Khám phá Tây Nguyên hùng vĩ: Bài 1- Từ biển lên rừng
VHO- Đã từ lâu mọi người đều biết đến Tây Nguyên đại ngàn và những điều bí ẩn. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết đến Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) với diện tích rộng đến hơn 15.900 ha và ẩn chứa trong đó biết bao điều kỳ diệu; cũng chưa biết những buôn làng đậm đặc màu sắc văn hóa giữa đại ngàn hào phóng.
Tây Nguyên hấp dẫn khách du lịch bởi màu sắc văn hóa đậm đặc và Không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo
Trong phạm vi loạt bài Khám phá Tây Nguyên hùng vĩ này, chúng tôi muốn kể lại những trải nghiệm chân thực về chuyến đi khảo sát vùng đất Tây Nguyên đại ngàn với những nguồn tài nguyên quý giá, còn khá mới mẻ đối với khách du lịch, nơi có rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch.
Kết nối phố biển miền Trung với Tây Nguyên xanh
Ngay từ sáng sớm, từ thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp, chúng tôi ra sân bay Phù Cát (Bình Định) để đón nhóm bạn từ Bắc - Trung - Nam khởi hành từ các sân bay: Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng), Vinh ( Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa), Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Cần Thơ và đi đường bộ từ Đà Nẵng, Nha Trang, Lâm Đồng… vào để cùng trải nghiệm hành trình này.
Điểm đầu tiên chúng tôi dừng lại để chờ tập kết hội quân là Khu du lịch sinh thái Hầm Hô (Tây Sơn, Bình Định). Khá bất ngờ là Khu du lịch Hầm Hô đã thay đổi diện mạo đáng kể với nhiều điểm tham quan mới: Thiên đường tình yêu- nơi check in chụp ảnh với con đường hoa rực rỡ nhiều sắc màu cùng nhiều tiểu cảnh như hình trái tim, tổ chim, cửa sổ tình yêu, con đường chong chóng...
Ở bến thuyền trong khu du lịch, khách có thể đò chèo không động cơ giữa đại ngàn. Thú vị là khi ngồi trên thuyền chầm chậm lướt trôi, có thể nghe được tiếng suối chảy róc rách, tiếng ve sầu râm ran, tiếng mái chèo khua nước. Sau khi lên thuyền, chúng tôi rảo bước đi tham quan các cảnh đẹp: Bãi tắm tiên, hòn đá thành, vũng voi nằm, khúc sông trời lấp.. với nhiều tảng đá có kích thước và hình thù khác nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động và hấp dẫn. Chúng tôi đã sử dụng các dịch vụ tắm bùn khoáng, mô hình bungalow dọc hai bên bờ suối; trượt zipline với cảm giác phiêu lưu mạo hiểm và khám phá thiên nhiên từ trên cao; đi xe đạp nước trên lòng hồ…
Khu du lịch Hầm Hô (Tây Sơn, Bình Định)
Sau khi thỏa thê tham gia các hoạt động tại khu du lịch, một số thành viên trong đoàn mắc võng nằm nghỉ ngơi thư giãn dưới những tán cây cổ thụ ngay khu bãi cát trước nhà hàng Hoa lộc vừng. Bữa trưa tại nhà hàng với thực đơn gồm các món ăn phần lớn là khu du lịch tự sản xuất và chế biến như: Cá mương chiên cuốn rau rừng kèm bánh tráng, cá bống sông Kôn kho tộ, mắm cua đồng chấm rau luộc, dé bò Tây sơn, chả ram tôm đất, lòng bò xáo chuối và đặc biệt là món chim mía Tây Sơn rô-ty…. Một bữa ăn mà các thành viên trong đoàn đều cho rằng, rất hiếm trong cuộc sống công nghiệp, lạm dụng hóa chất trong chế biến và bảo quản thực phẩm như hiện nay.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến tham quan đập dâng Văn Phong trên dòng sông Kôn hùng vĩ và thơ mộng. Công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam này tại Tây Sơn - Bình Định là đập tràn Piano lớn nhất thế giới. Với thiết kế phần đập tràn mang hình phím đàn Piano kết hợp với đập tràn có cửa nhằm tăng lưu lượng thoát lũ cho đập, giảm ngập ở thượng lưu khi lũ về, tiết kiệm chi phí xây dựng công trình. Cùng với hệ thống kênh tưới được xây dựng kiên cố, đảm bảo ổn định lâu dài và nâng cao hiệu quả tưới.
