Nghịch lý phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc (Cao Bằng): Không dám... quảng bá nhiều
VHO- Tại Hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch vừa tổ chức, ông Trương Thế Vinh, Phó giám đốc Sở VHTTDL Cao Bằng, Trưởng ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, cho biết: "Phải xin nói thật là chúng tôi không dám quảng bá nhiều vì chỉ sợ khách đến rồi thất vọng hoặc có cảm giác không thoải mái bởi hiện nay Khu du lịch thác Bản Giốc liên tục trong trạng thái kín chỗ ăn, ở vào những ngày cuối tuần".
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế rất rõ ràng để phát triển đột phá về du lịch, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận du lịch Cao Bằng, đặc biệt là ở Khu du lịch thác Bản Giốc chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Nhận định này được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội thảo Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch vừa tổ chức tại Hà Nội.
Hơn 50% khách đến Cao Bằng là đến thác Bản Giốc
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (TCDL), đơn vị thực hiện Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc đánh giá: Xung quanh khu vực thác Bản Giốc, còn rất nhiều tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hoá để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó, điển hình là dòng sông Quây Sơn cả phía thượng lưu và hạ lưu thác Bản Giốc; chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc; động Ngườm Ngao và thung lũng quanh động Ngườm Ngao; Không gian văn hoá Tày, Nùng; cảnh quan khu vực thượng lưu thác Bản Giốc; tuyến vành đai biên giới Việt Nam - Trung Quốc; không gian sinh thái nông nghiệp; du lịch lễ hội, tham quan chợ vùng biên; ẩm thực đặc sắc của địa phương; sản vật địa phương phục vụ mua sắm và các tài nguyên khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trong cuộc làm việc với tỉnh Cao Bằng vào hồi tháng 3.2019 đã yêu cầu tỉnh Cao Bằng “Tập trung phát triển hạ tầng du lịch, trong đó trọng tâm là xây dựng chiến lược, quy hoạch du lịch; xây dựng môi trường, sản phẩm du lịch phong phú đa dạng. Phát triển mạnh ngành du lịch theo hướng bền vững, lấy màu xanh của thiên nhiên, các cảnh quan kì vĩ còn được bảo tồn nguyên vẹn và các giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc, truyền thống cách mạng là giá trị cốt lõi, yếu tố khác biệt để định vị các sản phẩm du lịch mà không có địa phương nào có được. Xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc, Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh”.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo Sở VHTTDL Cao Bằng, trong tổng số 1,3 triệu lượt khách (110.000 lượt khách quốc tế) đến Cao Bằng năm 2018, có 750.000 lượt khách, chiếm 57% (80.000 lượt khách quốc tế, chiếm 73%) đến thác Bản Giốc. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến Cao Bằng năm 2018 đạt 23,6%, 9 tháng đầu năm 2019 đạt tốc độ 39%, đạt 219% kế hoạch năm. Hiện nay, có tới 90% khách đến Cao Bằng là khách nội địa. Tỉ lệ này chắc chắn sẽ thay đổi khi tháng 12 tới, Hiệp định Hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)- Đức Thiên (Trung Quốc) bắt đầu thực hiện với việc khai thông lối mở, khai thác khu cảnh quan chung 200ha. “Lâu nay, khách Trung Quốc rất muốn sang tham quan thác Bản Giốc của Việt Nam, nếu không giới hạn số lượng, con số khách có thể lên tới hàng nghìn người mỗi ngày. Phía Trung Quốc cũng đề xuất một ngày 3.000- 5.000 khách sang thăm thác Bản Giốc ở khu vực khai thác chung. Tuy nhiên, thời gian đầu thí điểm thực hiện Hiệp định, chỉ 200 người mỗi bên qua lại trong ngày. Việc lắp đặt trạm kiểm soát, camera an ninh và công tác chuẩn bị khác đã trong quá trình hoàn tất”, ông Trương Thế Vinh, Phó giám đốc Sở VHTTDL Cao Bằng, Trưởng ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng nói.
