Du lịch toàn cầu sẽ vượt qua thử thách

VHO- Dựa trên các kịch bản tương lai của du lịch thế giới trong năm 2023, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định, du lịch thế giới sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ ngay cả khi đối mặt với nhiều thách thức bao gồm tình hình kinh tế và sự bất ổn địa chính trị tiếp diễn.

Du lịch toàn cầu sẽ vượt qua thử thách - Anh 1

 Khung cảnh bình yên ở thị trấn Vangvieng (Lào) Ảnh: MEKONG CRUISE

Mới đây, trong báo cáo của Liên minh Du lịch Vùng núi Quốc tế và Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tái định hình mô hình phát triển du lịch toàn cầu và góp phần xây dựng một cộng đồng du lịch lớn nhất thế giới. RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm 15 thành viên, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).

RCEP chính thức có hiệu lực từ tháng 1.2022. Mục tiêu của RCEP là trong vòng 20 năm (2020 - 2040) tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế xuất, nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết hiệp định. Hiệp định RCEP thiết lập các quy tắc mới về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử và quyền sở hữu trí tuệ, quy định cao hơn về thương mại dịch vụ và đầu tư nước ngoài xuyên biên giới. Hiệp định RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các giao dịch mà không cần đáp ứng những yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia. Hiệp định RCEP đã thiết lập một hệ thống thương mại tự do, công bằng và cởi mở dựa trên luật lệ của khu vực châu Á.

Báo cáo cho thấy, các nước RCEP đã đón tổng cộng 398 triệu lượt khách du lịch nước ngoài và có 260 triệu lượt người đi du lịch nước ngoài, lần lượt chiếm 29% và 24% tổng số tương ứng toàn cầu. Đồng thời chỉ ra rằng, các nước RCEP có hơn một nửa diện tích đất liền là vùng núi, vì thế thuận lợi cho việc hình thành nên các trung tâm du lịch nổi tiếng. RCEP sở hữu 46 địa điểm núi non có tên trong danh sách Di sản Thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận, mang đến nhiều dư địa để phát triển loại hình du lịch núi tại các nước này.

Bên cạnh đó, các nước thành viên RCEP cũng đã và đang đẩy mạnh kết nối các tuyến du lịch. Cụ thể, hiện Thái Lan - Lào đang nỗ lực thúc đẩy kết nối du lịch, điều này không chỉ tạo thuận lợi cho du khách mà còn giúp hình thành các cửa ngõ kết nối những điểm tham quan nổi tiếng ở các tỉnh giáp biên Thái Lan - Lào. Chính quyền tỉnh Loei ở vùng Đông Bắc Thái Lan và chính quyền tỉnh Vientiane (Lào) đã nhất trí kết nối các tuyến du lịch và đẩy nhanh việc xây dựng cây cầu hữu nghị Thái Lan - Lào thứ hai tại huyện Pak Chom của tỉnh Loei. Điều này sẽ giúp du khách quốc tế khi đến tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Loei cũng có thể tới thăm những địa điểm du lịch nổi tiếng của Lào ở tỉnh Vientiane như Muong Phuong và Vangvieng. Bên cạnh đó, du khách quốc tế, người dân Lào và Thái Lan cũng có thể dễ dàng đến thăm các điểm du lịch nổi tiếng của hai nước này thông qua 6 cây cầu hữu nghị bắc qua sông Mekong.

Không chỉ đẩy nhanh xây dựng cây cầu hữu nghị Thái Lan - Lào, mới đây truyền thông Lào cho hay nước này và Thái Lan đang nghiên cứu phương án xây dựng đường cao tốc mới dài 160 km, nối từ thành phố Kaysone Phomvihane, thủ phủ tỉnh Savannakhet, đến cửa khẩu Lao Bảo của Việt Nam. Cùng với đường cao tốc, ông Senesak Soulysak, Phó tỉnh trưởng tỉnh Savannaket cho biết, sẽ đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao và sân golf, cũng như dịch vụ vận tải quốc tế để thuận tiện cho việc giao thương và phát triển du lịch.

Theo Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Du lịch của CASS, Jin Zhun, các mối quan hệ kinh tế thương mại quốc tế vững chắc và cởi mở do RCEP mang lại sẽ góp phần tối ưu hóa thị trường khu vực, thúc đẩy trao đổi kinh tế và văn hóa, gắn kết cung cầu du lịch ở các nước.

Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu Du lịch của CASS tin tưởng RCEP sẽ thúc đẩy chu kỳ kinh tế du lịch mạnh mẽ hơn và các thành viên RCEP sẽ trở thành những điểm đến du lịch quốc tế quan trọng, thu hút hơn 30% lượng du khách và chi tiêu du lịch toàn cầu. 

 HOÀNG MINH 

Ý kiến bạn đọc