Để du lịch cất cánh từ kho báu văn hóa Việt (Bài cuối):
Làm gì để Việt Nam trở thành cường quốc du lịch văn hóa?
VHO - Trong kỷ nguyên của trải nghiệm và cảm xúc, khi du lịch toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng bản địa hóa và cá nhân hóa, Việt Nam có đủ điều kiện để vươn lên trở thành cường quốc du lịch văn hóa nếu biết khơi dậy đúng mạch nguồn sáng tạo từ kho báu di sản và đầu tư chiến lược cho công nghiệp văn hóa.

Mỗi điểm đến không bị giới hạn trong “đi - xem - về”
Trên hành trình khám phá thế giới, điều khiến mỗi du khách nhớ mãi và muốn quay lại không phải là những khách sạn sang trọng hay dịch vụ hoàn hảo, mà chính là sự khác biệt, bản sắc văn hóa địa phương, hồn cốt của mỗi vùng đất.
Trong cuộc đua ngày càng khốc liệt của các điểm đến, văn hóa chính là lợi thế cạnh tranh bền vững nhất. Văn hóa không chỉ là điều được kể lại, mà trở thành một phần sống động trong trải nghiệm hiện đại. Vì thế, Việt Nam cần kiến tạo những hệ sinh thái công nghiệp văn hóa vững chắc ngay tại điểm đến.
Không dừng lại ở vài sản phẩm lưu niệm hay lễ hội truyền thống tổ chức rải rác, công nghiệp văn hóa đòi hỏi một hệ thống vận hành liên ngành, nơi các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhạc sĩ, thiết kế, biên kịch cùng nhau thiết kế, sáng tạo nội dung.
Các không gian sáng tạo, bảo tàng, sân khấu, xưởng thủ công trở thành nơi sản xuất và trình diễn. Các nền tảng số, cửa hàng văn hóa, tour chuyên đề, sự kiện nghệ thuật làm nhiệm vụ phân phối với khán giả và du khách là trung tâm của hệ sinh thái.
Khi các thành tố này kết nối, nuôi dưỡng và bổ trợ cho nhau, du lịch không còn là “tiêu dùng cảnh quan” mà trở thành trải nghiệm chiều sâu văn hóa, ở đó du khách được sống cùng lịch sử, hòa vào đời sống địa phương, học nghề truyền thống, xem phim, nghe nhạc bản địa, chơi trò chơi dân gian, hay sáng tạo cùng nghệ sĩ.
Một hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ không chỉ nâng cao giá trị trải nghiệm, mà còn kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng văn hóa. Khi du khách tham gia vào các tour đêm, workshop thủ công, trình diễn thực cảnh, bảo tàng tương tác… họ trở thành người kể chuyện, những đại sứ du lịch tự nhiên, mang ký ức và sản phẩm văn hóa về quê hương, đất nước họ, tạo ra hiệu ứng lan tỏa bền vững.
Từ hệ sinh thái đó, có thể mở rộng đa dạng dòng sản phẩm: Du lịch phim ảnh, du lịch nghệ thuật, du lịch sáng tạo, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh kết hợp trình diễn đương đại…
Điều này giúp mỗi điểm đến không bị giới hạn trong “đi - xem - về”, mà mở ra những hành trình sống động, đậm chất bản địa và đầy sáng tạo. Đây là hình thức quảng bá sâu sắc và hiệu quả nhất, đã từng thành công ở nhiều nước trên thế giới.

Những mô hình truyền cảm hứng
Những mô hình truyền cảm hứng đang hiện hữu ở Việt Nam, nếu được kết nối và nâng cấp, sẽ tạo nên những trục phát triển công nghiệp văn hóa liên vùng - một cấu trúc chiến lược để phát triển, định vị điểm đến.
Hà Nội với không gian sáng tạo phố cổ, phố đi bộ, các liên hoan phim, lễ hội nghệ thuật đương đại; Ninh Bình với di sản hỗn hợp Tràng An, các dự án nghệ thuật thực cảnh, phim trường quốc tế; Hạ Long (Quảng Ninh) với triển lãm mỹ thuật ngoài trời, sân khấu trên vịnh, festival di sản… có thể tạo thành cụm “di sản - sáng tạo - điện ảnh”; Festival Huế với âm nhạc cung đình và nghệ thuật trình diễn trên sông Hương; Đà Nẵng với bảo tàng sống, bãi biển nghệ thuật, sự kiện trình chiếu 3D; TP.HCM với hệ sinh thái sáng tạo đô thị, các không gian nghệ thuật độc lập, phố đi bộ, lễ hội âm nhạc; Cần Thơ với chợ nổi, nghệ thuật sân khấu cải lương, di sản miệt vườn có thể hình thành cụm công nghiệp văn hóa “hiện đại - bản địa - đổi mới”.