Cùng trên tuyến du lịch này, chúng tôi đến dâng hương hoa và viếng Đàn tế Trời Đất Tây Sơn (Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn, Bình Định), được mệnh danh là vùng đất huyền thoại, tương truyền là nơi Tây Sơn tam kiệt đã lập đàn tế trời đất ở đây để nhận ấn kiếm và cầu trời đất phù hộ cho đại nghiệp thành công.
Hành trình vượt đèo An Khê hùng vĩ lên đến thị xã An Khê, vào huyện Kbang vô cùng thú vị. Điều đầu tiên làm chúng tôi ngỡ ngàng và ngạc nhiên khác hẳn những điều chúng tôi hình dung trước đó là con đường nhựa phẳng lì dẫn vào huyện Kbang cực kỳ đẹp và thơ mộng với những hồ nước trong veo hai bên đường. Môi trường ở đây được giữ gìn rất tốt. Những hàng cây xanh và nhiều loại hoa khoe sắc rực rỡ mà người dân địa phương đã trồng dọc đường đi với nhiều màu sắc và chủng loại. Rất nhiều loại hoa tôi không biết và nhớ nổi tên. Và đặc biệt có những loài hoa gắn liền với tuổi thơ của tôi như hoa điệp, hoa trang mà trước đây người Bình Định rất hay trồng nhưng hiện nay không còn nhiều. Điều này làm cho tôi có cảm giác yên bình với những ký ức tuổi thơ ùa về, dâng lên những nỗi niềm bâng khuâng khó tả…. Với tôi, đó là một trong những giá trị của chuyến đi. Chuyến đi của những cảm xúc.
Khách du lịch thăm Nhà lưu niệm Anh hùng Núp ở Kbang
Trên đường chúng tôi đi, dù là vào vùng nông thôn qua các xã, các buôn làng nhưng rất sạch sẽ và gần như không thấy có rác dọc hai bên đường như những nơi khác. Tôi tò mò và quan sát khá kỹ và thỉnh thoảng thấy những bảng khuyến cáo người dân: “Không xả rác ra đường”. Chúng tôi rất vui mừng vì đã thấy có sự thay đổi nhận thức rất cao của đồng bào nơi đây. Mặc dù cư dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Banar, Gia Rai, Ê đê cùng 21 dân tộc cùng chung sống trên vùng đất này nhưng ý thức giữ gìn môi trường của bà con rất cao.
Đến trung tâm huyện Kbang, thêm một điều làm chúng tôi lại ngạc nhiên nữa là một thị trấn vùng cao đẹp như mơ với hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và nhiều màu sắc. Những ngôi biệt thự với những toà nhà xinh xắn, mái ngói đỏ tươi nhấp nhô; Con đường đôi có dải phân cách ở giữa với hàng cây xanh thẳng tắp xen giữa là những cây hoa rực rỡ sắc màu đã tạo nên không gian sinh động cho một thị trấn vùng cao. Chúng tôi cho xe chạy lên đỉnh con dốc bên đường và ngắm nhìn xuống thị trấn đẹp như tranh vẽ và tha hồ chụp ảnh với nhiều sự ngạc nhiên thú vị.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Kbang say sưa và tràn đầy tâm huyết khi giới thiệu tổng quan về tiềm năng, lợi thế của huyện với mong muốn xây dựng và phát triển du lịch huyện Kbang, nhất là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch xanh và bền vững….
Anh Đinh A Ngưi- một người con của đồng bào Bahnar và cũng là cán bộ Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao của huyện Kbang đã đưa chúng tôi đi khảo sát cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ khách du lịch trên địa bàn. Cơ số khách sạn ở Kbang tuy không nhiều và không tập trung nhưng với khoảng hơn 110 phòng ngủ của các khách sạn được đầu tư khá bài bản dù chỉ là ở mức độ 2 sao nhưng rất sạch sẽ và tiện nghi.
Thác Hang Dơi, điểm tham quan hấp dẫn của huyện Kbang
Thác Hang Dơi nằm ngay trung tâm thị trấn, giữa khu rừng xanh ngút ngàn và những rẫy cà phê xanh mướt là một điểm tham quan hấp dẫn của Kbang. Mặc dù ngọn thác này không hùng vĩ nhưng vẫn nổi bật lên nét rất riêng của núi rừng Tây Nguyên. Ở bên thác, tôi đã được nghe “bản giao hưởng” đầu tiên của đại ngàn với tiếng ve rừng rộn rã hòa với tiếng thác nước, tiếng gió thổi và tiếng cười đùa vui vẻ của nhóm bạn trẻ đến đây vui chơi, tắm suối….