Phát triển phải gắn với bảo vệ tài nguyên
Cũng theo chia sẻ của ông Trương Thế Vinh, hiện nay Cao Bằng rất thận trọng trong việc phát triển du lịch và tự lượng sức để thực hiện công tác quảng bá: Phải xin nói thật là chúng tôi không dám quảng bá nhiều vì chỉ sợ khách đến rồi thất vọng hoặc có cảm giác không thoải mái vì hiện nay Khu du lịch thác Bản Giốc liên tục trong trạng thái kín chỗ ăn ở những ngày cuối tuần”.
Ông Phạm Hoài Chung (Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT) cho rằng, khó khăn nhất hiện nay của Cao Bằng để phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc là hệ thống giao thông còn yếu kém. Cao Bằng là 1 trong 6 tỉnh đến giờ chưa có kết nối cao tốc với Hà Nội. Ông Chung dẫn ra ví dụ việc hệ thống giao thông có tác động rất lớn đến phát triển du lịch: Lào Cai khi chưa có cao tốc nối với Hà Nội, năm 2013 chỉ đón 700.000 lượt khách nhưng năm 2018 đã đón 4,5 triệu lượt khách, thời gian di chuyển từ Hà Nội đi Lào Cai cũng giảm từ 8-10 tiếng xuống chỉ còn 3-4 tiếng; cao tốc Hạ Long- Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến Vân Đồn xuống còn 2,5- 3 tiếng thay vì 7 tiếng trước đây… Hi vọng việc cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được xây dựng và đi vào sử dụng năm 2023 sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Đồng Đăng đi Trà Lĩnh từ 3,5 tiếng xuống còn 1 tiếng. Việc này sẽ giúp cho du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của Cao Bằng phát triển mạnh mẽ hơn.
Khách du lịch tìm đến thác Bản Giốc để có những trải nghiệm thú vị đang ngày một tăng Ảnh: T.H
Những lo ngại của Cao Bằng cũng là góp ý của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia du lịch với tỉnh này trong quá trình phát triển du lịch. Cần phải có sự chuẩn bị kĩ để đón khách chứ không phải cứ mời khách đến rồi để khách tự xoay xở lo ăn ở, đi lại. Hiện trạng cơ sở vật chất ở khu vực thác Bản Giốc hiện còn rất thiếu thốn. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn (TCDL), cần phải có quy hoạch và định hướng trong việc phát triển cơ sở lưu trú ở đây, cần nhiều loại hình, phù hợp với nhiều loại khách, không phải cứ thiếu là phải xây các nhà hàng, khách sạn thật to, thật hiện đại. Nếu ngay từ đầu không phát triển từ gốc rễ, rất dễ dẫn đến tình trạng “thất thủ”, không kiểm soát được, làm tổn hại đến tài nguyên, di sản.
Các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp du lịch đều đồng quan điểm việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Khu du lịch thác Bản Giốc phải đảm bảo thực hiện đầy đủ nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững, coi trọng hàng đầu đến bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy tối đa các giá trị tự nhiên và truyền thống, bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc.
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái nông lâm nghiệp, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù thác Bản Giốc theo hướng tăng cường kết nối với các điểm đến, sản phẩm du lịch khác của tỉnh Cao Bằng và các địa phương lân cận.
Phải xin nói thật là chúng tôi không dám quảng bá nhiều vì chỉ sợ khách đến rồi thất vọng hoặc có cảm giác không thoải mái bởi hiện nay Khu du lịch thác Bản Giốc liên tục trong trạng thái kín chỗ ăn, ở vào những ngày cuối tuần. (Ông TRƯƠNG THẾ VINH, Phó giám đốc Sở VHTTDL Cao Bằng) |
Cần phải có quy hoạch và định hướng trong việc phát triển cơ sở lưu trú ở đây, cần nhiều loại hình, phù hợp với nhiều loại khách, không phải cứ thiếu là phải xây các nhà hàng, khách sạn thật to, thật hiện đại. Nếu ngay từ đầu không phát triển từ gốc rễ, rất dễ dẫn đến tình trạng “thất thủ”, không kiểm soát được, làm tổn hại đến tài nguyên, di sản. (Bà NGUYỄN THANH BÌNH, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn TCDL) |
THUÝ HÀ