Đà Lạt:
Du lịch đang cạnh tranh về giá chứ không cạnh tranh về chất lượng?
VHO - Ngày 5.6, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phối hợp cùng Sở VHTTDL tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Phát triển du lịch thành phố Đà Lạt”. Chương trình thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến, ý tưởng hay từ nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã bàn đến thực trạng và những vướng mắc của ngành du lịch địa phương hiện nay; đóng góp ý kiến, nhận định về sản phẩm du lịch, hiệu quả khai thác các tour - tuyến, thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đến Đà Lạt thời gian qua đã xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh hiện có? Giải pháp nâng tầm du lịch địa phương…
Theo đó, hầu hết các đại biểu, chuyên gia đều có đồng quan điểm Đà Lạt sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi hiếm có để phát triển du lịch như khí hậu, thiên nhiên, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực, con người…
Các sản phẩm du lịch, tour tuyến du lịch của Đà Lạt đa dạng và phong phú, chủ yếu dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương như du lịch thăm quan - nghỉ dưỡng, sinh thái, hội nghị - hội thảo, thăm quan, nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa bản địa, du lịch nông nghiệp - công nghệ cao, du lịch thể thao - mạo hiểm...
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch chưa đủ sức hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đa phần sản phẩm còn trùng lắp; trình độ nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, nhất là đội ngũ lao động có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo chính quy, chuyên nghiệp.
Ông Lê Tăng Trọng Nghĩa - đại diện Công ty du lịch Viettravel tại Đà Lạt cho rằng, hiện nay Đà Lạt đang có tình trạng cạnh tranh về giá chứ không phải bằng chất lượng sản phẩm làm cho du lịch Đà Lạt đi xuống. Bên cạnh đó, du lịch địa phương rất đa dạng sản phẩm nhưng lại không chuyên sâu và chưa thực sự chuyên nghiệp.
"Việc copy về tour, về sản phẩm đang rất dễ dàng. Hôm nay tôi mở tour mang tính đặc trưng nhưng hôm sau một công ty khác copy y chang. Họ không cần bỏ chất xám ra nhưng thấp hơn về giá vì bớt đi cái gì đó để làm sao bán được tour với giá rẻ hơn", ông Nghĩa dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Duy Đoàn - đại diện Hiệp hội tại KODPIA tại Việt Nam chỉ ra rằng, Đà Lạt đang thiếu "8 giờ vàng" trong phát triển kinh tế ban đêm cho ngành Du lịch (từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau), điều mà các nước có nền du lịch phát triển lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… đã và đang làm rất tốt.
Về các ý kiến góp để phát triển du lịch thành phố, một số đại biểu có mặt tại buổi Tọa đàm cho rằng, du lịch Đà Lạt nên đẩy mạnh cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, không nên tập trung cạnh tranh bằng giá.
Ông Cao Thế Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng nêu quan điểm, cần tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả việc liên kết nội vùng điểm đến Đà Lạt và liên kết vùng; triển khai bản đồ du lịch xanh Đà Lạt bằng điện tử; triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn du lịch Asean cho Đà Lạt liên tục; duy trì và hệ thống hóa các thông tin quảng bá du lịch Đà Lạt đa ngôn ngữ, đa phương thức và cách thức truyền thông.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quân Quy - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại GreenHills, đưa ra ý tưởng về chợ nông sản kết hợp với du lịch tại khu phía Đông của TP Đà Lạt, hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo tại vùng ven. Thành phố cũng cần phát triển một tuyến xe buýt du lịch nối Đà Lạt với khu vực Cầu Đất để đáp ứng nhu cầu di chuyển cũng như an toàn cho nhóm du khách có sở thích săn mây - vốn là một "đặc sản" nổi tiếng của Đà Lạt.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Võ Ngọc Trình - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho rằng, trong những năm qua Đà Lạt đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận với nhiều danh hiệu, giải thưởng như “Thành phố thông minh Việt Nam”, “Thành phố du lịch sạch ASEAN”,“Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc”… Bên cạnh đó, Festival Hoa Đà Lạt cũng được Hiệp hội Festival và Sự kiện quốc tế - khu vực châu Á trao tặng giải thưởng “Festival Hoa đẹp nhất châu Á”.
“Chính vì thế, chiến lược phát triển du lịch Đà Lạt xác định, mục tiêu phát triển du lịch nhanh và bền vững gắn với phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, đa dạng các sản phẩm du lịch, lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm động lực thu hút du khách”, ông Trình nhấn mạnh.