Ngành Du lịch đang đứng trước những cơ hội lịch sử
VHO - Năm 2025, ngành Du lịch phấn đấu thực hiện mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 980 - 1.050 nghìn tỉ đồng.
Ngày 26.12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong và Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các phòng, đơn vị trực thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Khách du lịch quốc tế tăng gần 40%
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Năm vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Du lịch vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đạt được các chỉ số quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Hội nghị này được tổ chức nhằm làm rõ hơn những thuận lợi và khó khăn của ngành Du lịch, đánh giá lại những nhiệm vụ đã thực hiện năm 2024 và đưa ra giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ năm 2025 hiệu quả cao hơn, quảng bá tốt hơn hình ảnh quốc gia ra thế giới, đóng góp nhiều hơn cho ngành VHTTDL và nền kinh tế, tạo động lực phát triển các ngành khác và tạo nhiều việc làm cho xã hội”.
Năm 2024 là năm thứ 4 nước ta thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, năm tăng tốc, bứt phát việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, đặc biệt cơn bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch của nhiều địa phương khu vực miền Bắc.
Trong khi đó, ngành Du lịch toàn cầu vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động, thay đổi nhanh với nhiều yếu tố bất định, diễn biến phức tạp tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng kinh thế toàn cầu. Xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng rõ nét hơn; cạnh tranh giữa các điểm đến trong cùng khu vực ngày càng gay gắt…
Được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ VHTTDL; sự ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương; sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, vượt lên trên tất cả những khó khăn đó, ngành Du lịch vẫn có một năm đạt được thành tựu rõ nét.
Với phương châm hành động “tăng tốc, sáng tạo, về đích” và tinh thần “3 quyết tâm, 4 chủ động, 5 hiệu quả”, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ động tham mưu nhiều giải pháp, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và đạt được những kết quả quan trọng trong năm 2024.
Thay mặt lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho biết: “Năm vừa qua, du lịch đã tăng trưởng ấn tượng, trở thành điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.
Năm 2024, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt; tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng khách du lịch nội địa năm 2024 ước đạt 110 triệu lượt; tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch năm 2024 ước đạt khoảng 840 nghìn tỉ đồng; tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ tình hình thực tiễn, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, tham mưu đúng, trúng và kịp thời cho lãnh đạo Bộ trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, các nhiệm vụ chính trị thường xuyên cũng như nhiệm vụ đột xuất đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ theo Kế hoạch công tác năm 2024.
Công tác xây dựng thể chế, chính sách phát triển du lịch tiếp tục được chú trọng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã hoàn thành 5 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: Tham mưu ban hành công điện về nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới (Công điện số 06/CĐ-TTg).
Xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh, bền vững thời gian tới (Chỉ thị 08/CT-TTg); Kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch (Quyết định số 335/QĐ-TTg; Quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 9/10/2024 về việc thay đổi thành viên tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch).
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 509/QĐ-TTg); Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thống kê, rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh (Công văn 1028/CDLQGVN-VP). Đây là những văn bản có tính chất chỉ đạo, định hướng quan trọng của Ngành, tạo ra động lực mới, thúc đẩy tăng tốc phát triển du lịch trong giai đoạn tới.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã hoàn thành 2/3 nhiệm vụ cam kết với Bộ trưởng: Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TTBVHTTDL và Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL (Thông tư 04/2024/TT-BVHTTDL); Tổ chức công bố, phổ biến triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045. Hoàn thành các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm 2024…
Trong năm 2024, hoạt động du lịch trên phạm vị cả nước tiếp tục duy trì được đà phục hồi và tăng tốc phát triển. Số lượng khách du lịch nội địa vẫn duy trì tốc độ phát triển; số lượng khách quốc tế tăng cao ở nhiều điểm đến. Giá phòng và các dịch vụ du lịch không có nhiều biến động lớn. Tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm đến được đảm bảo… Kết quả khách quốc tế tăng cao chứng tỏ hướng đi đúng, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách, định hướng làm mới sản phẩm, công tác xúc tiến, quảng bá hiệu quả cả trên thực địa và trên các nền tảng số cùng hiệu ứng tích cực từ chính sách thị thực mới, trong đó có những đóng góp của cơ quan Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Một số điểm sáng đáng chú ý trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam năm vừa qua là công tác xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch tiếp tục có chuyển biến tích cực với nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong phát triển thị trường.
Tổ chức đăng cai Hội nghị Quốc tế về Du lịch Nông thôn của Tổ chức Du lịch Liên Hiệp quốc (UN Tourism) lần thứ nhất tại Quảng Nam. Hội nghị không chỉ là sự kiện thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm và uy tín của Việt Nam trong các tổ chức du lịch quốc tế, qua đó thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển du lịch bền vững của UN Tourism.
Công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, định hướng, điều hành để hoạt động du lịch trên địa bàn cả nước diễn ra sôi động, an toàn. Công tác xây dựng thể chế, chính sách phát triển du lịch tiếp tục được quan tâm.
