Quảng Ngãi:

Khai phá tiềm năng du lịch trên sông Trà Bồng

NHƯ ĐỒNG

VHO – Chiều 25.6, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Phòng VHTT huyện Bình Sơn khảo sát phát triển sản phẩm du lịch trên sông Trà Bồng.

Khai phá tiềm năng du lịch trên sông Trà Bồng - ảnh 1
Đoàn khảo sát phát triển du lịch trên sông Trà Bồng

Theo UBND huyện Bình Sơn, địa phương hiện có tiềm năng phát triển du lịch trên sông Trà Bồng đoạn từ làng gốm Mỹ Thiện (Châu Ổ) đến đập ngăn mặn xã Bình Dương và các nội dung liên quan đến nhà thơ Tế Hanh.

Sông Trà Bồng chảy ngang qua thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn trên quốc lộ 1A với cây cầu dài mang tên sông. Làng Đông Yên, xã Bình Dương là quê của của nhà thơ Tế Hanh, cách thị trấn Châu Ổ khoảng 3km về hướng đông.

Khai phá tiềm năng du lịch trên sông Trà Bồng - ảnh 2

Du khách tham quan làng gốm Mỹ Thiện, thị trấn Châu Ổ

Đặt chân đến thị trấn Châu Ổ, du khách đến làng gốm Mỹ Thiện, tham quan trải nghiệm làm nghề gốm, sau đó đi tầm 500m đến ngôi nhà cổ của ông Lâm Dũ Xênh - nơi đây trưng bày, lưu giữ hơn 10 nghìn cổ vật từ nền văn hóa Đông Sơn, văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Chăm Pa và cả văn hoá Trung Hoa.

Đoạn từ làng gốm Mỹ Thiện (Châu Ổ) đến đập ngăn mặn xã Bình Dương du khách có thể di chuyển bằng đường bộ hoặc đường thuỷ. Du khách ngắm cảnh, trải nghiệm, ngân nga bài thơ Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh trên dòng sông Trà Bồng thơ mộng. Đồng thời, thưởng thức các món ăn truyền thống có sẵng của địa phương như: bánh bèo, bánh xèo, don, tận hưởng các dịch vụ ẩm thực hải sản tươi sống tại các nhà hàng, quán ăn ven sông Trà Bồng từ bờ kè thị trấn Châu Ổ đến khu vực bờ kè xã Bình Dương.

Khai phá tiềm năng du lịch trên sông Trà Bồng - ảnh 3
Dòng sông Trà Bồng thơ mộng

Ngoài ra, kết hợp tham quan các điểm Di tích lịch sử văn hoá của địa phương như: Mộ và nhà thờ Trần Công Hiến (thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương); Lăng vạn Đông Yên (thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương); trải nghiệm, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, các sáng tác của nhà thơ Tế Hanh (tại Nhà thờ họ Trần thôn Đông Yên – Nơi sinh và trải qua thời niên thiếu của nhà thơ Tế Hanh, thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương); trải nghiệm các nghề truyền thống của người dân Bình Dương như: nghề hấp cá, nghề đan thúng, đan lưới, đập lúa, đúc bánh xèo, cào hến...

Khai phá tiềm năng du lịch trên sông Trà Bồng - ảnh 4
Người dân trồng rau sạch ven sông

Trưởng Phòng VHTT huyện Bình Sơn Phạm Thanh Lương cho biết, địa phương đang đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư để phát triển hạ tầng du lịch của huyện. Trong đó có quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển Khu du lịch sinh thái ven sông Trà Bồng, đoạn thị trấn Châu Ổ đến xã Bình Dương tận dụng lợi thế nằm ở trung tâm huyện lỵ và vị trí nằm ven sông Trà Bồng, một vị trí thuận lợi để phát triển thương mại - dịch vụ, nhất là dịch vụ ven sông và dưới nước, nhằm phát triển thương mại – dịch vụ của địa phương.

Khai phá tiềm năng du lịch trên sông Trà Bồng - ảnh 5
Cảnh đẹp yên bình ở xã Bình Dương quê hương của nhà thơ Tế Hanh

Tham gia khảo sát, chị Nguyễn Thị Bích Diệu, đại diện Công ty Đồng Nội Phú Quốc chia sẻ, trên dòng sông Trà Bồng có rất nhiều giá trị để phát triển du lịch. Địa phương cần ưu tiên đầu tư, xây dựng một số điểm du lịch tạo điểm nhấn sau đó lan tỏa ra những điểm khác.Chú trọng vấn đề cải tạo cảnh quan môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách gia tăng trải nghiệm cho du khách...

Qua thực tế khảo sát, các thành viên trong đoàn đã trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến để khai thác các tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng phục vụ, đổi mới và đa dạng các sản phẩm để thu hút khách về với huyện Bình Sơn. Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa tạo cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành, trao đổi và khai thác các tour, tuyến mới lạ, hấp dẫn, độc đáo nhằm mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu của du lịch Quảng Ngãi.