Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

Hợp tác thúc đẩy du lịch bằng đường sắt

THUÝ HÀ; ảnh: THẾ PHI

VHO - Ngày 29.5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã làm việc với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để hợp tác, thúc đẩy hoạt động du lịch bằng đường sắt. Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh đồng chủ trì buổi làm việc.

Hợp tác thúc đẩy du lịch bằng đường sắt - ảnh 1
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh phát biểu tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc, phía Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có Phó cục trưởng Hà Văn Siêu và lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc. Phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội Đỗ Văn Hoan; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn Đào Anh Tuấn.

Tại buổi làm việc, ông  Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam điểm lại những dấu mốc chính trong chặng đường 64 năm hình thành, phát triển của ngành Du lịch. Đặc biệt, trước dịch Covid-19, ngành Du lịch có sự phát triển mạnh mẽ, được Bộ Chính trị định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia.

Hợp tác thúc đẩy du lịch bằng đường sắt - ảnh 2
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi làm việc

Năm 2018, Tổ chức Du lịch Thế giới (nay là Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc” xếp Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 điểm đến có tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế nhanh nhất thế giới.

Năm 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã đạt hơn 18 triệu khách, khách du lịch nội địa đạt 85 triệu khách, tổng thu du lịch đạt 755 nghìn tỉ đồng (tương đương 32 tỉ USD), đóng góp của du lịch vào GDP tăng lên đến 9,2%. Tháng 1.2020, Việt Nam lần đầu tiên đón 2 triệu khách du lịch quốc tế trong 1 tháng.  

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng khi mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15.3.2022, ngành Du lịch có bước hồi phục mạnh mẽ.

Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019.

Hợp tác thúc đẩy du lịch bằng đường sắt - ảnh 3
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, Phó cục trưởng Hà Văn Siêu và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham dự buổi làm việc

Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, phục hồi bằng 70% so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch Covid-19; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa. Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi hoàn toàn lượng khách du lịch quốc tế, đạt 18 triệu lượt. Tổng số khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều năm liền, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á (Asia’s Leading Tourist Board).

Ngành Du lịch Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá trong nhiều năm như: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến golf tốt nhất thế giới; Điểm đến hàng đầu châu Á; Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á...

Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các chính sách, nghị quyết để phát triển du lịch nhanh, bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế tới Việt Nam qua các chính sách visa mới.

Bộ VHTTDL cũng đã phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa 2024 với chủ đề “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” để kích cầu mùa du lịch hè 2024. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực hưởng ứng và triển khai chương trình kích cầu phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương.

Hợp tác thúc đẩy du lịch bằng đường sắt - ảnh 4
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tham dự buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao những đổi mới, nỗ lực của ngành Đường sắt trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch.

Hiện nay, Việt Nam đang tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chủ đạo gồm: Du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị. Trong đó có các nhánh sản phẩm: du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch golf, du lịch MICE…

Ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, thời gian tới sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch bằng đường sắt và tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch này ở các sự kiện quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước.

Thông tin về tình hình vận tải hành khách trên các tuyến đường sắt quốc gia, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết: “Mạng lưới đường sắt quốc gia hiện tại có tổng chiều dài 3.158 km và đang khai thác 303 ga, trạm, trong đó 2644,19 km đường chính tuyến, 514,098 km đường ga và đường nhánh, bao gồm 3 loại khổ đường: 1.000mm, 1.435mm, đường lồng 1.000mm và 1.435mm; bao gồm 7 tuyến chính và một số tuyến nhánh, nhánh kết nối đến các đô thị, cơ sở sản xuất”.

Hợp tác thúc đẩy du lịch bằng đường sắt - ảnh 5

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh

Hiện nay mạng lưới đường sắt kết nối với nhau tại khu đầu mối Hà Nội, hiện đi qua địa bàn của 34 tỉnh, thành phố, gồm 4/6 vùng kinh tế của cả nước. Năng lực khai thác trên hầu hết các tuyến đường sắt chính đạt khoảng 17 - 25 đôi tàu/ngày đêm, tốc độ khai thác tàu khách, tàu hàng trung bình 50 - 70 km/h (lớn nhất 95 km/h đối với tàu khách; 80 km/h đối với tàu hàng).

Hầu hết các tuyến đường sắt đều được xây dựng từ lâu nên có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, có nhiều hạn chế về tải trọng, bình trắc diện nên tốc độ chạy tàu thấp.

Hằng ngày Tổng công ty tổ chức chạy thường xuyên các tàu khách Thống nhất đi suốt Bắc - Nam và các tàu khách khu đoạn phục vụ du lịch và nhu cầu đi lại của người dân.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đổi mới về phương tiện, dịch vụ trên tàu, dưới ga nhằm khai thác tốt nhất vận tải đường sắt, không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá mà cả nhu cầu du lịch của người dân.

