Xu hướng tiết kiệm ở đất nước tỉ dân

THÁI AN

VHO - Du lịch Trung Quốc đang phục hồi trở lại với những xu hướng độc lạ để phù hợp với bối cảnh kinh tế khó khăn và hậu đại dịch Covid-19.

 Xu hướng tiết kiệm ở đất nước tỉ dân - ảnh 1
Du khách đi thuyền trên sông Dongxi ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến Ảnh: XINHUA

Tiết kiệm và hướng về nội tâm đã trở thành một trong những điều kiện hàng đầu để giới trẻ ở Trung Quốc “xách balo lên và đi”. Trong bối cảnh hiện nay, dù là học tập, công việc hay cuộc sống, các bạn trẻ đều đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều mặt như “đậu trường top”, “ra trường tìm việc”, “sống sót trong môi trường công sở”… Do đó, giới trẻ Trung Quốc cần một lối thoát để trút bỏ cảm xúc, giải phóng những áp lực tích tụ bấy lâu.

Một số bạn trẻ lấy việc viếng chùa và thắp hương như một cách để giải tỏa căng thẳng. Thế là những ngôi chùa đã trở thành nơi nuôi dưỡng tinh thần. Trong chùa, họ sẽ trải nghiệm chiều sâu và tinh hoa của văn hóa Phật giáo. Ví dụ, ở Ung Hòa cung, một ngôi chùa và tu viện của trường phái Gelug thuộc đạo Bụt Tây Tạng nằm ở Đông Thành, Bắc Kinh cầu sự nghiệp xin vòng tay may mắn; nghe tiếng chuông cầu bình an ở chùa Hàn Sơn (Tô Châu); du ngoạn cổ kính và cầu phúc cầu tài ở chùa Đại Minh (Giang Tô)...

Theo thống kê, giới trẻ Trung Quốc dành sự quan tâm nhiều hơn vào các lễ hội âm nhạc lớn, triển lãm nghệ thuật, bảo tàng và buổi hòa nhạc... Ngày càng có nhiều bạn trẻ thích đi du lịch để theo đuổi sở thích và đặc điểm tính cách của mình. Họ du lịch để khám phá những nền văn hóa mới, gặp gỡ những người mới và thu thập những kỷ niệm từ chuyến đi. Chiêm ngưỡng nghệ thuật ánh sáng và bóng tối tại Bảo tàng Nghệ thuật Không biên giới Thượng Hải, trải nghiệm nhập vai trong Thành phố giả tưởng kịch Hà Nam, vội vã hòa vào sự tự do tại Lễ hội âm nhạc Tiên Nhân Chưởng Thành Đô...

Hoặc nhiều nhóm khác lại thích tập trung vào việc check-in và chia sẻ, đồng thời ghi lại những khoảnh khắc trong chuyến du lịch bằng cách chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội. Họ thường tìm kiếm các điểm nổi tiếng trực tuyến, chẳng hạn như phong cảnh đẹp, kiến trúc... với mục đích check-in và ghi lại khoảnh khắc bằng máy ảnh hoặc điện thoại. Loại hình du lịch này cũng đã dẫn dắt ngành du lịch phát triển theo hướng cá nhân hóa và đa dạng hơn, mang đến những trải nghiệm hấp dẫn tinh tế hơn và dịch vụ chụp ảnh để đáp ứng nhu cầu của nhóm người mê chụp ảnh và mạng xã hội.

Cũng có bộ phận không nhỏ những người trẻ Trung Quốc đã chọn cách du lịch… tốc hành, được gọi là “du lịch kiểu quân đội”, tức là sau giờ làm việc hoặc học tập của ngày thứ Sáu, họ sẽ đi thẳng đến ga tàu cao tốc, vượt hàng ngàn km trong 30 giờ, ghé thăm 3 thành phố, check-in hơn một chục danh lam thắng cảnh và đến công sở như thường lệ vào 8 giờ sáng thứ Hai. Loại hình du lịch check-in và tập trung vào số lượng này được giới trẻ ưa chuộng và liên tục tạo ra xu hướng, lan truyền từ thành phố này đến thành phố khác.

Những người trẻ tuổi ngột ngạt bắt đầu đi du lịch đến cùng cực để tối đa hóa mục tiêu du lịch trong thời gian và ngân sách hạn chế. Ngủ trên tàu vào ban đêm, đi bộ không ngừng nghỉ vào ban ngày, chơi đùa khắp thành phố 24 giờ… mệt mỏi là cơ thể, nhưng thỏa mãn là trái tim.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc lại thích khám phá một số điểm đến du lịch xa xôi và ít người biết đến, khám phá những góc bị lãng quên và vẻ đẹp tiềm ẩn, trải nghiệm khác với du lịch chính thống. Họ không chạy theo đám đông, mà tìm kiếm những nơi độc đáo dành riêng cho mình như trấn cổ Nam Tuần ở Hồ Châu để trải nghiệm hương vị cổ xưa của miền Giang Nam, đến đảo Đông Cực ở Chu Sơn để trải nghiệm cuộc sống ngư dân làng chài, đến hồ Sayram ở Tân Cương để đắm mình trong cánh đồng cỏ bên hồ xanh ngắt như gương soi...

Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết, khách du lịch đã thực hiện tổng cộng 295 triệu chuyến đi trong Trung Quốc đại lục ở kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, kết thúc vào Chủ nhật. Con số này nhiều hơn 28% so với số chuyến đi được thực hiện trong kỳ nghỉ Lễ Lao động năm 2019, chỉ kéo dài 4 ngày. Doanh thu du lịch Ngày lễ Lao động năm nay là 166,89 tỉ nhân dân tệ (23,6 tỉ USD), chỉ cao hơn 13,5% so với mức năm 2019. Điều đó có nghĩa là khách du lịch chi tiêu ít tiền hơn cho mỗi chuyến đi so với 5 năm trước, khi chi tiêu trung bình của họ giảm 6%. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc