Không có chuyện tour ngon, bổ... nhưng giá rẻ

ĐÌNH KIÊN

VHO - Du lịch nở rộ khắp mọi nơi, xu hướng và nhu cầu của du khách cũng thay đổi cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã xuất hiện thêm nhiều chiêu trò lừa đảo, gây tổn thất về tài chính và ảnh hưởng đến tâm lý của khách du lịch.

 Không có chuyện tour ngon, bổ... nhưng giá rẻ - ảnh 1
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) liên tục đưa ra cảnh báo với người dân và du khách

 Khách nhiều kinh nghiệm vẫn mắc bẫy

Từ việc đặt phòng khách sạn không như quảng cáo, giá tour “một đằng, chất lượng một nẻo” đến taxi “chặt chém” hay bán hàng kém chất lượng, giả danh đặc sản, sản phẩm địa phương, các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, khiến ngay cả những du khách dày dạn kinh nghiệm cũng có thể mắc bẫy.

Nhiều du khách gặp tình trạng phòng khách sạn đặt qua mạng không giống như hình ảnh quảng cáo như diện tích nhỏ hơn, nội thất cũ kỹ, vị trí xa trung tâm hoặc thiếu những tiện ích đã cam kết như hồ bơi, nhà hàng hay wi-fi miễn phí…

Ở số báo 4152 (ra ngày 10.2), chúng tôi đã phản ánh về tình trạng khách du lịch bị lừa khi chuyển tiền đặt phòng khách sạn. Trong đó, một nữ du khách ở Hải Phòng đã bị lừa mất hơn 1 tỉ đồng khi đặt thuê 2 phòng ở Khu nghỉ dưỡng Minawa Kenhga Resort & Spa Ninh Bình trong dịp Tết Nguyên đán 2025.

Đáng sợ hơn, chỉ sau khi vụ việc được phanh phui vài ngày, trên Facebook, nhóm công khai của Khu nghỉ dưỡng này, tài khoản Kiều Hương lại cảnh báo về một Fanpage mới thành lập ngày 7.2, có tới 8,6 nghìn lượt thích đã ăn cắp ảnh sét quà tết Minawa tặng #VivuTour (đại lý của Khu nghỉ dưỡng này).

Theo tài khoản Kiều Hương, dù mới thành lập nhưng Fanpage giả mạo đã có nhiều lượt thích, lượt theo dõi cũng như rất chăm chỉ đăng bài và có nhiều tương tác. Trang Fanpage này đã lấy ảnh của #VivuTour không rõ mục đích. Công ty Vivutour đã thông báo chỉ nhận booking qua trang web www. vivutour.vn, số hotline, các tài khoản chính thức khác và xin miễn trừ mọi trách nhiệm từ các tài khoản không phải của công ty.

Bên cạnh đó, rất nhiều vụ các đối tượng lừa đảo lập website các nền tảng đặt phòng lớn như: Booking. com, Agoda, Airbnb… hay lập các Fanpage giả mạo để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng hoặc nhận tiền cọc rồi “biến mất”. Đặc biệt trong các dịp lễ Tết như hiện nay, nhiều khách sạn nhỏ “hợp tác” với cò mồi lừa khách bằng cách thông báo phòng đã bị hủy hoặc hết chỗ, buộc khách phải đặt một phòng khác với giá cao hơn.

Tour du lịch “một đằng, thực tế một nẻo” là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Một số công ty du lịch, trang web, Fanpage, TikTok quảng cáo tour giá rẻ hơn nhiều so với mặt bằng chung nhưng chất lượng kém.

Nhiều công ty du lịch đưa ra mức giá cực rẻ để thu hút khách, nhưng cắt giảm chất lượng dịch vụ. Một số tour miễn phí hoặc giá cực thấp nhưng đưa khách đến các cửa hàng, ép mua sắm với giá cắt cổ để bù lại chi phí. Du khách bị dụ dỗ hoặc thậm chí bị gây áp lực tâm lý để mua hàng.

Cơ quan chức năng khuyến cáo khách du lịch nên đặt phòng qua các website uy tín, có xác thực hai lớp và đọc kỹ đánh giá từ khách trước; kiểm tra địa chỉ trang web đặt phòng, tránh các trang có lỗi chính tả hoặc giao diện thiếu chuyên nghiệp; liên hệ trực tiếp với khách sạn để xác nhận đặt phòng…

Bên cạnh đó, chọn các công ty du lịch uy tín, có giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế, có đánh giá tốt; đọc kỹ lịch trình tour, hợp đồng dịch vụ trước khi đặt; cân nhắc kỹ khi chọn tour “0 đồng” hoặc tour quá rẻ so với mặt bằng chung.

