Phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng huyện Diên Khánh (Khánh Hòa):
Bài 1 - Xây dựng tour kết nối di sản văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng
VHO - Triển khai thực hiện dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà năm 2024, Sở Du lịch vừa phối hợp Sở VHTT, UBND huyện Diên Khánh và các đơn vị liên quan khảo sát một số sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng; xây dựng tour kết nối các điểm đến di sản trên địa bàn huyện Diên Khánh.
Vùng đất tiềm năng về du lịch văn hóa, cộng đồng
Huyện Diên Khánh nằm phía Tây cách TP. Nha Trang khoảng 10 km, cách sân bay quốc tế Cam Ranh khoảng 30 km. Đây là một trong những địa phương sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa, đình chùa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trong đó, có 5 di tích cấp quốc gia như: Miếu thờ Trịnh Phong, Đền thờ Trần Qúy Cáp, Văn miếu Diên Khánh, Am Chúa, Thành cổ Diên Khánh.
Diên Khánh là thủ phủ của tỉnh Phú Khánh xưa (hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) ngày nay. Vì vậy Diên Khánh còn lưu giữ bao trầm tích văn hóa lịch sử, thăng trầm thời cuộc với cuộc chiến giữa quân nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh, cuộc kháng chiến chống Pháp của tướng Trịnh Phong; nếp sống của quan lại triều Nguyễn đã từng được ghi trong sử, sách…
Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ hội Am Chúa, Lễ hội chùa Suối Đổ,…các làng nghề thủ công truyền thống lâu đời. Diên Khánh còn sở hữu cảnh đẹp của thiên nhiên núi non hùng vĩ, của sông, của suối, ao hồ vô cùng thơ mộng và trữ tình như: Đại An, Suối Tiên, Hồ Láng Nhớt…
Theo Trung tâm Di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn huyện Diên Khánh có 118 di tích và dấu hiệu di tích, trong đó có 47 di tích cấp tỉnh và 5 di tích cấp quốc gia. Số di tích còn lại dù chưa được xếp hạng nhưng vẫn được các xã, thị trấn quản lý, giữ gìn, tôn tạo; được phân bố hầu khắp ở các địa bàn xã, thị trấn, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Diên Khánh, xã Diên An, xã Diên Lạc, xã Suối Hiệp… Các di tích tập trung chủ yếu ở những loại hình: Di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: Ngày nay, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, Diên Khánh vẫn giữ được những làng quê yên bình với cánh đồng lúa vàng khi vào mùa gặt, những vườn cây trái mướt xanh. Diên Khánh hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng.
Hiện nay, Diên Khánh có một số khu, điểm du lịch văn hóa, sinh thái đã được đua vào khai thác như: Khu du lịch Làng Nhỏ, Khu du lịch sinh thái Đắc Nhân Tâm, Khu bảo tồn Trầm Hương Hoàng Trầm…
Đặc biệt, trên vùng đất này, nhiều ngành nghề truyền thống được lưu giữ hàng trăm năm như nghề rèn, chằm nón, làm bánh tráng, cùng những món ăn đã đi vào ký ức. Tất cả đã tạo nên nhưng giá trị và tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch vùng đất này.
Kết nối di sản, phát triển du lịch
Để khai thác tiềm năng về du lịch nơi đây, Sở Du lịch vừa phối hợp UBND huyện Diên Khánh, các đơn vị liên quan, công ty lữ hành du lịch khảo sát sát một số sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng tại đây. Qua khảo sát chúng tôi rất ấn tượng với các điểm đến là di tích lịch sử văn hóa như: Thành cổ Diên Khánh, Văn miếu Diên Khánh, Miếu thờ Đại tướng Trịnh Phong, Am Chúa, chùa Suối Đổ, nhà xưa ông Hai Thái,…Các di tích còn tương đối nguyên sơ, có giá trị về lịch sử nên du khách đến sẽ rất yêu thích.
Ông Phan Đình Phùng cho biết: Nếu kết nối các di sản văn hóa lại sẽ hình thành tour du lịch khám phá lịch sử, văn hóa tâm linh nơi đây vô cùng độc đáo hấp dẫn; vừa khai thác được giá trị văn hóa cộng đồng, vừa bảo tồn hiệu quá di tích. Do đó, Sở Du lịch đang tích cực phối hợp với các công ty lữ hành du lịch trong tỉnh xây dựng tour kết nối các di sản văn hóa: Thành cổ Diên Khánh - Văn miếu Diên Khánh - Miếu thờ Đại tướng Trịnh Phong - Am Chúa, chùa Suối Đổ - nhà xưa ông Hai Thái.
Theo ông Phan Đình Phùng: Tour đã cơ bản hình thành, hiện nay, khó khăn nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhiều đoạn đường đến di tích khá nhỏ, hẹp xe đưa khách du lịch đến các điểm này còn khó khăn. Cùng với đó là các sản phẩm du lịch trong chuỗi tour (khu dừng chân, ẩm thục, sản phảm lưu niệm) trên còn tương đối đơn điệu, chỉ mới manh nha hình thành nên chưa thực sự hấp dẫn.
Ông Phan Đình Phùng nhấn mạnh: Về lâu dài, huyện Diên Khánh cần tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp trùng tu di tích, tôn tạo cảnh quan môi trường để phát triển du lịch; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện để phát triển đồng bộ hệ thống sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn địa phương.
Bên cạnh những khu, điểm du lịch đang có, thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, huyện cần hỗ trợ đầu tư có trọng điểm một số hộ cải tạo vườn, nhà vườn, khôi phục một số ngành nghề truyền thống (nghề đúc đồng, chằm nón, làm bún, làm bánh tráng) để hình thành các điểm du lịch cộng đồng nhằm đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện, nhất là du lịch trải nghiệm.
Đồng thời, huyện cũng chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP, đưa các sản phẩm này vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, qua đó tăng thu nhập cho các thành viên tham gia, trước hết là người dân nông thôn, góp phần phát triển kinh tế nông thôn gắn với phát triển du lịch.
Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Khánh Hòa, Diên Khánh sẽ là vệ tinh của du lịch Nha Trang với định hướng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Thời gian gần đây, du lịch của Diên Khánh đã định hình rõ nét hơn.
Tuy nhiên, để phát triển mạnh hơn nữa, huyện Diên Khánh phải tạo được chuỗi liên kết các giá trị của sản phẩm du lịch trên địa bàn để có thể mang đến cho du khách những trải nghiệm trọn vẹn nhất về một vùng quê giàu giá trị nhân văn. Muốn làm được điều đó, cần huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch có tiềm lực, có tâm huyết vào trong lĩnh vực du lịch, nghiên cứu thành lập chi hội du lịch Diên Khánh (trực thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa).