Lễ hội Nguyễn Trung Trực thu hút hơn 1 triệu lượt khách

THẾ HẠNH

VHO - Tỉnh Kiên Giang đã tổ chức cuộc họp báo cáo kết quả tổ chức Lễ hội truyền thông kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (1868 - 2024). Lễ hội năm nay đón tiếp 841 đoàn (tăng 12 đoàn so năm 2023), 1.687.000 lượt khách đến tham quan và dâng hương (tăng 600 ngàn lượt so năm 2023).

Lễ hội Nguyễn Trung Trực thu hút hơn 1 triệu lượt khách - ảnh 1
Đông đảo nhân dân trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về dâng hương tại Lễ hội

Đến với Lễ hội, người dân và du khách còn được tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa và hiểu thêm về truyền thống lịch sử, cách mạng của dân tộc ta, về cuộc đời và sự hy sinh của AHDT Nguyễn Trung Trực.

Điển hình là Liên hoan sân khấu thanh niên với chủ đề “Khí phách người anh hùng dân tộc” tại Nhà Thiếu nhi tỉnh, có 05 đội thi, với trên 200 diễn viên là quý thầy cô và học sinh đến từ các Trường THCS-THPT, THPT trên địa bàn thành phố Rạch Giá. Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Kiên Giang, chủ đề “Tuần lễ hoạt động văn hóa - Xây dựng nông thôn mới năm 2024” tại Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh, với sự tham gia của hơn 200 tài tử của 24 đội, nhóm Đờn ca tài tử các huyện, thành phố trong tỉnh và Không gian Đờn ca tài tử Nam Bộ tại Công viên tượng đài Nguyễn Trung Trực, với 70 tiết mục biểu diễn và giao lưu cùng nhân dân.

Không gian trưng bày, giới thiệu du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Kiên Giang và khảo sát điểm du lịch tại Kiên Giang, giới thiệu hơn 2.000 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của 25 chủ thể thuộc tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Cùng với đó là các hoạt động như: Đêm hội hoa đăng; trưng bày triển lãm Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; hội thi cộ hoa; giải Vovinam các lứa tuổi tỉnh Kiên Giang; triển lãm ảnh nghệ thuật “Kiên Giang - Đất nước - Con người”; trình diễn Thư pháp; biểu diễn Lân - Sư - Rồng; diễu hành xe hoa; hội thi chim hót nghệ thuật…

Lễ hội Nguyễn Trung Trực thu hút hơn 1 triệu lượt khách - ảnh 2
Không gian Đờn ca tài tử hàng đêm luôn thu hút người dân theo dõi và cổ vũ

Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Mộ và Đình Nguyễn Trung Trực xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, sắp xếp nhân sự 25 bộ phận chuyên trách, gồm 2.556 công quả tình nguyện góp công sức phục vụ Lễ hội; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân ủng hộ vật phẩm đảm bảo phục vụ Lễ hội; tiếp nhận hơn 128 ngàn kg gạo; hơn 2.800 kg nếp; 392 tấn rau củ quả và gia vị các loại để chế biến các món ăn phục vụ miễn phí nhân dân.

Thông qua các hoạt động Lễ hội đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tính nhân văn và đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong các hoạt động của Lễ hội; đồng thời đảm bảo việc quản lý, thực hiện đúng định hướng của nhà nước về hoạt động Lễ hội. Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, việc tổ chức Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang” hướng đến việc thu hút đầu tư, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển thương hiệu và tăng cường quảng bá hình ảnh, đất nước, con người thành phố Rạch Giá nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung đến du khách trong và ngoài nước; quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần gìn giữ và phát triển di sản văn hóa dân tộc.