“Chặt chém” du khách làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam

Mới đây, quán ăn Aroma Beach ở đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã bị tố “chặt chém” du khách Trung Quốc.

Theo đó, hóa đơn tính tiền của nhà hàng “chặt chém” du khách được đăng tải trên mạng xã hội ghi rõ tính tiền vào 19h49 phút ngày 3.2 với các món ăn có đơn giá rất cao như: cà tím nướng mỡ hành 1.890.000 đồng/phần; rau muống xào tỏi 1 đĩa 500.000 đồng, 2 đĩa hết 1 triệu đồng; đặc biệt, cơm trắng 250.000 đồng/phần, 2 phần hết 500.000 đồng… Tổng số tiền ăn là 15.724.000 đồng, “phụ thu ngày Tết” là 4.717.200 đồng, tổng số tiền khách trả là 20.441.200 đồng.

Đa số các bình luận trên mạng xã hội đều cho rằng cách tính tiền và giá dịch vụ của nhà hàng trên đã gây ảnh hưởng tới kỳ nghỉ và trải nghiệm của du khách nước ngoài, làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam. Qua kiểm tra liên ngành của UBND TP Nha Trang, xác định quán Aroma Beach có 5 hành vi vi phạm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như: Không niêm yết giá hàng hóa bằng một trong các hình thức theo quy định của pháp luật; bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa...

Chủ quán Aroma Beach có 2 ngày để giải trình trực tiếp và 5 ngày (kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính vào ngày 7.2) để giải trình bằng văn bản các hành vi mà đoàn kiểm tra xác định là vi phạm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống. Sau 7 ngày, cơ quan chức năng TP Nha Trang sẽ quyết định xử phạt. Nếu chủ quán giải trình những nội dung nào hợp lý, có cơ sở thì xem xét.

Quan điểm của lãnh đạo TP Nha Trang là xử lý nghiêm các vi phạm của quán ăn Aroma Beach, để có tính chất răn đe không xảy ra các trường hợp tương tự. Đây không phải là lần đầu tiên các dịch vụ du lịch, ăn uống ở Nha Trang bị tố chặt chém, lừa đảo du khách.

Trước đó, các vụ taxi không bật đồng hồ, đưa ra giá cao gấp nhiều lần hoặc cố ý chạy đường vòng để tính thêm tiền; nhiều tài xế giả danh xe taxi chính thống, dán logo nhái hoặc đồng phục giả để lừa khách; có những vụ xích lô ban đầu báo giá rẻ nhưng sau đó tìm lý do để tăng giá, như tính phí cho từng người hoặc thêm phụ phí không báo trước...

Một số điểm du lịch nổi tiếng, điểm dừng nghỉ bán các sản phẩm thủ công, đặc sản địa phương nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhập từ nước ngoài hoặc kém chất lượng. Cũng xảy ra nhiều trường hợp du khách nhận được email giả mạo từ khách sạn, công ty du lịch yêu cầu xác nhận thanh toán nhưng thực chất là để đánh cắp thông tin.

Trước việc xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo với những chiêu trò tinh vi, chiếm đoạt tài sản của du khách thông qua đặt phòng khách sạn trên mạng xã hội, nghiêm trọng hơn, kẻ gian còn giả mạo “tính năng VNPAY nhận tiền bồi hoàn” để lừa đảo, VNPAY đã đưa ra cảnh báo khẩn.

Theo đó VNPAY khẳng định không liên quan đến bất kỳ hoạt động cung cấp dịch vụ đặt phòng nào trên các nền tảng mạng xã hội. VNPAY hiện cung cấp tính năng “Đặt phòng khách sạn” trên các ứng dụng ngân hàng và Ví VNPAY, giúp người dùng tìm kiếm, so sánh giá và đặt phòng một cách tiện lợi và an toàn.

Bởi vậy để đảm bảo an toàn, khách hàng hãy “bật chế độ” cảnh giác: Chỉ đặt phòng thông qua các kênh chính thức; tìm hiểu và cập nhật thông tin chính thống; liên hệ hotline để được giải đáp thắc mắc một cách rõ ràng và nhanh chóng.

Lừa đảo du lịch ngày càng tinh vi và phổ biến, đòi hỏi du khách phải luôn cảnh giác và trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Việc chọn dịch vụ uy tín, kiểm tra thông tin kỹ lưỡng trước khi chuyển tiền và không dễ dàng tin vào các lời mời hấp dẫn là những cách tốt nhất để có một chuyến đi an toàn và đáng nhớ.

Đại diện nhiều công ty du lịch cho rằng, không có chuyện có tour du lịch, nhà hàng hay phòng khách sạn nào vừa rẻ, vừa đẹp lại vừa ngon cả. Chỉ có những dịch vụ có giá hợp lý, tương xứng với chất lượng. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc