Kết nối nông nghiệp - du lịch để thúc đẩy lợi ích cho cộng đồng

KHÁNH CHI - ĐINH AN

VHO - “Xây dựng sự liên kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và du lịch” là một chủ đề thảo luận nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia, diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn của UN Tourism tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam).

 Kết nối nông nghiệp - du lịch để thúc đẩy lợi ích cho cộng đồng - ảnh 1
Làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên) - mô hình có yếu tố bảo tồn kiến trúc nhà sàn của dân tộc Tày, văn hóa đồng bào Tày

 Du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn

Với sự dẫn dắt của điều phối viên, ông Paul Pruangkarn, Giám đốc Tổ chức, Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA), các ý kiến thảo luận tập trung vào chiến lược kết nối nông nghiệp và du lịch để thúc đẩy bền vững và lợi ích cho cộng đồng địa phương, biến du lịch trở thành động lực phát triển nông thôn.

Bà Sandra Carvão, Giám đốc Ban Thông tin Thị trường, Chính sách và Năng lực Cạnh tranh, UN Tourism đã trình bày Sổ tay hướng dẫn của UN Tourism và FAO về Phát triển Du lịch trong Hệ thống Toàn cầu về Di sản Nông nghiệp Quan trọng (GIAHS).

Chia sẻ về việc du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn, ông Đặng Quý Nhân, Đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ NN&PTNT Việt Nam cho biết: “Du lịch phát triển sẽ giúp người dân bán được sản phẩm; bảo tồn phương pháp canh tác truyền thống và chia sẻ với du khách những nét văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin để người dân tiếp cận du khách tốt hơn, phát triển nguồn nhân lực cho nông thôn để thúc đẩy du lịch, tăng thu nhập cho nông dân”.

Theo ông Nguyễn Song Hà, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) tại Việt Nam, cách tiếp cận, đưa mục tiêu phát triển bền vững vào phát triển du lịch nông nghiệp tập trung vào 5 yếu tố then chốt: An ninh lương thực và đời sống; Bảo tồn đa dạng sinh học; Tri thức truyền thống; Các giá trị văn hóa và xã hội; Hệ sinh thái. Các cách thức quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững du lịch nông thôn đó là thúc đẩy thay đổi về văn hóa để mọi người có hiểu biết nhiều hơn về tầm quan trọng của văn hóa địa phương, tạo ra ý niệm về trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa này. Thúc đẩy những sản phẩm bền vững, bán được những sản phẩm hữu cơ. Cung cấp những chính sách ưu đãi liên quan đến bảo tồn, thu nhập từ du lịch của cộng đồng sẽ được đầu tư vào các hoạt động phát triển bền vững.

 Kết nối nông nghiệp - du lịch để thúc đẩy lợi ích cho cộng đồng - ảnh 2
Người làm nông nghiệp có thêm nguồn thu nhập từ du lịch nếu du lịch nông thôn phát triển

Bà Dee Suvimol Thanasarakij, Giám đốc Điều hành, Văn phòng Điều phối Du lịch Mekong chia sẻ: “Lợi ích lâu dài đạt được từ mối liên kết giữa nông nghiệp và du lịch có thể kể đến như: Sự đa dạng về kinh tế, người làm nông nghiệp có thêm nguồn thu nhập từ du lịch. Văn hóa canh tác, đặc biệt nhiều người trẻ lớn lên không muốn ở làng quê vì không thấy giá trị, nhưng nếu thúc đẩy du lịch, người trẻ sẽ thấy giá trị của làng quê, văn hóa và thấy tự hào về văn hóa của làng quê để gắn kết lâu dài với làng quê”.

Các diễn giả cũng lưu tâm đến tính bền vững về môi trường khi làm du lịch nông nghiệp, hướng tới làm du lịch tích cực. Trong đó, 3 yếu tố chính thúc đẩy tính bền vững trong phát triển du lịch bền vững được đề cập đến là: Sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương ngay từ quá trình bắt đầu quy hoạch; Tăng cường năng lực, giúp người dân địa phương bổ sung kỹ năng, cung cấp những dịch vụ tốt nhất, bảo tồn giá trị truyền thống địa phương; Hỗ trợ về mặt chính sách khi Nhà nước đóng vai trò then chốt, tham gia vào sự phát triển, thực hiện chính sách giúp du lịch nông nghiệp lớn mạnh, đưa ra những chính sách ưu đãi hỗ trợ du lịch phát triển.

