Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn của UN Tourism:
Mở ra cơ hội mới cho du lịch nông thôn trên toàn cầu
VHO - Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn lần thứ nhất của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) diễn ra tại Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An, tỉnh Quảng Nam ngày 10.12 đã mở ra cơ hội mới, tạo động lực đột phá cho du lịch nông thôn trên toàn cầu nói chung, cho hành trình phát triển du lịch nông thôn của Việt Nam nói riêng.
Động lực phát triển bền vững
Những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Bộ VHTTDL, các phiên thảo luận chia sẻ của các diễn giả, đại biểu trong nước và quốc tế về chính sách, cơ chế quản lý, giải pháp ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, giữ gìn văn hóa bản địa, sự liên kết giữa nông nghiệp và du lịch… đã gợi mở nhiều sáng kiến, cách làm mới. Từ đó, các quốc gia, tổ chức, địa phương, các làng du lịch, doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận, học hỏi nhau nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển du lịch nông thôn. Tạo ra cơ hội mới để thúc đẩy bền vững phát triển du lịch nông thôn, mang lại lợi ích sâu rộng, bền lâu cho cộng đồng địa phương, tạo nền tảng vững chắc đưa du lịch nông thôn trở thành động lực phát triển bền vững cho các cộng đồng.
Trong phiên bế mạc hội nghị chiều ngày 10.12, nhiều ý kiến đại biểu quốc tế cho rằng, Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất khép lại nhưng hành trình phát triển du lịch nông thôn mới chỉ bắt đầu, mở ra nhiều cơ hội mới cho du lịch nông thôn toàn cầu. Đồng thời thể hiện sự cam kết mạnh mẽ vì sự phát triển bền vững và công bằng của các cộng đồng nông thôn trên toàn thế giới.
Theo bà Zoritsa Urosevic, Phó Tổng thư ký UN Tourism, cộng đồng các quốc gia trong UN Tourism cam kết ưu tiên phát triển nông thôn, coi đây là nền tảng cho phát triển bền vững toàn cầu. Chương trình du lịch phát triển nông thôn và sáng kiến làng du lịch tốt nhất của UN Tourism là minh chứng cho cam kết này. Những vấn đề thảo luận tại hội nghị đưa ra định hướng phát triển du lịch nông thôn và cùng lan tỏa các giá trị, tiềm năng du lịch để góp phần thay đổi cuộc sống; trao quyền cho cộng đồng nông thôn và thúc đẩy công bằng kinh tế, xã hội.
Sự kiện này không đơn thuần một hội nghị mà là cột mốc quan trọng phản ánh cam kết mạnh mẽ của UN Tourism trong việc ưu tiên phát triển nông thôn như nền tảng cho sự phục hồi, phát triển bền vững của toàn cầu, đồng thời thúc đẩy việc trao quyền cho cộng đồng nông thôn và thúc đẩy công bằng kinh tế - xã hội. Thời gian tới, UN Tourism sẽ tiếp tục đóng góp vai trò dẫn dắt, là người điều phối để các quốc gia nắm bắt thêm thông tin, kiến thức, định hướng và quan tâm hơn đến du lịch nông thôn.
Phát biểu tại phiên bế mạc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: “Thành tựu của hội nghị không chỉ ở việc đưa ra các khuyến nghị thiết thực để biến du lịch trở thành động lực phát triển nông thôn mà còn là tinh thần hợp tác, kết nối. Hội nghị lần này đã mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế về du lịch nông thôn, kết nối các bên liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đối tác tài chính lớn tạo nền tảng về sự hợp tác lâu dài”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã có 6 phiên thảo luận và các phiên chia sẻ cảm hứng tạo nên một không gian đối thoại đa chiều, sôi nổi. Nhiều vấn đề then chốt liên quan đến tiềm năng cũng như những thách thức mà du lịch nông thôn trên toàn cầu đang đối diện được đưa ra thảo luận thẳng thắn. Trong đó nhấn mạnh đến các nội dung quan trọng như vai trò của du lịch trong sự định hình sự phát triển toàn diện tại khu vực nông thôn; tầm quan trọng của việc xây dựng chính sách phù hợp; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương; chia sẻ lợi ích hài hòa, thúc đẩy sáng tạo trong phát triển các sản phẩm…
Cùng với đó là những vấn đề lớn mang tính chiến lược từ việc tìm kiếm các giải pháp tài chính và đầu tư bền vững, tích hợp nông nghiệp vào chuỗi giá trị du lịch cho đến việc xây dựng năng lực và trao quyền cho các nhóm yếu thế cùng tham gia trong quá trình phát triển du lịch.