Khám phá buôn làng Tây Nguyên
Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung), quê hương Anh hùng Núp cách thị trấn Kbang khoảng 19 km. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, làng Stơr cùng với Anh hùng Núp kiên cường đánh giặc, trở thành làng kháng chiến tiêu biểu nhất trong căn cứ Bơnâm của huyện Kbang nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung (trước đây là tỉnh Gia Lai- Kon Tum). Nhà lưu niệm Anh hùng Núp đang lưu giữ hơn 400 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, kỷ vật của Anh hùng Núp và một số hiện vật mang đặc trưng văn hóa của đồng bào Bahnar, văn hóa Tây Nguyên. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh tới tham quan, nghiên cứu.
Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung), quê hương Anh hùng Núp
Stơr là một làng quê rất đỗi bình yên. A Ngưi và người làng kể cho chúng tôi nghe về các hoạt động văn hóa đầy màu sắc của đồng bào Bahnar như: Giã gạo, bắn nỏ, đan lát, dệt thổ cẩm và thưởng thức nghệ thuật diễn xướng cồng chiêng. Có thể nghỉ ngơi qua đêm trong ngôi nhà sàn truyền thống, giữa khung cảnh yên bình của làng quê là một trải nghiệm thú vị cho nhiều khách du lịch như chúng tôi khi về với làng kháng chiến xưa. Nghệ sĩ Nhân dân Rơ Chăm Phiang đã từng góp ý: “Muốn phát triển du lịch bền vững và bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, dân làng Stơr cần mạnh dạn đổi mới, tổ chức chuyên nghiệp các sự kiện, các tour du lịch lịch sử- văn hóa. Ngoài ra, chính quyền cần vào cuộc tổ chức, đào tạo và hướng dẫn cho bà con đa dạng thêm nội dung hoạt động, các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống, tái hiện đời sống tinh thần độc đáo và phong phú của người dân thông qua hoạt động hòa tấu nhạc cụ t’rưng, goong, klông pút, kní, đàn suối, đàn đá hay chỉ dẫn cho du khách trải nghiệm giã gạo bằng cối gỗ, hái rau rừng, đánh bắt cá suối...”.
Trời đã chập choạng tối, chúng tôi lại có cảm giác rất thú vị khi đón hoàng hôn giữa Tây Nguyên đại ngàn, một cảm giác khó nói lên bằng lời khi chúng tôi nhìn ánh mặt trời tím thẫm dần buông xuống giữa núi rừng.
Bất chợt anh bạn trong đoàn bật lên bài hát với những câu hát: “Một mình lang thang, trên đất này. Theo dấu chân cha ông từng ngày. Một mình qua sông, qua núi đồi. Đi tìm mặt trời và tìm lời ru ngàn đời. Tôi như con chim, lạc bầy trên đồi cao. Tôi như con thú hoang, lang thang trong rừng sâu. Như dòng sông, khao khát lời. Tôi như hạt mưa, khao khát lời…”
Biểu diễn văn hóa cồng chiêng ở làng Mơhra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang
Lời ca hào sảng và da diết về núi rừng Tây Nguyên đã đem lại những cảm xúc đặc biệt cho chúng tôi khi về thăm và giao lưu với bà con dân tộc Bahnar tại xã Kông Lơng Khơng cách trung tâm thị trấn Kbang khoảng 15km. Đây cũng chính là quê của A Ngưi, người đồng hành thú vị của chúng tôi. Trên đường đi, A Ngưi đã kể cho tôi nghe về đồng bào Bahnar của anh, về phòng tục tập quán, về văn hóa, lối sống, tín ngưỡng… và qua đó chúng tôi cũng biết thêm là có nhiều bộ tộc Bahnar sống trên Tây Nguyên đại ngàn chứ không phải chỉ có một đồng bào Bahnar chung.
Và càng bất ngờ hơn nữa là chúng tôi được biết đội cồng chiêng xã Kông Lơng Khơng đã được cử làm đại điện cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đi biểu diễn nhiều nơi trên khắp đất nước, góp phần đưa tiếng cồng chiêng Tây Nguyên vang xa, vang mãi với thời gian. Xã Kông Lơng Khơng cũng là địa phương của Gia Lai được UNESCO trực tiếp về lập hồ sơ, xét công nhận Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Tối ấy, chúng tôi được thưởng thức Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và giao lưu với bà con Bahnar nơi đây. Đó là một đêm nghệ thuật không thể nào quên khi tôi được cảm nhận Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên ngay tại bản làng, bên ánh lửa bập bùng giữa nhà rông Tây Nguyên cùng với các chàng trai, cô gái Bahnar chân chất hiền hòa. Và tôi đã đi vào giấc mơ đẹp của Chapi, thấy Nữ thần Mặt trời giữa đại ngàn hùng vĩ.
TRẦN VĂN QUANG; ảnh THANH TÙNG, K.O