Theo ông Amran Hamzah, Giáo sư Quy hoạch Du lịch, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Phát triển Sáng tạo (CIPD), Đại học Công nghệ Malaysia: “Cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch nông thôn. Họ chính là Đại sứ du lịch của địa phương, thúc đẩy du lịch địa phương, tăng được mối liên kết giữa du lịch với nông nghiệp. Chúng ta cũng cần thiết lập một số thông số chi tiêu cụ thể để đánh giá được tác động của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế; thông qua du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Trong phiên thảo luận “Xây dựng sự liên kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và du lịch”, các đại biểu cũng đưa ra ví dụ về thành công trong hoạt động phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam là Làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên) - mô hình có yếu tố bảo tồn kiến trúc nhà sàn của dân tộc Tày, văn hóa đồng bào Tày được chia sẻ một cách tích cực, truyền cảm hứng cho du khách khi đến làng.

Một số ví dụ về hoạt động gây quỹ huy động nguồn lực tài chính, lồng ghép nông nghiệp - ngư nghiệp - bảo tồn văn hóa, kết nối các bên doanh nghiệp, người nông dân, khách hàng, chính quyền… ở một số làng điển hình của Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan cũng gây ấn tượng mạnh mẽ tại Hội nghị.

 Kết nối nông nghiệp - du lịch để thúc đẩy lợi ích cho cộng đồng - ảnh 3
Tri thức văn hóa truyền thống sẽ được gìn giữ khi du lịch nông thôn phát triển

Đưa du lịch vào chương trình phát triển nông thôn

Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa du lịch vào chương trình nghị sự phát triển nông thôn, nhằm đảm bảo rằng du lịch được tích hợp đầy đủ vào nguồn tài trợ cho phát triển nông thôn và quy hoạch cơ sở hạ tầng ở các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Các chủ đề thảo luận và các phát biểu quan trọng tại Hội nghị đều nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các ngành để đảm bảo du lịch không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn bảo tồn di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ môi trường. Các phiên thảo luận đã làm rõ các chiến lược chuyển đổi để tận dụng du lịch nông thôn như một động lực phát triển bền vững. Trong đó có việc xây dựng các chính sách hiệu quả của chính phủ, giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng và thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư để lan tỏa sáng kiến của các địa phương, các làng du lịch.

Diễn giả đến từ các tổ chức chủ chốt bao gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Du lịch Mekong, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) và các công ty như: Fliggy, Intrepid Travel, Japan Travel Bureau, Meta, Planeterra và Traveloka đã chia sẻ những hiểu biết giá trị về việc thúc đẩy du lịch nông thôn. Các ý kiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của du lịch bền vững trong việc thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế, bảo vệ di sản văn hóa và tạo ra các cơ hội công bằng cho cộng đồng nông thôn. Các chuyên gia truyền thông Carmen Roberts, Người dẫn chương trình truyền hình và Nhà báo du lịch, Chương trình du lịch của BBC Kanchan Nath, Biên tập viên cao cấp tại Travel Daily Media đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về truyền thông của họ về du lịch nông thôn. Các cuộc thảo luận đã đưa ra những điểm chính về việc tích hợp du lịch với nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo tính bao trùm và tận dụng các quan hệ đối tác để thúc đẩy tác động lâu dài tại các điểm đến nông thôn.

Để tăng cường hợp tác phát triển du lịch nông thôn, UN Tourism và Fliggy đã ký Biên bản ghi nhớ. Quan hệ đối tác này được thiết lập để thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm; đổi mới và ứng dụng công nghệ trong các hoạt động du lịch và khuyến khích trao đổi kiến thức, xây dựng năng lực trong du lịch nông thôn. Các sáng kiến chính bao gồm giới thiệu các Làng du lịch tốt nhất, tạo ra các chương trình đào tạo và tiến hành nghiên cứu chung để hỗ trợ du lịch nông thôn.