Du lịch là cực tăng trưởng của nhiều địa phương

ĐINH VŨ AN; ảnh TRẦN HUẤN

VHO - Du lịch là một trong những lĩnh vực được nhiều đại biểu đại diện các địa phương đề cập, phát biểu ý kiến tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ VHTTDL nhằm “hợp lực, chọn điểm, bứt tốc để du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á, góp phần tăng trưởng kinh tế trên 8%” như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.

Du lịch là cực tăng trưởng của nhiều địa phương - ảnh 1
Hội nghị có sự tham dự của 34 đầu cầu tỉnh, thành phố trên cả nước

Lào Cai: Tăng nguồn lực và không gian phát triển du lịch nhưng còn nhiều lúng túng

Ông Nông Việt Yên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai tập trung vào phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp.

Trong lĩnh vực Du lịch, ông Nông Việt Yên cho biết ranh giới đề nghị công nhận Khu du lịch cấp tỉnh nằm trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên nhưng do tổ chức quản lý Khu du lịch thực hiện.

Vì thế, địa phương đang lúng túng không biết trong trường hợp này, việc lập hồ sơ đề nghị công nhận Khu du lịch cấp tỉnh sẽ do tổ chức quản lý thực hiện hay do cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh chủ trì thực hiện và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định?

Một trường hợp khác, hồ sơ đề nghị công nhận Khu du lịch cấp tỉnh do tổ chức quản lý lập hồ sơ, ranh giới nằm trên 1 đơn vị hành chính cấp huyện. Hồ sơ đã được Sở VHTTDL thẩm định và trình UBND tỉnh trước ngày 1.7.2025.

Tuy nhiên, do việc sáp nhập tỉnh, UBND tỉnh chưa ban hành Quyết định công nhận trước ngày 1.7. Vậy, sau 1.7, hồ sơ đề nghị công nhận Khu du lịch cấp tỉnh đã trình có cần lập lại không? Nếu có thì việc lập hồ sơ do tổ chức quản lý khu du lịch hay cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện?

Theo ông Nông Việt Yên: “Sau sáp nhập, tỉnh Lào Cai mới có rất nhiều nguồn lực, không gian mới để phát triển du lịch. Tỉnh cũng chủ trương biến di sản thành tài sản và xác định du lịch là 1 trong 4 trụ cột của kinh tế của địa phương”.

Đối với những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật, Sở VHTTDL Lào Cai đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn thi hành luật, nghị định, bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tránh khoảng trống pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện tại địa phương.

Quảng Ngãi: Du lịch là điểm sáng của kinh tế địa phương

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Phạm Thị Trung cho biết: “Hiện nay, ngành VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi đang tham mưu cho UBND tỉnh triển khai chỉ đạo của Trung ương là phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia và đang xin ý kiến của các Bộ, ngành”.

Trong nhiệm 6 tháng cuối năm, Sở VHTTDL Quảng Ngãi đề nghị Bộ quan tâm, tạo điều kiện để Khu du lịch Măng Đen, Lý Sơn phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Du lịch Quảng Ngãi sau 6 tháng đầu năm cũng là điểm sáng trong nền kinh tế. 2 địa phương là Kon Tum và Quảng Ngãi (cũ) đều đã vượt chỉ tiêu về du lịch đặt ra từ đầu năm, đạt trên 63% kế hoạch năm.

Sở VHTTDL Quảng Ngãi cũng đề nghị Bộ VHTTDL hỗ trợ tổ chức “Hội thảo Phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia”.

Du lịch là cực tăng trưởng của nhiều địa phương - ảnh 2
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá cho biết: "Toàn tỉnh có 76 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 152.000 tỉ đồng"

Thanh Hoá: Thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch

“6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt thêm 2 quy hoạch phát triển du lịch, nâng tổng số quy hoạch toàn tỉnh là 57 quy hoạch phát triển du lịch. Đã ưu tiên bố trí vốn cho 19 dự án đầu tư hạ tầng du lịch, với tổng vốn hơn 1.176 tỉ đồng, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn có vai trò kết nối các khu, điểm du lịch trọng điểm, tạo thuận lợi cho du khách”, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã chấp thuận chủ trương, khởi công thêm 1 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, đó là Dự án khu dịch vụ du lịch và trục cảnh quan văn hóa thuộc quần thể khu du lịch Am Tiên với tổng vốn đầu tư hơn 6.600 tỉ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 76 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 152.000 tỉ đồng, trong đó nhiều dự án có quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, phục vụ phân khúc khách cao cấp: Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên với hơn 6.800 tỉ đồng; dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội phường Sầm Sơn với kinh phí đầu tư 46.000 tỉ đồng…