Khi các địa phương không còn phát triển du lịch theo lối đơn ngành, đơn tuyến mà theo tư duy hệ sinh thái công nghiệp văn hóa liên kết vùng, nơi con người, sáng tạo, công nghệ, di sản cùng hội tụ thì du lịch văn hóa mới thật sự cất cánh.
Hệ sinh thái đó không chỉ nâng tầm sản phẩm du lịch mà còn khơi thông dòng chảy sáng tạo trong cộng đồng, tạo công ăn việc làm, giữ chân nghệ sĩ, kích hoạt tinh thần đổi mới trong từng vùng đất.
Đưa Việt Nam trở thành cường quốc du lịch văn hóa không phải là giấc mơ xa vời, mà là một lựa chọn chiến lược có cơ sở và khả thi nếu chúng ta biết đặt văn hóa vào đúng vai trò dẫn dắt, biết đầu tư dài hạn, có chính sách đồng bộ và quan trọng nhất, có khát vọng nâng tầm bản sắc Việt trong dòng chảy toàn cầu.
Du lịch là một ngành kinh tế xanh, nếu được thấm đẫm hồn cốt văn hóa, du lịch sẽ là con đường kết nối quá khứ với tương lai, kết nối thế giới với Việt Nam và kết nối mỗi người Việt với nhau qua niềm tự hào về giá trị tinh thần dân tộc. Đó không chỉ là đích đến của ngành Du lịch, mà còn là hành trình của một dân tộc đang chủ động viết nên câu chuyện phát triển bằng chính kho báu văn hóa của mình.
Chiến lược quốc gia về “sức mạnh mềm”
Để kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp văn hóa tại các điểm đến, cần có chiến lược đồng bộ từ trung ương đến địa phương: Ban hành Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; giao quyền cho địa phương xây dựng mô hình riêng phù hợp đặc điểm bản sắc. Ngoài bài toán kinh tế, đây còn là chiến lược quốc gia về “sức mạnh mềm”, đưa Việt Nam ra thế giới bằng bản sắc độc đáo và sự sáng tạo.
Tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa chất lượng cao như: Bảo tàng số, nhà hát hiện đại, rạp chiếu đa năng, không gian nghệ thuật công cộng, chợ văn hóa đêm, phố đi bộ sáng tạo… Hạ tầng chính là nơi nuôi dưỡng “chất” của điểm đến và giữ chân du khách bằng sự mới mẻ liên tục.
Khuyến khích đầu tư tư nhân và hợp tác công - tư với các chính sách cụ thể như: Miễn giảm thuế, ưu đãi đất đai, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo văn hóa - du lịch. Doanh nghiệp chính là động lực đưa văn hóa ra thị trường và cần được tiếp cận vốn, mặt bằng, chính sách thuận lợi.
Khai phóng nguồn nhân lực sáng tạo tại chỗ qua việc liên kết với các trường nghệ thuật, đại học về văn hóa, du lịch để đào tạo và giữ chân lực lượng sáng tạo tại chỗ. Cần thiết lập các chương trình “nghệ sĩ cư trú” tại điểm đến, tổ chức trại sáng tác, các dự án nghệ thuật cộng đồng, để điểm đến trở thành môi trường sống và sáng tạo cho nghệ sĩ.
Đẩy mạnh số hóa sản phẩm văn hóa: Xây dựng và đưa vào khai thác tour du lịch ảo, bảo tàng trực tuyến, thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR). Tăng cường truyền thông bằng phim ngắn, video kể chuyện… biến điểm đến thành “bối cảnh sống” để thu hút thế hệ du khách trẻ.
Những bài học của Hàn Quốc với Hallyu (làn sóng Hàn), Nhật Bản với văn hóa manga - anime, Pháp với bảo tàng và nghệ thuật thị giác, đến Hollywood - kinh đô điện ảnh thế giới của Mỹ…, cho đến khát vọng mang đậm bản sắc Việt ở: Ninh Bình, Huế, Đà Lạt (Lâm Đồng), Hà Nội hay TP.HCM tất cả đều cho thấy: “Chỉ khi nào văn hóa trở thành động lực, sản phẩm và ký ức đáng nhớ, thì du lịch mới có sức sống dài lâu”.
Phát triển công nghiệp văn hóa không phải là câu chuyện riêng của ngành Văn hóa, càng không là nhiệm vụ độc lập của ngành Du lịch, mà cần sự hợp lực của cả hệ thống chính trị, năng lực doanh nghiệp và tinh thần sáng tạo của cộng đồng.
Khi mỗi điểm đến Việt Nam trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”, thì không chỉ “đón khách”, chúng ta còn có thể thực sự chạm vào trái tim du khách; kết nối cảm xúc, lan tỏa giá trị và định vị bản sắc Việt trên bản đồ thế giới. Đó là một quá trình đầu tư bài bản, dài hạn, cần sự dấn thân bền bỉ và tầm nhìn xa.