Tuy nhiên, có thể thấy, sự phối hợp liên ngành, liên vùng trong phát triển du lịch còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch chưa đồng bộ.
Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và chưa tạo được sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch còn bất cập. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ - thương mại, nhất là về trình độ ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là sau dịch bệnh Covid-19.
Ngành Du lịch đặt mục tiêu cao nhất là đạt trên 1 triệu tỉ đồng năm 2025
Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025. Năm 2025 cũng là năm có nhiều ngày lễ lớn của đất nước: Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Ngành Du lịch đang đứng trước những cơ hội lịch sử xuất phát từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vai trò động lực của Du lịch trong nền kinh tế; thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh”, ông Hà Văn Siêu nói. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng để có thể đáp ứng các xu hướng du lịch mới của toàn cầu: du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; du khách lựa chọn điểm đến ít đông đúc hơn; chuyển đổi từ “tham quan” sang “trải nghiệm”; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch gia đình đa thế hệ; du lịch nhờ AI thiết kế lịch trình… Những xu hướng sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có vừa đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa mạnh mẽ như hiện nay.
Có lẽ vì vậy, ngành Du lịch tiếp tục đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng: Năm 2025, đón 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 120-130 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 980 - 1.050 nghìn tỉ đồng.
Trong đó, toàn ngành sẽ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ để đạt được những mục tiêu trên: Nhóm các nhiệm vụ xây dựng văn bản, đề án quản lý nhà nước; Nhóm các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP, Chỉ thị 08/CT-TTg, Công điện 06/CĐ-TTg; Nhóm các nhiệm vụ hội nghị, hội thảo; Nhóm các nhiệm vụ truyền thông, xúc tiến, quảng bá; Nhóm các nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch công tác.
Tại Hội nghị, đại diện các phòng, đơn vị thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phát biểu tham luận, thảo luận về các kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, phương hướng nhiệm vụ trong năm 2025 cũng như các đề xuất kiến nghị của đơn vị đến lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Biểu dương những cố gắng, nỗ lực của ngành Du lịch trong năm qua, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong năm 2024 cho biết: “Vượt qua những khó khăn, thách thức, ngành Du lịch đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra, về đích với những kết quả rất tốt đẹp. Có thể khẳng định, ngành Du lịch tiếp tục là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của ngành VHTTDL và đất nước trong năm 2024”.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, một trong những điểm nhấn quan trọng của ngành Du lịch trong công tác xây dựng văn bản, đề án quản lý nhà nước năm 2024 đó là đã tham mưu Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 ngày 23.2.2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới. Đây là một trong những định hướng rất quan trọng để đổi mới hoạt động quản lý nhà nước, đẩy mạnh xúc tiến du lịch trong thời gian tới.
Công tác quảng bá xúc tiến du lịch được Thứ trưởng Hồ An Phong đặc biệt đánh giá cao. Trong đó, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự 3 cuộc xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là thông điệp mạnh mẽ, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với các hoạt động du lịch, uy tín của ngành tăng lên, khẳng định tầm quan trọng của ngành đối với nền kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, các cuộc xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước cũng ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia, cho thấy vai trò dẫn dắt, định hướng của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tăng lên, công tác xúc tiến hiệu quả cao hơn. Các cuộc quảng bá xúc tiến cũng gắn với các sản phẩm cụ thể như: mở đường bay thẳng, giới thiệu sản phẩm du lịch mới, điểm đến mới…
Tháng 12.2024, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism tại Hội An (Quảng Nam). Đây là một trong những hội nghị tầm cỡ quốc tế lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức trong năm 2024, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia trên toàn thế giới, đại diện cho các cơ quan quản lý cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.
Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị, thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia cần tham mưu cấp có thẩm quyền tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, 7 năm thực hiện Luật Du lịch 2017.
Tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Du lịch, xây dựng lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Du lịch để phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, tham mưu công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về du lịch trong thời gian tới.
Năm 2025 Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục tập trung vào công tác quản lý nhà nước về du lịch và quảng bá, xúc tiến du lịch. Nghiên cứu sâu các thị trường và đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là ở các thị trường quốc tế trọng điểm.
Cục cần đồng hành với các địa phương, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương phát triển du lịch vì hiện nay có rất nhiều địa phương muốn làm du lịch, thậm chí không làm gì khác hơn là làm du lịch.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị trong Bộ VHTTDL, với các ngành khác, tiếp tục phát huy những thành quả tích cực trong năm 2024, khắc phục những tồn tại hạn chế để đưa ngành Du lịch tăng tốc, phát triển trong thời gian tới.
Thứ trưởng yêu cầu, cần có tầm nhìn rộng, phát huy tính chủ động, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển du lịch. Khẳng định ngành Du lịch phát triển bền vững sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị ngành Du lịch đón bắt được thời cơ phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.