Hai trụ cột của du lịch toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam

HOÀNG HẢI

VHO - Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông minh và các giải pháp phát triển bền vững đang thúc đẩy sự chuyển đổi sâu sắc ngành du lịch toàn cầu. Đây là nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước khi phân tích về những trụ cột định hình ngành “công nghiệp không khói” trong năm 2025.

 Hai trụ cột của du lịch toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam - ảnh 1
Di sản văn hóa phong phú và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch bền vững và trải nghiệm

Theo các chuyên gia, với tiềm năng di sản văn hóa phong phú, cảnh quan thiên nhiên độc đáo và chiến lược tích hợp công nghệ, Việt Nam có cơ hội lớn để trở thành điểm đến hàng đầu về du lịch thông minh và bền vững trong khu vực.

Tiến sĩ Justin Matthew Pang (Đại học RMIT Việt Nam) nhấn mạnh, công nghệ thông minh, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành động lực thúc đẩy đổi mới, mang lại hiệu quả và thay đổi căn bản trong cách thức hoạt động của ngành du lịch. AI cung cấp các ứng dụng tiềm năng vô tận để giải quyết những thách thức cấp bách như tình trạng thiếu hụt lao động nhằm nâng cao sự hài lòng và trải nghiệm cho du khách. Góp phần nâng cao hiệu suất khai thác nguồn tài nguyên của du lịch, thúc đẩy thực hành bền vững hơn trong ngành.

“Điển hình như các chatbot được hỗ trợ bởi AI sẽ cung cấp những gợi ý cá nhân hóa để giúp du khách lập kế hoạch cụ thể hơn cho hành trình khám phá của mình. Tại các sân bay và khách sạn, công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ giúp đơn giản hóa quy trình làm thủ tục và kéo giảm đáng kể thời gian chờ đợi của du khách.

Thông qua phân tích dữ liệu lớn cũng cho phép các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hành vi, sở thích của du khách để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn của thị trường. Theo xu hướng trên, thế hệ du khách am hiểu về AI, nhất là giới trẻ sẽ lựa chọn những trải nghiệm thông minh, thân thiện và không gây hại đến môi trường. Điều này cũng thôi thúc các bên liên quan phải không ngừng sáng tạo, đưa ra các sáng kiến trong việc phát triển các sản phẩm du lịch bền vững. Mang lại tác động tích cực cho cộng đồng và môi trường”, tiến sĩ Pang khẳng định.

Theo tiến sĩ Phạm Hương Trang, Giảng viên ngành quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam), với nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Việt Nam đang vươn lên trở thành điểm đến lý tưởng cho du lịch trải nghiệm và bền vững. Những lợi thế độc đáo này không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các thị trường khó tính, mà còn giúp Việt Nam định vị mình như một quốc gia có khả năng cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm môi trường.

Sự kết hợp này đưa Việt Nam trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, chiến lược quốc gia về blockchain của Việt Nam đang mở ra những cơ hội mới về chuyển đổi số trong ngành du lịch, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, củng cố hơn nữa vị thế của Việt Nam như một điểm đến hiện đại và đổi mới hấp dẫn.

Tiến sĩ Trang nhấn mạnh: “Việc kết hợp các thế mạnh về tài nguyên với tiến bộ công nghệ và các sáng kiến bền vững sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam vươn mình, dẫn đầu trên thị trường du lịch khu vực. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục... Đây cũng là chìa khóa thành công bền vững của du lịch Việt Nam”.

Theo GS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG - HCM), phát triển du lịch từ nguồn tài nguyên văn hóa sẽ xuất hiện nhiều cơ hội nâng cao khả năng hợp tác công tư trong công tác bảo tồn di sản, trùng tu tôn tạo di tích và phát triển công nghiệp sáng tạo. Khai thác văn hóa để phát triển du lịch cũng sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân tại các địa phương. Khi người dân nhận thấy văn hóa tạo ra lợi nhuận kinh tế mà họ là đối tượng thụ hưởng thì trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa của họ sẽ được nâng cao đáng kể. “Người dân sẽ cảm thấy tự hào với nền văn hóa của chính họ. Từ đó, họ sẽ hợp tác tích cực với chính quyền địa phương trong phát triển du lịch để tái tạo văn hóa”, GS.TS Ngô Thị Phương Lan nhìn nhận.

Ngài Thomas Gass, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là quốc gia tuyệt đẹp với nhiều cảnh quan và giàu di sản văn hoá. Nếu bảo tồn và phát triển những tài sản vô giá này, ngành du lịch chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, chìa khoá dẫn đến thành công là việc thực thi, triển khai hiệu quả và theo dõi các chính sách, kế hoạch hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo đó, Việt Nam nên thúc đẩy hợp tác công - tư trong các sáng kiến về xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu và du lịch sinh thái. Điều này sẽ giúp Việt Nam cải thiện sự kết nối và tiếp cận các điểm đến du lịch, đồng thời giới thiệu được cảnh quan du lịch thiên nhiên độc đáo đến du khách trong nước và quốc tế.

Ngài Thomas Gass cũng nhấn mạnh, việc thúc đẩy quảng bá các điểm đến du lịch ít được biết đến sẽ góp phần giảm bớt áp lực lên các điểm du lịch đang rất phổ biến, được đông đảo du khách biết đến như Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh) hoặc Hội An (Quảng Nam). Đặc biệt, cần thúc đẩy các tiêu chuẩn về du lịch xanh hoặc triển khai các chứng chỉ du lịch bền vững, tăng kết nối với các ngành khác để cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0. Góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để tiếp cận các thị trường cao cấp hơn.