Hợp tác công - tư, chia sẻ lợi ích hài hòa
Tại phiên thảo luận với chủ đề xây dựng chính sách thúc đẩy du lịch nông thôn, khi bà Sandra Carvão, Giám đốc Ban Thông tin Thị trường, Chính sách và Năng lực Cạnh tranh của UN Tourism đặt câu hỏi về việc miêu tả định hướng tương lai du lịch nông thôn trong những “từ khóa” ngắn gọn. Đại diện các Trưởng đoàn một số nước thành viên UN Tourism như Việt Nam, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… đã đưa ra những từ gợi ý để cùng tạo nên thông điệp về tương lai của du lịch nông thôn đó là: Giá trị mang lại cho cộng đồng địa phương - hợp tác công tư - sự tham gia cộng đồng - tính bền vững.
Chia sẻ về chính sách thúc đẩy du lịch nông thôn, kinh nghiệm xúc tiến hiệu quả điểm đến du lịch nông thôn từ thực tế của quốc gia mình, ông Ali Nurman, Phó giám đốc quản lý điểm đến du lịch, Bộ Du lịch Indonesia cho biết: “Dựa vào đặc thù của đất nước, các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào tăng cường hiểu biết liên quan đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, hướng đến thị trường du khách trong nước”. Từ đó có chiến lược để cải thiện hiểu biết về làng du lịch tốt nhất của Indonesia đến thị trường du lịch trong nước và quốc tế; sáng kiến mạng lưới làng du lịch tốt nhất, mời các làng cùng tham gia, cùng đăng ký nền tảng du lịch nông thôn. Chính quyền địa phương cũng phải có cam kết về việc tăng cường sự hiểu biết của người dân địa phương về nền tảng làng du lịch; xây dựng hồ sơ quảng bá về các làng trên nhiều kênh, nối kết người dân, cộng đồng, đưa thông tin đến người trẻ, thu hút được sự quan tâm đến xu hướng du lịch nông thôn. Đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải nâng giá trị và trao quyền cho cộng đồng để từ đó người dân địa phương có những hiểu biết tốt hơn về thế mạnh liên quan đến loại hình du lịch nông thôn. Một khi đã có mục tiêu xác định thì mới có thể nhìn thấy thách thức đối diện trong việc phát triển du lịch nông thôn.
Cũng với chủ đề trên, ông Gürdal Bozkurt, chuyên gia Bộ Văn hóa và Du lịch Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh đến hợp tác công tư, sự tham gia của Bộ Du lịch trong việc xây dựng chính sách thúc đẩy du lịch nông thôn. Cải thiện tính kết nối, hợp tác công tư mang lại lợi ích nhiều hơn cho vùng sâu, vùng xa, chẳng hạn như tư nhân có sự linh hoạt trong tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, Nhà nước có các quy định linh hoạt, mở thu hút nhà đầu tư. Có các hoạt động hỗ trợ để tạo ra những điểm lưu trú phục vụ du lịch, tập trung phát triển các hoạt động du lịch liên quan đến văn hóa, nông nghiệp của địa phương để hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Đồng thời đầu tư cho các hoạt động nông nghiệp, tầm quan trọng của khu vực nông thôn để tạo ra những điểm đặc biệt liên quan đến hoạt động du lịch nông thôn
Trong đó, phải đặc biệt cân nhắc yếu tố bảo tồn văn hóa, môi trường bền vững tại những điểm đến này. Việc “mở” quá mức trên thị trường cũng dẫn đến thách thức. Do đó cần cân nhắc, xác định rõ những mục tiêu cụ thể về du lịch bền vững, môi trường, lợi ích thực sự mang lại cho cộng đồng là gì khi phát triển du lịch nông thôn để không phát triển ồ ạt, phá vỡ sự cân bằng. Ở góc độ tài chính, cần phải tính toán, xác định rõ, không nên tập trung vào phát triển nhanh mà quên mất tính toán “dấu chân carbon” trong quá trình phát triển. Phát triển quá “nóng”, không chú trọng gìn giữ môi trường có thể sẽ dẫn đến những hệ quả lâu dài, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Ở đây, cần nhấn mạnh đến vai trò Chính phủ hỗ trợ, giúp khai thông nguồn tài chính cho các làng du lịch nông thôn.