Tăng cường kết nối du lịch giữa Hà Nội và Phú Yên:

Mở rộng tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây

CẨM TÚ

VHO - Trong hai ngày 18 và 19.4, đoàn công tác của Sở Du lịch Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành Thủ đô do bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội dẫn đầu đã có chuyến tham quan, khảo sát điểm đến và dịch vụ tại tỉnh Phú Yên.

Mở rộng tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây - ảnh 1
Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên Đặng Hồng Lĩnh tặng bức ảnh tháp Nghinh Phong, biểu tượng du lịch mới của Phú Yên cho Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang. Ảnh: TRẦN QUỚI

Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa hai địa phương, hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng và khai thác hiệu quả tiềm năng của tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây.

Phú Yên: “Viên ngọc xanh” miền Trung giàu tiềm năng du lịch

Trong chuyến khảo sát, đoàn đã đến thăm hàng loạt điểm đến nổi bật của Phú Yên như: Gành Đá Đĩa - di tích quốc gia đặc biệt, Tháp Nhạn, danh thắng quốc gia Hòn Yến, Bãi Môn, Mũi Điện - nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam, Thiền viện Trúc Lâm, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Thanh Lương, làng muối Tuyết Diêm…

Đoàn cũng tìm hiểu dịch vụ lưu trú, ẩm thực tại TP Tuy Hòa – trung tâm du lịch của tỉnh. Sau chuyến khảo sát, các đại biểu đã tham dự Hội nghị xúc tiến, quảng bá, kết nối phát triển du lịch Hà Nội - Phú Yên.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang đánh giá cao tiềm năng du lịch Phú Yên: “Đây là vùng đất sở hữu hệ sinh thái biển - rừng - đồng bằng hài hòa, phong cảnh hoang sơ, hữu tình và bản sắc văn hóa đậm đà”.

“Không chỉ có bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp, Phú Yên còn có nhiều di sản kiến trúc, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực độc đáo, rất phù hợp để xây dựng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm, du lịch xanh, du lịch học đường cho khách Hà Nội”, bà Đặng Hương Giang nói.

Thực tế cho thấy, từ Hà Nội đến Phú Yên hiện nay đã hết sức thuận tiện, chỉ hơn một giờ bay. Tuy nhiên, lượng khách từ Thủ đô đến Phú Yên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp Hà Nội chưa đưa Phú Yên vào nhóm tuyến trọng điểm thường xuyên, một phần vì sản phẩm chưa đủ đa dạng và chưa có sự kết nối liên vùng mạch lạc.

Mở rộng tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây - ảnh 2
Các đại biểu tham dự khảo sát và Hội nghị xúc tiến, quảng bá, kết nối phát triển du lịch Hà Nội - Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI

Hà Nội - thị trường trọng điểm, đầu tàu kết nối du lịch cả nước

Hà Nội hiện là một trong những thị trường du lịch lớn nhất cả nước, với lượng khách nội địa thường xuyên vượt mốc 20 triệu lượt/năm. Đây cũng là trung tâm trung chuyển, tổ chức tour, kích cầu du lịch đi các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Việc thúc đẩy dòng khách từ Hà Nội đến Phú Yên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần khẳng định thương hiệu điểm đến miền duyên hải Nam Trung Bộ trên bản đồ du lịch quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị kết nối, ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên nhấn mạnh: “Thời gian tới, theo chủ trương của Trung ương, tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk sẽ hợp nhất. Đây sẽ là vùng kinh tế, du lịch đa dạng, vừa có biển, có rừng, vừa có không gian văn hóa đặc sắc từ Tây Nguyên xuống đồng bằng duyên hải”.

“Sự liên kết với thị trường Hà Nội sẽ là “đòn bẩy” quan trọng để thúc đẩy du lịch hai chiều và hình thành tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây có tính kết nối vùng”, ông Đặng Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Mở rộng tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây - ảnh 3
Mũi Điện Phú Yên – Một trong những nơi đón ánh bình minh đầu tiên ở Việt Nam

Giải pháp thu hút khách Hà Nội đến Phú Yên

Từ thực tiễn khảo sát và trao đổi giữa doanh nghiệp hai địa phương, một số giải pháp đã được đề xuất nhằm tăng cường thu hút khách du lịch từ Hà Nội đến Phú Yên.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng đặc trưng, kết nối các điểm đến từ Phú Yên - Đắk Lắk - Gia Lai - Bình Định thành chuỗi trải nghiệm liên hoàn: Từ biển đến cao nguyên, từ ẩm thực ven biển đến văn hóa cồng chiêng, từ làng nghề truyền thống đến du lịch xanh.

 Phát triển sản phẩm du lịch chuyên đề cho khách Hà Nội như: Du lịch nghỉ dưỡng mùa đông, du lịch học đường, du lịch kết hợp hội nghị (MICE), trải nghiệm văn hóa - ẩm thực, nhiếp ảnh cảnh quan và du lịch sức khỏe.

Tăng tần suất và ưu đãi đường bay Hà Nội - Tuy Hòa với việc đề xuất với các hãng hàng không tăng chuyến vào dịp cao điểm, mở bán sớm combo vé máy bay, khách sạn, trải nghiệm đặc sắc với mức giá ưu đãi dành riêng cho thị trường Hà Nội.

Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội khảo sát xây dựng sản phẩm mới. Tổ chức định kỳ các đoàn famtrip, presstrip để doanh nghiệp, báo chí tiếp cận, khai thác tài nguyên du lịch Phú Yên.

Đẩy mạnh truyền thông số, định vị thương hiệu “Phú Yên - vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ”. Tập trung nội dung video, mạng xã hội và các nền tảng booking nhằm tiếp cận du khách Hà Nội theo xu hướng mới.

Xây dựng cơ chế kích cầu hai chiều qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp Phú Yên tham gia Hội chợ VITM Hà Nội, Lễ hội quà tặng Hà Nội, tổ chức “Ngày Phú Yên tại Thủ đô”, kết nối sâu với các trường đại học, cơ quan, hiệp hội ngành nghề tại Hà Nội.

Mở rộng tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây - ảnh 4
Phú Yên - vùng đất hoa vàng cỏ xanh

Hướng tới một tuyến du lịch hành lang Đông - Tây bền vững

Việc Hà Nội và Phú Yên tích cực kết nối du lịch không chỉ nhằm tăng trưởng lượng khách, mà còn là cơ hội để hai địa phương phát huy thế mạnh bổ sung từ trung tâm điều phối tour đến điểm đến giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

Với sự đồng hành giữa cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, tuyến du lịch hành lang kinh tế Đông - Tây hứa hẹn trở thành một “mạch xanh” liên kết phát triển bền vững giữa ven biển miền Trung và cao nguyên Tây Nguyên, nơi du khách không chỉ đến một lần, mà còn muốn quay lại nhiều lần sau nữa.