Thời gian qua, ngành Đường sắt đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm du lịch bằng đường sắt hấp dẫn, kết nối các điểm đến văn hóa, di sản, bao gồm các cơ sở công nghiệp, công trình hạ tầng, công trình kiến trúc nhà ga như: Ga Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Lạt, Gia Lâm, Long Biên...

Nâng cấp các khu ga trở thành điểm đến văn hoá ở mỗi địa phương. Ngành Đường sắt đã phát động phong trào đường tàu- đường hoa trên khắp 34 tỉnh, thành phố có đường tàu chạy qua với mong muốn hình thành đường hoa dài nhất Việt Nam. Tháng 5.2023 tuyến đường sắt Bắc- Nam được cẩm nang du lịch Lonely Planet bình chọn là 1 trong 8 tuyến đường sắt hấp dẫn nhất thế giới.

Hợp tác thúc đẩy du lịch bằng đường sắt - ảnh 6
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và thành viên đoàn công tác của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tham quan phòng truyền thống của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Với các nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, ngành Đường sắt muốn biến nhược điểm là thời gian hành trình dài, tàu chạy chậm thành các ưu điểm với việc gia tăng các dịch vụ, trải nghiệm, tiện ích trên tàu phục vụ khách như: trình diễn nghệ thuật, triển lãm, giới thiệu ẩm thực, trang bị wifi... Từ đó, tạo thành hệ sinh thái hoàn chỉnh để du khách trải nghiệm; thích thú, thoải mái với việc đi tàu, du lịch bằng tàu.

“Ngành Đường sắt tới nay đã phục vụ 43 triệu giờ hành khách ngồi tàu (chưa kể thời gian chờ tàu). Bên cạnh đó, nhiều khách vẫn còn “nỗi ám ảnh” đi tàu là vừa lâu, vừa bẩn. Nếu biết cách, biến những thời gian đó thành thời gian có ích, biến không gian trên tàu thành không gian đẹp để khách hưởng thụ thì chắc chắn sẽ “đánh thức được nàng công chúa đang ngủ quên” và khách cũng sẽ không còn ngủ gà ngủ gật trên tàu, buồn chán và chê đi tàu”, ông Đặng Sỹ Mạnh thẳng thắng nói.

Để ngành Đường sắt không bị tụt hậu, ông Đặng Sỹ Mạnh cho rằng cần phải có sự linh hoạt hơn nữa, hướng tới các sản phẩm đặc thù và đối tượng hành khách riêng. Thời gian tới, ngành Đường sắt sẽ xây dựng các đôi tàu 5 sao hướng tới phục vụ phân khúc khách hạng sang; các tàu charter (thuê bao chuyến) với thành phần đoàn tàu, hành trình, tuyến theo yêu cầu của khách hàng.

Tính đến hết tháng 5.2024, sản lượng vận tải hành khách tăng trưởng tích cực, dự báo hành khách lên tàu đạt hơn 2,7 triệu khách, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2023. Ngành Đường sắt đặt Kế hoạch vận tải năm 2024 sẽ vận chuyển khoảng 6,1 triệu lượt hành khách.

Những năm gần đây, ngành Đường sắt có nhiều đổi mới, sản phẩm độc đáo, thu hút được ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài nước đi tàu. Trong đó,  tàu kết nối di sản Huế - Đà Nẵng, tàu Hà Nội - Đà Nẵng, tàu đưa khách đi tuyến “food tour Hải Phòng”... nhiều thời điểm phải đặt trước nhiều ngày nhưng vẫn hết vé, kín chỗ.

Hợp tác thúc đẩy du lịch bằng đường sắt - ảnh 7
Các thành viên tham dự buổi làm việc giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc, lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thống nhất sẽ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên, giao các đầu mối thực  hiện với lộ trình cụ thể nhằm tăng cường hợp tác phát triển; phối hợp, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch bằng đường sắt.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trong xây dựng chương trình, nội dung quảng bá đường sắt khi xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam với thị trường du lịch nội địa và quốc tế.

"Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ ngành Đường sắt quảng bá trên các kênh truyền thông du lịch, các nền tảng số, định danh trên bản đồ số; phối hợp đào tạo nhân viên đường sắt trong nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch trên tàu, dưới ga; tổ chức các hội nghị, hội thảo và tổ chức các sự kiện famtrip, festival văn hóa, du lịch, ẩm thực tại các địa phương", ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam hỗ trợ, phối hợp xây dựng được mô hình du lịch liên kết các phương thức vận tải như: hàng không - đường sắt - đường bộ tạo thành chuỗi phục vụ khách du lịch theo hướng “một tấm vé cho cả hành trình” (One ticket - all trips). Tăng cường kết nối đầu- cuối và ngành Đường sắt tham gia 1 phân khúc trong đó. Trên hành trình đó còn có các điểm đến, các dịch vụ du lịch; đi tàu giảm giá dịch vụ ăn, ngủ... nhằm chia sẻ lợi ích giữa các bên và đa dạng sản phẩm phục vụ du khách.