu đầm phá khiến UNESCO khuyến cáo đưa Di sản thế giới Venice vào danh sách “đang bị đe dọa”.

Thành phố Palma de Mallorca (Tây Ban Nha) cũng đang xem xét áp dụng lại các giới hạn đối với tàu du lịch, từng được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2022. Quy định này sẽ chỉ cho phép 3 tàu cập cảng mỗi ngày và chỉ có 1 tàu trong số đó được phép có sức chứa hơn 5.000 khách. Các chính trị gia ở Tây Ban Nha cũng đã đề xuất một số quy định chặt chẽ hơn về thuế và việc sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm của tàu du lịch.

Một trung tâm du lịch khác ở Tây Ban Nha là Barcelona cũng đã dừng cho phép tàu du lịch cập cảng phía Bắc từ tháng 10.2023. Khoảng 340 tàu đến Barcelona mỗi năm, từ nay sẽ phải cập một bến khác cách khá xa khu dân cư của thành phố. Tương tự, tại Amsterdam (Hà Lan), hội đồng thành phố này đã bỏ phiếu đóng cửa bến du thuyền nhằm hạn chế ô nhiễm và giảm lượng khách du lịch.

Các tàu du lịch đến thăm Scotland sẽ phải chịu một khoản thuế mới theo kế hoạch được Đảng Xanh (Scottish Green) công bố gần đây. Khoản thuế này sẽ giải quyết “thách thức kép” về khí thải và tình trạng quá tải du lịch. Một lãnh đạo của Đảng Scottish Green khẳng định một con tàu tạo ra lượng khí thải tương đương với 12.000 ô tô, vì vậy thuế du lịch sẽ khuyến khích các hãng sử dụng loại tàu ít gây ô nhiễm hơn.

Theo CLIA, các hãng du lịch đã đặt mua 63 chiếc tàu trong vòng 5 năm tới, bên cạnh 350 chiếc đang hoạt động với chi phí đầu tư lên tới 47 tỉ euro ở châu Âu. Đồng thời ngành tàu biển cũng đang thực hiện nhiều động thái nhằm cải thiện các tác động đến môi trường và xã hội. Một số hãng du thuyền đã cam kết cắt giảm 40% lượng khí thải carbon vào năm 2030, thậm chí có hãng tàu đã đăng ký cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050.