Tour du lịch miễn phí “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh – Sắc màu di sản”:
Khi “Bắc Bling” bật sáng miền Quan họ
VHO - Ngay sau khi MV Bắc Bling (Bắc Ninh) của ca sĩ Hòa Minzy được công bố và lan tỏa trên các nền tảng số với hình ảnh rực rỡ, thời thượng mà vẫn đầy chất Kinh Bắc, tỉnh Bắc Ninh đã lập tức triển khai chương trình tour du lịch miễn phí mang tên “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh – Sắc màu di sản”.

Hành động nhanh nhạy, quyết liệt và đầy tinh thần chủ động này cho thấy một chuyển biến đáng mừng trong tư duy làm du lịch: Bắt nhịp xu hướng, tận dụng sức lan tỏa của văn hóa đại chúng để quảng bá hình ảnh vùng đất quan họ, một miền di sản đậm đặc nhưng lâu nay vẫn chưa được khai thác xứng tầm.
Sự chủ động kịp thời tạo nên cú hích du lịch
Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Bảo tàng và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh (Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh) cho biết: “Chỉ sau vài ngày MV Bắc Bling (Bắc Ninh) ra mắt, từ ngày 8.3, tour miễn phí được triển khai với hai tuyến ban đầu, mỗi tuyến hai xe chạy vào thứ Bảy và Chủ nhật”.
Tuy nhiên, lượng khách đăng ký nhanh chóng vượt ngưỡng, có ngày lên tới 14 xe. “Không để “cơn khát trải nghiệm văn hóa Bắc Ninh” bị bỏ lỡ, chính quyền tỉnh đã linh hoạt mở rộng lên 4 tuyến/ngày, chuyển từ hình thức đăng ký trực tiếp sang đăng ký online để điều phối hợp lý. Chương trình tour miễn phí sẽ kéo dài tới tháng 29.6.2025”, ông Nguyễn Hữu Mạo cho biết thêm.
Bốn tour du lịch được xây dựng bài bản, kết nối các điểm đến nổi bật, di tích văn hóa, làng nghề truyền thống, nơi MV Bắc Bling ghi hình như: Chùa Phật Tích, chùa Dâu, làng tranh Đông Hồ, đền Đô, đền Bà Chúa Kho, làng Diềm, gốm Phù Lãng…
Những không gian mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc nay được “đánh thức” bằng dòng khách háo hức, trẻ trung, đến từ những nền tảng số và truyền thông hiện đại.

Bắc Ninh – Miền di sản đậm đặc, tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa bứt phá
Có thể khẳng định rằng Bắc Ninh là một trong những địa phương giàu tài nguyên di sản bậc nhất cả nước. Tỉnh Bắc Ninh hiện có hàng nghìn di tích, di sản: 1 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Dân ca Quan họ Bắc Ninh); 4 di tích quốc gia đặc biệt, 204 di tích cấp quốc gia và 448 di tích cấp tỉnh; 18 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Cùng với đó là hệ thống hàng trăm lễ hội truyền thống, làng nghề, tập tục, nghệ thuật dân gian còn sống động trong đời sống cộng đồng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, du lịch Bắc Ninh vẫn ở trạng thái tiềm năng hơn là thực tế. Số liệu năm 2024 cho thấy toàn tỉnh đón khoảng 2,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.900 tỉ đồng, dù đã tăng trưởng so với năm trước nhưng vẫn còn khiêm tốn so với quy mô di sản văn hóa và những tiềm năng khác mà tỉnh đang sở hữu.
Nguyên nhân một phần từ việc Bắc Ninh vẫn thiếu chiến lược tổng thể phát triển du lịch lấy văn hóa làm trục chính, thiếu sản phẩm đặc thù, trải nghiệm sâu sắc. Hệ thống dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, mua sắm còn phân tán, manh mún.
Du khách thường đến Bắc Ninh trong ngày, theo kiểu “lễ chùa, thăm đền”, chứ chưa ở lại lưu trú, chưa tiêu dùng nhiều. Điều đó khiến doanh thu du lịch còn thấp, khó tạo sức bật bền vững.

Bài học từ MV “Bắc Bling” và tour du lịch miễn phí: Sự kết hợp giữa công nghiệp văn hóa và du lịch
MV Bắc Bling của Hòa Minzy không chỉ thành công ở góc độ nghệ thuật, mà còn là ví dụ rõ nét về công nghiệp văn hóa truyền cảm hứng cho du lịch.
Các cảnh quay từ đền Đô, chùa Dâu, làng tranh Đông Hồ, quan họ làng Diềm… được thể hiện một cách sáng tạo, trẻ trung và đậm chất tự hào dân tộc đã “kích hoạt” sự tò mò và khát vọng khám phá di sản của khán giả. Điều này các chiến dịch truyền thông truyền thống không dễ làm được.
Tỉnh Bắc Ninh đã chứng minh một phản ứng chính sách linh hoạt và hiệu quả khi ngay lập tức tổ chức tour du lịch miễn phí “đi theo dấu MV”. Điều đó không chỉ giải tỏa nhu cầu đang tăng mà còn biến “sự lan tỏa” thành “hành vi du lịch thực tế”.
Hưởng ứng chủ trương kích cầu du lịch này của tỉnh Bắc Ninh, ông Lương Duy Ngân, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc công ty Newstar Group cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ những chủ trương này của tỉnh và đang tích cực triển khai đưa khách tới Bắc Ninh, tham gia 4 tour, tuyến du lịch nói trên.
“Đồng thời Công ty chúng tôi đang kiến nghị và đề xuất với tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ kinh phí vận chuyển cho khách du lịch đến Bắc Ninh từ Hà Nội và cho phép công ty Newstar Group mở bán thêm 01 tour du lịch đón khách từ đầu Hà Nội vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần (bắt đầu từ đầu tháng 4.2025) nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch thủ đô”, ông Lương Duy Ngân nói.
“Ngoài ra, chúng tôi sẽ nghiên cứu, phối hợp cùng các đối tác xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, mang đậm bản sắc Kinh Bắc và tăng cường quảng bá, thu hút khách tới Bắc Ninh”, ông Lương Duy Ngân chia sẻ.