Về phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục tập trung đầu tư cho 3 dòng sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của tỉnh gồm: Du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái cộng đồng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng song song hình thành và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch mới như: Du lịch MICE, du lịch nghề và làng nghề, du lịch nông trại kết hợp trải nghiệm, góp phần thu hút khách du lịch, giảm dần tính mùa vụ và giảm tải khách du lịch tại các điểm đến vào thời gian cao điểm du lịch hè tại Thanh Hóa.

Hằng năm, chúng tôi phấn đấu hình thành ít nhất 1 điểm đến mới hoặc 1 tour du lịch mới để tổ chức công bố và đưa vào vận hành, khai thác phục vụ khách du lịch.

Về công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch, Thanh Hóa thường xuyên truyền thông du lịch trên các nền tảng số, trên truyền hình quốc gia (VTV); xây dựng các video quảng bá hấp dẫn phát trên các màn hình led tại các sân bay lớn trong nước, các điểm cộng cộng ở nhiều tỉnh, thành phố; trên fanpage, youtube, TikTok, website…

Chúng tôi tổ chức đón nhiều đoàn doanh nghiệp và báo chí trong và ngoài nước đến khảo sát, kết nối tuyến, điểm du lịch.

Đặc biệt, để nâng tầm giá trị cho sản phẩm du lịch, chúng tôi huy động các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đăng ký và tổ chức chuỗi các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao và du lịch, các chương trình nghệ thuật tại các khu, điểm du lịch phục vụ nhân dân và du khách suốt 4 mùa trong năm, đặc biệt là vào mùa thấp điểm du lịch của tỉnh.

Năm nay, chúng tôi huy động tổ chức 150 sự kiện và tổ chức hội nghị công bố cụ thể lịch trình chuỗi sự kiện vào cuối năm trước để các doanh nghiệp lữ hành biết, xây dựng sản phẩm và thông tin đến khách du lịch.

Nhờ đó, 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách đến TH đạt 10,5 triệu lượt khách, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu du lịch ước đạt 26.507 tỉ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Tuy nhiên, du lịch của tỉnh vẫn còn 1 số hạn chế như: Việc thu hút đầu tư du lịch vào khu vực miền núi còn hạn chế; Hệ thống cơ sở vât chất kỹ thuật phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức các sự kiện lớn còn thiếu, chưa đồng bộ; Phần lớn sản phẩm du lịch Thanh Hoá mới tiếp cận được thị trường du lịch ở mức trung bình, chưa tiếp cận được thị trường cao cấp, khách du lịch quốc tế.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế; bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số, trong thời gian tới, ngành VHTTDL Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, phát triển đồng bộ hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, nhân lực.

Đồng thời, tăng cường chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển tour, tuyến du lịch giữa Thanh Hóa với các địa phương; Tập trung phát triển du lịch xanh - du lịch cộng đồng - du lịch di sản gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa an toàn, thân thiện và hấp dẫn.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, nâng cao vai trò của chính quyền cơ sở và ý thức cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch bền vững.

Lãnh đạo Sở VHTTDL đề nghị Bộ VHTTDL sớm có kế hoạch cụ thể cho các hoạt động, sự kiện của ngành trong năm tiếp theo (muộn nhất là trong tháng 7 hằng năm) để các địa phương có cơ sở đề xuất kinh phí tham gia triển khai.

Đề nghị Bộ quan tâm, tạo điều kiện cho Thanh Hóa được đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quốc gia, quốc tế.

Đối với sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố, Sở VHTTDL Thanh Hoá đề nghị tăng cường liên kết du lịch vùng, hỗ trợ nhau trong xây dựng sản phẩn, quảng bá điểm đến; Hợp tác xây dựng các chương trình du lịch theo dòng chảy lịch sử - văn hóa và hành lang kinh tế ven biển.