Du lịch Đà Nẵng tăng cường kết nối với các tỉnh Tây Nguyên

THUỴ BẤT NHI

VHO - Sở Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng vừa ký các văn bản đồng hành hợp tác kích cầu du lịch với các tỉnh, thành Tây Nguyên.

Hoạt động nhằm tăng cường công tác quảng bá các chương trình, sản phẩm địa phương đồng thời liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm du lịch từ núi rừng về biển.

Chương trình ký kết này được thực hiện trong loạt sự kiện hội chợ, hội thảo Lễ hội Café Buôn Ma Thuột lần thứ 9, diễn ra từ ngày 9 – 13.3.

Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã trực tiếp ký các biên bản ghi nhớ hợp tác đồng hành cùng các hiệp hội du lịch Gia Lai, Kontum, Đắk Lắk giới thiệu, quảng bá kích cầu đến người dân và các doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm đặc trưng với cộng đồng.

Kết nối nhiều giá trị

Ông Tán Văn Vương, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nhận định, xu thế hợp tác phát triển văn hóa du lịch đang bùng nổ cùng xu thế vận động thay đổi của các tỉnh thành cả nước.

Du lịch Đà Nẵng tăng cường kết nối với các tỉnh Tây Nguyên - ảnh 1
Ngành Du lịch Đà Nẵng và các địa phương Tây Nguyên tăng cường hợp tác

Trong đó, những địa phương có đặc thù lịch sử văn hóa riêng sẽ có lợi thế thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động quảng bá và du lịch trải nghiệm.

Đà Nẵng là thành phố biển, có những lợi thế du lịch biển và phát triển đô thị, những năm qua đã là điểm nhấn được chú ý trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.

Do đó, từ năm 2025 này, địa phương chủ trương đẩy mạnh công tác quảng bá, lan tỏa hợp tác, liên kết với bên ngoài để tăng cường các giá trị đầu tư vào văn hóa du lịch.

Tương hỗ với lợi thế này, Đà Nẵng còn nằm trong cung đường di sản miền Trung, kết nối thuận lợi với các tỉnh thành xung quanh, dễ dàng cùng tổ chức khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, di sản…

Thời gian qua, sự phát triển vượt bậc các hoạt động đầu tư vào du lịch của các tỉnh thành địa phương, cũng đang mang lại những khối lượng sản phẩm và cơ hội hợp tác rất lớn.

Trong đó, những điểm đến văn hóa di sản độc đáo như Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn… đang không ngừng được quảng bá mạnh mẽ, lồng ghép với những chương trình phát triển du lịch canh nông, du lịch áo dài, du lịch khám phá lịch sử… đã diễn ra ở nhiều vùng đất bản địa.

Trong khi đó, vùng đất Tây Nguyên lại sẵn có những giá trị văn hóa lịch sử khác biệt, truyền thống xã hội của các đồng bào dân tộc anh em, cạnh những giá trị và sản phẩm khám phá núi rừng, cảnh quan thiên nhiên.

Những lợi thế về du lịch canh nông, trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu các di sản văn hóa độc đáo và vận dụng những loại hình văn hóa khác biệt như văn hóa Voi, văn hóa thôn bản… cho phép các địa phương vùng cao nguyên này tăng sức hấp dẫn với du khách gần xa.

Do đó, việc hợp tác, kết nối giữa các tỉnh thành vùng duyên hải miền Trung, trong đó có Đà Nẵng với các tỉnh thành Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk, thủ phủ kinh tế và sản xuất nông nghiệp đặc thù, là hoàn toàn có cơ sở và rất thuận lợi.

Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thu hút xúc tiến đầu tư kinh tế xã hội, đặc biệt với các tổ chức nghề nghiệp như du lịch, các chương trình kết nối, tổ chức du lịch giữa các địa phương sẽ thêm thuận lợi.

Mở rộng nhiều cơ hội hợp tác

Ông Tán Văn Vương cho biết, lần kết nối quảng bá này, ngành Du lịch Đà Nẵng đưa đến giới thiệu cùng người dân Tây Nguyên các chương trình lễ hội đặc sắc của thành phố biển, như: Lễ hội Pháo hoa quốc tế DIFF 2025, lễ hội văn hóa biển Đà Nẵng, mùa du lịch biển hè 2025…

Du lịch Đà Nẵng tăng cường kết nối với các tỉnh Tây Nguyên - ảnh 2
Đà Nẵng quảng bá du lịch tại Lễ hội café lần thứ 9

Đà Nẵng đã chung sức với các tổ chức, doanh nghiệp cùng tổ chức các chương trình du lịch ấn tượng mang tên Tận hưởng Đà Nẵng, trải dài suốt năm với nhiều điểm nhấn độc lạ.

Qua đó, các đơn vị du lịch Đà Nẵng cũng hình thành những chuỗi sự kiện, sản phẩm ưu đãi, hỗ trợ phục vụ du khách, giảm giá khuyến mãi, tăng thêm các giá trị mới.

Nổi bật trong các hoạt động kích cầu du lịch này, là chương trình Hộ chiếu Ẩm thực nhấn mạnh vào thiết chế tổ chức, quảng bá các điểm đến ẩm thực địa phương, thu hút du khách quan tâm trải nghiệm.

Ông Trần Hồng Tiến, Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk nhìn nhận, những sản phẩm, thành quả phát triển du lịch của Đà Nẵng là rất ấn tượng và độc đáo ở chỗ dễ dàng lan tỏa, chia sẻ, để các địa phương khác có thể cùng trao đổi, học tập lẫn nhau.

Các chương trình cụ thể như Hộ chiếu Ẩm thực là sáng kiến rất tốt, có thể triển khai cùng ở địa bàn Đắk Lắk, nếu kết nối cùng nhau sẽ mang lại những trải nghiệm tuyệt vời hơn cho du khách.

Cạnh đó, những lễ hội đặc trưng như Café Buôn Ma Thuột, cũng rất cần thu nhận kinh nghiệm đã tổ chức của Đà Nẵng qua các lễ hội pháo hoa, lễ hội du lịch biển… để tổ chức được hiệu quả hơn.

Du lịch Đà Nẵng tăng cường kết nối với các tỉnh Tây Nguyên - ảnh 3
Khi kết nối, Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc

 Đặc biệt, qua việc kết nối hợp tác giữa các địa phương, các đơn vị du lịch, lữ hành bản địa sẽ rất dễ tính toán, cùng nhau tạo nên chuỗi sản phẩm, định vị các giá trị riêng, để khai thác và tổ chức chăm sóc du khách tốt hơn.

Đơn cử những ý tưởng “du lịch từ rừng xuống biển” giúp du khách trải nghiệm nhanh chóng những điểm khác biệt về văn hóa, đời sống vùng biển và vùng cao nguyên; cùng những giá trị văn hóa, tập tục, tín ngưỡng… khác nhau.

“Chúng tôi tin tưởng những kết quả hợp tác này sẽ tạo nên những ‘bàn tiệc’ mãn nhãn và đầy hương vị cho du khách trong và ngoài nước, ngày càng tạo sức cuốn hút để du lịch các địa phương cùng phát triển”, ông Trần Hồng Tiến nhận định.

Ông Tán Văn Vương cho biết, riêng đối với Đà Nẵng, cho đến nay ngành du lịch thành phố đã kết nối, ký kết hợp tác phát triển du lịch với 18 tỉnh thành địa phương, trực tiếp định hình nhiều sản phẩm du lịch đặc hữu với nhiều thành phố, vùng đất.

Việc xúc tiến thêm một bước hợp tác cùng các tỉnh Tây Nguyên, sẽ càng tạo thêm những cơ hội mới cho du lịch thành phố biển này.