Để tận dụng hiệu quả lợi thế di sản và phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, ông Nguyễn Hữu Lâm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc cty cổ phần Aritour cho rằng: “Bắc Ninh cần đi theo chiến lược rõ ràng, nhất quán trong phát triển du lịch. Lấy văn hóa làm nền tảng, lấy công nghiệp văn hóa làm động lực, lấy du khách trải nghiệm sâu làm trung tâm”.
Trong đó, tỉnh cần xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với di sản: Du lịch trải nghiệm Quan họ tại làng Diềm (nghe hát tại nhà, trải nghiệm trò chơi dân gian Quan họ, may áo tứ thân, mặc áo tứ thân…); Du lịch làng nghề kết hợp nghệ thuật (vẽ tranh Đông Hồ, nặn gốm Phù Lãng, làm nón Phù Lưu…); Du lịch lễ hội văn hóa đặc sắc (lễ hội đền Đô, lễ hội chùa Dâu, hội Lim… với dịch vụ hóa các trải nghiệm theo hình thức tour văn hóa mùa vụ).
Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng du lịch gắn với văn hóa: Đầu tư các cụm dịch vụ du lịch chuyên biệt tại trung tâm di sản: Làng Diềm, Đông Hồ, Phật Tích, Phù Lãng…; Phát triển hạ tầng du thuyền trên sông Cầu, sông Đuống, nơi Quan họ từng vang vọng suốt bao thế kỷ.

Kết nối chặt chẽ du lịch với công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch văn hoá: Hỗ trợ sản xuất các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh, MV ca nhạc, trò chơi điện tử, phim tài liệu khai thác chất liệu văn hóa Bắc Ninh.
Biến Bắc Ninh thành “studio di sản” với các không gian quay phim, biểu diễn, phục dựng di sản có bản quyền.
Phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nông thôn mới kiểu mẫu qua việc lồng ghép OCOP, ẩm thực, làng nghề vào tour tuyến. Tăng thời gian lưu trú bằng dịch vụ lưu trú homestay, villa văn hóa, gắn với kể chuyện lịch sử, di sản.
Tăng cường truyền thông sáng tạo và số hóa di sản bằng việc phát triển ứng dụng du lịch Bắc Ninh thông minh (bản đồ di tích, check in văn hóa, nghe kể chuyện Quan họ…). Tổ chức các cuộc thi sáng tạo nội dung du lịch – văn hóa trên nền tảng số.
Việc Bắc Ninh nhanh chóng triển khai tour du lịch miễn phí “Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh - Sắc màu di sản” không chỉ là một phản ứng nhạy bén mà còn là bước đi khôn ngoan trong chiến lược “đánh thức miền quan họ”.
Nhưng để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bắc Ninh cần đi xa hơn: Biến văn hóa thành giá trị cốt lõi, nâng cấp trải nghiệm, hiện đại hóa cách truyền tải và kết nối di sản với công nghiệp sáng tạo.
Bắc Ninh có đủ tài nguyên, đủ bản sắc. Điều còn lại là tư duy làm du lịch và những tâm huyết từ trái tim của người yêu văn hóa Kinh Bắc.

* 4 tour du lịch miễn phí, bao gồm: Tour 1: Bảo tàng Bắc Ninh - Chùa Bút Tháp - Chùa Dâu - Làng tranh dân gian Đông Hồ - Đền Đô - Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng - Vincom Plaza Bắc Ninh - Bảo tàng Bắc Ninh.
Tour 2: Bảo tàng Bắc Ninh - Chùa Phật Tích - Lăng Kinh Dương Vương - Làng nghề gốm Phù Lãng - Đền Nguyễn Cao - Chùa Diên Quang - Vincom Plaza Bắc Ninh - Bảo tàng Bắc Ninh.
Tour 3: Bảo tàng Bắc Ninh - Đền Bà Chúa Kho - Cây cô đơn - Làng Diềm (tham quan cụm di tích đền Cùng - Giếng Ngọc, đền Vua Bà, đình Diềm, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, nghỉ ngơi ăn trưa) - Đền thờ Lý Thường Kiệt - Cụm di tích đình, đền Tướng Quốc, chùa Thánh Quang - Bảo tàng Bắc Ninh.
Tour 4: Bảo tàng Bắc Ninh - Đền thờ Cao Lỗ Vương - Đền thờ Lệ Chi Viên - Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh - Làng tranh dân gian Đông Hồ (ăn trưa và hoạt động trải nghiệm) - Đền Tam Phủ - Làng nghề gốm Phù Lãng - Bảo tàng Bắc Ninh.