Khôi phục và phát triển du lịch Tiểu vùng Mekong mở rộng

VHO- Ngày 10.10, tại Quảng Nam, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Mekong (MTF) 2022 đã diễn ra Phiên họp Ban Chỉ đạo Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện (TIIG) giai đoạn 2.

Khôi phục và phát triển du lịch Tiểu vùng Mekong mở rộng - Anh 1

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hồng Liên và Chuyên gia cao cấp về du lịch của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Steven Schipani đồng chủ trì phiên họp

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Hồng Liên và Chuyên gia cao cấp về du lịch của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Steven Schipani đồng chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, bà Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết, trong hai năm qua, không chỉ ngành Du lịch mà các ngành, lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, trong đó có dự án TIIG giai đoạn 2. Tại Việt Nam, Bộ VHTTDL cũng như các địa phương tham gia dự án đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện dự án.

Thông qua phiên họp, bà Nguyễn Thị Hồng Liên mong muốn các câu chuyện, bài học và giải pháp sẽ được chia sẻ để thúc đẩy việc thực hiện dự án TIIG giai đoạn 2. Với việc mở cửa du lịch đã và đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam, Lào và Campuchia), kết quả mà dự án TIIG giai đoạn 2 mang lại sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục và phát triển du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng - GMS.

Khôi phục và phát triển du lịch Tiểu vùng Mekong mở rộng - Anh 2

Toàn cảnh phiên họp Ban Chỉ đạo Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện (TIIG) giai đoạn 2

Bà Nguyễn Thị Hồng Liên cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tại Việt Nam, Lào và Campuchia và những nỗ lực của ADB trong việc chia sẻ kiến ​​thức, kinh nghiệm về quan hệ đối tác công- tư trong lĩnh vực du lịch.

Tại phiên họp, đại điện 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã cập nhật, chia sẻ về tình hình thực hiện dự án trong giai đoạn qua. Đại diện các đoàn cũng kiến nghị, đề xuất những giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành Du lịch trong khu vực.

Đoàn Việt Nam đã chia sẻ các nội dung: Cơ sở hạ tầng tiếp cận đô thị- nông thôn và các dịch vụ môi trường đô thị được cải thiện như đường vào các điểm du lịch, cầu tàu chở khách, không gian xanh công cộng… Năng lực thực hiện các Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN được tăng cường thể hiện qua việc các tổ chức chứng nhận; các khung đánh giá; xúc tiến áp dụng tiêu chuẩn. Năng lực thể chế về quản lý điểm đến du lịch và cơ sở hạ tầng được tăng cường.

NGUYỄN ANH

Ý kiến bạn đọc